Cụ bà 95 tuổi và em gái khóc nức nở sau 80 năm tìm được cha

Nguyễn Long
Nguyễn Long
25/08/2024 07:24 GMT+7

Kể từ ngày cha ra đi vì lộ tung tích khi tham gia cách mạng, cụ bà Phạm Thị Biên (95 tuổi, quê xã Kỳ Thọ, H.Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn đau đáu có ngày cha trở về hoặc mình tìm thấy được ông một lần dù chỉ là nấm mồ.

Mộ cha cách nhà hơn 1.200 km

Chiếc xe 16 chỗ dừng lại trước nghĩa trang liệt sĩ H.Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu) sáng 24.8, cụ bà Phạm Thị Biên được mọi người dìu xuống xe. 

Cụ Biên khóc, 2 dòng lệ tuôn trào. Đi sau cụ Biên là em gái ruột Phan Thị Chiên (85 tuổi). Cả 2 bà cụ được 2 con trai thay phiên nhau chở bằng ô tô từ Hà Tĩnh vào TP.Vũng Tàu vào tối 23.8 để gặp các chị em cùng cha khác mẹ. 

Một đêm ở TP.Vũng Tàu, cụ Biên và cụ Chiên không chợp mắt được, mong trời mau sáng để thúc các em cùng cha khác mẹ của mình dậy để chuẩn bị cho cả nhà đến nghĩa trang liệt sĩ H.Xuyên Mộc viếng mộ cha.

Cụ bà 95 tuổi và em gái khóc nức nở sau 80 năm tìm được cha- Ảnh 1.

Cụ Biên (bìa trái) và em gái từ Hà Tĩnh vào H.Xuyên Mộc thắp hương cho cha là liệt sĩ Phạm Đình Thưng

NGUYỄN LONG

Tại nghĩa trang liệt sĩ H.Xuyên Mộc, 3 ngôi mộ nằm sát cạnh nhau, lần lượt là liệt sĩ Phạm Đình Thưng (sinh năm 1908); Nguyễn Thị Minh Liên (sinh năm 1919, vợ ông Thưng) và Phạm Đình An (sinh năm 1939, con trai đầu của vợ chồng liệt sĩ Thưng và Liên). 

Bà Biên cho biết cha mình tên thật là Phạm Đình Thuân, trong lúc hoạt động cách mạng, do bị lộ tung tích nên đã để vợ cùng 2 con gái (cụ Biên và cụ Chiên) ở lại quê nhà, vào miền Nam tiếp tục hoạt động. 

Tại đây, nhiều người hay gọi ông Thuân thành Thưng. Sau đó, ông Thưng và bà Liên quen biết trong quá trình hoạt động cách mạng, cùng sinh ra 7 người con, trong đó có liệt sĩ Phạm Đình An.

Cụ bà 95 tuổi và em gái khóc nức nở sau 80 năm tìm được cha- Ảnh 2.

Nghĩa trang liệt sĩ H.Xuyên Mộc, nơi liệt sĩ Phạm Đình Thưng an nghỉ

NGUYỄN LONG

Gặp mộ cha, 2 chị em cụ Biên khóc nức nở. Hai cụ khóc vì hạnh phúc, vì gặp lại được cha của mình và những dòng máu mới cha để lại. 

"Cha ơi, 80 năm rồi con mới được gặp cha. Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Ơn cha con chưa trả được, mà giờ đây khi gặp lại nhau chỉ có nấm mồ. Cha ơi cha, con thương cha nhiều lắm cha ơi. Ngày cha đi mẹ con không cho. Cha để chúng con lại, mẹ ở vậy nuôi chúng con tới giờ này đây", tiếng khóc của cụ Biên khiến mọi người đều chảy nước mắt.

Cụ bà 95 tuổi và em gái khóc nức nở sau 80 năm tìm được cha- Ảnh 3.

Cụ Biên không còn nước mắt để chảy, cụ khóc vì sự hạnh phúc

NGUYỄN LONG

Khi cụ Biên và cụ Chiên thắp hương cho cha mình thì bên cạnh, các con của liệt sĩ Liên thắp hương khấn với mẹ: "Mẹ ơi, chị em chúng con đã tìm được thấy nhau rồi. Chúng con đã nhận ra nhau, cha mẹ yên tâm mà nhắm mắt". 

"Anh 2 ơi, mấy chị từ Hà Tĩnh vào đây thắp hương cho cha mẹ, cũng đến thắp hương cho anh. Chúng ta là người một nhà anh 2 ơi", bà Phạm Thị Hồng Thung (67 tuổi, ngụ TP.Vũng Tàu), con thứ 6 của liệt sĩ Thưng và Liên thắp nén hương cho liệt sĩ An khấn vái thì thầm.

