Vì sao ăn củ ấu tàu lại ngộ độc?

Lê Cầm
Lê Cầm
07/09/2023 04:11 GMT+7

Củ ấu tàu là rễ của cây ô đầu, đây là dược liệu có tính độc gồm aconitin và các alkaloid, chúng rất dễ bị hấp thụ khi nuốt phải.

Nhiều trường hợp ngộ độc do sử dụng củ ấu tàu 

Vừa qua, người đàn ông 46 tuổi, ở Lào Cai, mua củ ấu tàu về đập nát rồi ninh xương, sau ăn 3 giờ bị co quắp chân tay, tức ngực, khó thở. Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu trong tình trạng kích thích nhiều, vã mồ hôi, đau tức ngực, khó thở, huyết áp không đo được, đại tiện không tự chủ. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc aconitin có trong củ ấu tàu, nguy cơ tử vong cao do rối loạn huyết động và loạn nhịp tim. Các bác sĩ xử trí theo phác đồ thuốc chống loạn nhịp và thuốc vận mạch. Sau đó, sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Hay như trường hợp bệnh nhân nam 65 tuổi, trú tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh, nhập viện cấp cứu cuối tháng 5.2023 trong tình trạng tê miệng, lưỡi, tay, chân, nóng rát vùng cổ, cảm giác loạn nhịp tim sau khi ăn canh có chứa khoảng 3-4 củ ấu tàu. Qua thăm khám, khai thác thông tin, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị ngộ độc củ ấu tàu, thực hiện các biện pháp cấp cứu, thải độc bằng than hoạt tính, rửa dạ dày, truyền dịch, hồi sức tích cực theo phác đồ. Sau 24 giờ điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định.

Trước đó, tháng 8.2022, sau 30 phút ăn cháo có củ ấu tàu, người phụ nữ 40 tuổi, ở Tuyên Quang bị tê miệng lưỡi, tê chân tay, buồn nôn và nôn, khó thở. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện tỉnh trong tình trạng tức ngực, khó thở, rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, suy tim phù phổi cấp, rối loạn điện giải. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc do ăn cháo củ ấu tàu. Bệnh nhân phải thở máy, điều trị rối loạn điện giải, dùng thuốc trợ tim, chống rối loạn nhịp tim...

Củ ấu tàu có chứa độc không, ăn có nguỵ hiểm? - Ảnh 1.

Hình dạng củ ấu tàu

BVĐK MƯỜNG KHƯƠNG

Củ ấu tàu là dược liệu có độc

Tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Thành Triết, Phó trưởng bộ môn Dược học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết củ ấu tàu chính là vị thuốc ô đầu và phụ tử, có nguồn gốc từ rễ của cây ô đầu (Aconitum spp.). Trong đó, củ cái của cây được gọi là ô đầu, thường không chế biến và chủ yếu dùng ngoài làm thuốc xoa bóp giảm đau. Còn củ con có tên là phụ tử, có thể dùng đường uống nhưng phải qua chế biến nghiêm ngặt theo các quy trình được quy định bởi Bộ Y tế để giảm bớt độc tính.

"Theo tài liệu cổ, ô đầu, phụ tử đều có vị cay, ngọt, tính đại nhiệt, có độc. Ô đầu chỉ được dùng ngâm rượu để xoa bóp khi bị đau nhức, mỏi chân tay. Trường hợp đặc biệt, hiếm lắm thầy thuốc mới có người dùng cho uống để chữa bán thân bất toại, chân tay co quắp, mụn nhọt vỡ lâu không liền miệng. Trong khi đó phụ tử có tác dụng hồi dương, khử phong hàn, dùng chữa một số triệu chứng nguy cấp, mạch gần như không có, ra nhiều mồ hôi (thoát dương) chân tay tê mỏi", tiến sĩ Triết chia sẻ.

Thành phần độc tố chính của ấu tàu là aconitin và các alkaloid, chúng rất dễ bị hấp thụ khi nuốt phải cũng như được hấp thụ qua đường tiếp xúc với da và các màng nhầy. Hiệu ứng của aconitin dựa trên sự gia tăng độ thẩm thấu của các ion natri qua các màng ngăn, làm chậm lại quá trình tái phân cực. Nó có tác động tới hệ thần kinh ngoại biên cũng như trung tâm. Ở liều thấp gây ra các tác động kích thích, ở liều cao hơn một chút thì tạo cảm giác nóng bỏng, gây nôn mửa, chóng mặt còn, ở liều cao hơn nữa thì gây tê liệt và dẫn tới tử vong do trụy tim.

Do đó, củ ấu tàu là vị thuốc cực kỳ độc và được đưa vào danh mục dược liệu độc của Bộ Y tế. Khi sử dụng đường uống, chỉ sử dụng phụ tử đã qua quá trình chế biến theo các hướng dẫn của Dược điển Việt Nam và Bộ Y tế nhằm làm giảm hàm lượng của aconitin và các alkaloid có liên quan xuống mức có thể chấp nhận, lúc đó mới sử dụng được trong điều trị. Hạn chế tối đa việc sử dụng củ ấu tàu làm thức ăn (người dân thường xem như một vị thuốc bổ đắng), chỉ trừ những gia đình đã có kinh nghiệm lâu đời trong việc chế biến, ví dụ món cháo củ ấu tàu ở Tây Bắc và khi làm thuốc tuyệt đối phải theo chỉ định của chuyên gia.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.