Tại sự kiện thường niên của Hội đồng Washington về châu Mỹ (COA), được tổ chức tại Washington D.C hôm 2.5, thượng nghị sĩ Hagerty nhận được câu hỏi bên lề về khả năng Mỹ có thể khởi động lại quá trình đàm phán thương mại với Trung Quốc trong lúc Bắc Kinh đang nỗ lực gia nhập CPTPP.
Ông trả lời rằng những thỏa thuận đa phương rất khó thực hiện và "phía Trung Quốc sẽ không đáp ứng được các tiêu chuẩn" để gia nhập CPTPP, báo South China Morning Post hôm 3.5 đưa tin.
"Tôi không thể tưởng được những tình huống mà các thành viên khác đã tham gia hiệp định có thể chấp nhận một quốc gia hành xử theo kiểu… săn mồi (như Trung Quốc)", ông Hagerty bổ sung.
Thượng nghị sĩ Hagerty hiện là thành viên Ủy ban Phân bổ Ngân sách, Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Ngân hàng, Nhà ở và các vấn đề Đô thị của Thượng viện Mỹ.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng không hứng thú với ý tưởng tái gia nhập CPTPP để ứng phó Trung Quốc và thay vào đó đề xuất Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF).
Mục đích của IPEF là cải thiện các tiêu chuẩn về môi trường và lao động, theo một phần của chính sách thương mại đặt người lao động là trung tâm. Tổng cộng 12 quốc gia, đa số thuộc Đông Nam Á và bao gồm Việt Nam, đã tham gia IPEF kể từ khi Mỹ công bố khuôn khổ kinh tế mới hồi năm ngoái. Canada cho biết sẽ sớm gia nhập khuôn khổ này.
Trong khi đó, vào ngày 31.3, sau 2 năm đàm phán, Anh trở thành quốc gia châu Âu và không phải là thành viên sáng lập đầu tiên được kết nạp vào CPTPP. Những thành viên khác bao gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Peru, New Zealand, Singapore và Việt Nam. Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP, vào năm 2017.
Tháng 10.2022, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đã tiếp xúc và đối thoại với các thành viên CPTPP về quy trình gia nhập hiệp định. Việc gia nhập CPTPP cần phải có sự phê chuẩn của mọi quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Trung Quốc có tranh chấp thương mại với một số quốc gia thành viên, trong đó có Úc.
Bình luận (0)