Tối 18.4, một người dùng Facebook đã đưa lên mạng xã hội clip được cho là quay ở QL 1 (đoạn qua địa bàn Q.12, TP.HCM) có nội dung ghi lại cảnh 2 nam thanh niên điều khiển xe máy chạy ngược chiều va chạm với một xe máy khác ngã ra đường. Đoạn clip quay lại khá rõ cảnh 2 cảnh sát (CSGT và Cảnh sát cơ động) khống chế khi hai thanh niên này định bỏ chạy. CSGT dùng chân, tay đấm, đá vào mặt hai người; CSGT còn rút súng chĩa vào hai thanh niên này...
Sự việc sau đó được cơ quan chức năng xác nhận xảy ra khuya 17.4 ở đoạn đường nói trên. Theo đó, trong lúc tổ tuần tra Đội CSGT Bình Triệu (thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt, PC08 Công an TP.HCM) tuần tra trên QL1 gần với giao lộ đường Vườn Lài (Q.12), thì phát hiện nhóm thanh niên tụ tập có dấu hiệu đua xe. Phát hiện tổ tuần tra, một nhóm thanh niên điều khiển xe máy chạy ngược chiều trong làn xe máy (hướng từ Thủ Đức về ngã tư An Sương) để tẩu thoát. Trong lúc chạy ngược chiều bỏ trốn, xe máy của hai thanh niên va chạm mạnh với một xe máy khác đi đúng chiều; cả hai xe ngã ra đường. Sau khi hai “quái xế” té ngã định chạy bộ bỏ trốn, một CSGT, Cảnh sát cơ động tới khống chế, và CSGT đã chĩa súng, đánh như trong clip.
Kẻ bênh, người bác
Hành động của viên CSGT đã gây ra nhiều tranh luận. Một số người cho rằng, nếu đúng là quái xế thì “giơ 2 tay ủng hộ anh CSGT” vì thời gian qua đã có những cái chết oan uổng cho người đi đường do “quái xế” gây ra; không thể nhân nhượng cho những kẻ đua xe trái phép - những kẻ quấy rối trật tự xã hội gây nguy hiểm cho người khác. Trong trường hợp này, một số người cho rằng, cần phải nghiêm trị, răn đe, kể cả phải dùng vũ lực để trấn áp nhằm bảo vệ những người tuân thủ pháp luật. Ở nước ngoài, với những hành vi tương tự, cảnh sát thực thi công vụ đã có thể nổ súng trấn áp người vi phạm.
Tuy nhiên, ý kiến phản đối lập luận, hành vi của viên CSGT xuất hiện trong clip là “thô bạo” vì Việt Nam là nước có pháp quyền; sai phạm gì đều có pháp luật trừng trị. CSGT là người đại diện pháp luật, không nên có những hành động phản cảm (như trong clip). Nếu cổ súy cho những hành động như viên CSGT (và trở thành thói quen) thì rất nguy hiểm cho xã hội. Mở rộng vấn đề, một số ý kiến cho rằng, có thể tăng mức hình phạt để ngăn ngừa tội phạm, nhưng không thể ngụy biện cho hành vi phản cảm của những người thực thi pháp luật do những người bị tấn công là “quái xế”. Hãy sống và làm việc theo pháp luật!
Không thể phủ nhận thực tế, một số CSGT không làm tròn chức trách được giao, có những hành xử không đúng chuẩn mực gây ra tâm lý “xem thường” hoặc chống đối CSGT. Khá nhiều clip xuất hiện trên internet có độ lan tỏa cao là những clip hả hê trước tình huống người đi đường đôi co, “cãi luật” với CSGT đang làm nhiệm vụ.
Giám sát
Vào đầu tháng 4.2019, tại hội nghị sơ kết công tác quý 1/2019 do Cục CSGT (C08, Bộ Công an) tổ chức trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng, Cục trưởng Cục C08, yêu cầu thời gian tới lực lượng CSGT tiếp tục nỗ lực đảm bảo an toàn giao thông, chống ùn tắc cục bộ, chống đua xe trái phép, kéo giảm tai nạn giao thông... Đặc biệt “dồn lực” xây dựng đề án camera giám sát.
Trước đó, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ vào tháng 2.2019, thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã cho biết thông tin, Chính phủ đồng ý giao cho Bộ Công an lập đề án đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy xử lý vi phạm giao thông trên toàn quốc. Từ chủ trương của Chính phủ, Bộ Công an đã chỉ đạo Cục CSGT, các đơn vị của bộ cùng những ngành liên quan xây dựng đề án lắp đặt hệ thống camera giám sát, kiểm soát và xử lý vấn đề vi phạm giao thông; tổng mức đầu tư cho dự án bước đầu khoảng 600 tỉ đồng. Theo dự kiến, hệ thống này sẽ được lắp đặt trên các tuyến đường cao tốc và tuyến QL1.
Không chờ cho đến khi đề án này được triển khai, ở một số tuyến đường tại các thành phố, như: TP.HCM, Đà Nẵng, Phan Thiết (Bình Thuận)... cũng đã thí điểm lắp đặt camera giám sát với mục đích “phạt nguội” và có dữ liệu xử lý ùn tắc, tai nạn giao thông; xử lý an ninh, trật tự... Mục đích cao hơn của việc này là giám sát đô thị về mọi mặt; biến các đô thị thành “thành phố thông minh”. Hình thức “phạt nguội” tuy đang gây ra tranh cãi về tính hợp pháp của chứng cứ và về việc không thể thu được tiền phạt từ những người vi phạm... nhưng cho thấy nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc ứng dụng công nghệ trong việc quản lý trật tự, an ninh xã hội.
Tuy vậy, khi người dân tham gia lưu thông trên đường, đô thị... bị giám sát hành vi bởi các phương tiện hiện đại thì người dân hoàn toàn có quyền yêu cầu lực lượng thực thi pháp luật cũng được giám sát nhằm đảm bảo tính công khai minh bạch.
E ngại gì khi CSGT được trang bị camera trên ô tô, mô tô chuyên dụng, trên người... để có thể giám sát được tất cả hành vi của CSGT khi tiếp cận với người có biểu hiện vi phạm luật Giao thông đường bộ? Thậm chí, tại sao không truyền trực tiếp hình ảnh, dữ liệu trong quá trình CSGT làm việc vào một trung tâm quản lý đô thị thông minh tích hợp, hoặc trung tâm chỉ huy, điều khiển giao thông của CSGT ở các địa phương? Dữ liệu được ghi lại một cách trung thực hoàn toàn có thể là “chứng cứ” để bảo vệ CSGT khi xảy ra khiếu nại, tố cáo.
Chỉ có sự công khai, minh bạch mới hy vọng tránh được điều tiếng. Và sự giám sát lẫn nhau sẽ làm cho xã hội phát triển; pháp quyền được củng cố.
Bình luận (0)