Xin gặp cha một lần trước khi chết

Cụ Biên cho biết chừng 1 tháng trước khi gặp được các em cùng cha khác mẹ ở TP.Vũng Tàu, bản thân cụ đã bệnh tật, khó có thể sống lâu được. "Đêm hôm đó, tôi nằm ngoài hiên cứ khấn vái xin được gặp cha một lần để chết cũng yên tâm, thỏa nguyện từ xưa nay. Trong lúc ngủ, tôi mơ màng gặp một người đàn ông, hứa là sẽ cho tôi gặp cha để toại nguyện", cụ Biên chia sẻ.

Cụ bà 95 tuổi và em gái khóc nức nở sau 80 năm tìm được cha- Ảnh 4.

Cụ Biên (ở giữa) cùng cụ Chiên (bìa phải) và em gái cùng cha khác mẹ (bìa trái) ôm bằng liệt sĩ của người thân

NGUYỄN LONG

Trong khi đó, các con cùng cha khác mẹ của cụ Biên, từ 30 năm qua đã "cóp nhặt" từng thông tin của liệt sĩ Thưng để tìm về cội nguồn. 

Bà Phạm Thị Hồng Thung cho biết lúc còn hoạt động trong rừng, liệt sĩ Thưng thường hay nói "tụi bay có má lớn và 2 chị ở Hà Tĩnh". 

"Trong lúc ở trong rừng chiến đấu, khoảng năm 1948 - 1950, cha tôi có về làng quê để gặp má lớn và các chị, nhưng khi đến gần Đèo Ngang, còn cách nhà 25 km thì gặp người bạn đang từ Hà Tĩnh đi vào, nói là cả gia đình đã chết vì bị giặc cho nổ bom. Nghe đến đây, cha tôi quay lại đơn vị tiếp tục phục vụ cách mạng", bà Thung kể.

Cụ bà 95 tuổi và em gái khóc nức nở sau 80 năm tìm được cha- Ảnh 5.

Cụ Chiên khóc nức nở như đứa trẻ khi tìm thấy mộ cha

NGUYỄN LONG

Sau khi đất nước hòa bình, chị em bà Thung được đưa ra khỏi rừng, trong đó có bà Phạm Thị Kim Dung (đã mất) luôn đau đáu tìm về quê cha. 

Bà Dung có con gái là chị Đặng Phạm Mỹ Hạnh, hiện đang công tác tại Sở Tư pháp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Chị Hạnh cho biết, khi mẹ mình còn sống thường mong ước có tiền để đưa cho các cậu, dì về Hà Tĩnh tìm nguồn cội. "Lúc mẹ tôi mất đi, tôi cùng chồng đã nhiều lần nhờ mối quan hệ quen biết để tìm về quê cha. Tuy nhiên, địa danh hiện nay đã thay đổi, nhiều lần tìm kiếm mà không được. Những thông tin của ông ngoại để lại quá ít, không vật chứng, hình ảnh nên việc tìm kiếm như mò kim đáy biển", chị Hạnh nói.

Trước ngày giỗ liệt sĩ Thưng không lâu, chị Hạnh cùng chồng ra nhà thông gia ở Quảng Bình. Nhà thông gia của chị Hạnh có người cháu làm việc ở chính quyền H.Kỳ Anh. Từ câu chuyện của chị Hạnh kể, thông gia của chị đã nhờ chính quyền các cấp của H.Kỳ Anh hỗ trợ tìm kiếm. Vợ chồng chị Hạnh cũng đến UBND xã Kỳ Thọ đưa thông tin để nhờ đỡ. 

"Do không có thời gian ở lại Hà Tĩnh nên chúng tôi phải quay về Vũng Tàu. Chúng tôi cũng không hy vọng nhiều, nghĩ đã thất lạc nguồn cội của mình rồi. Còn 3 ngày nữa đến giỗ ông ngoại thì chúng tôi được chính quyền xã Kỳ Thọ báo là tìm thấy được thông tin của ông. Gia đình tôi mừng lắm. Chính quyền xã kết nối cho gia đình cụ Biên và gia đình của chúng tôi nói chuyện qua Zalo. Sau những câu chuyện, cả 2 gia đình đã nhận là bà con. Ngay sau đó, cụ Biên và cụ Chiên đã vào đây để nhận chị em cùng cha khác mẹ", chị Hạnh vui mừng.

Cụ bà 95 tuổi và em gái khóc nức nở sau 80 năm tìm được cha- Ảnh 6.

Cụ Biên và cụ Chiên được các em ôm vào lòng

NGUYỄN LONG

Cụ Biên chia sẻ: "Tộc Phạm Đình ở ngoài Hà Tĩnh lớn. Cha tôi ngoài 2 chị em gái tôi thì có thêm các em gái và 2 người em trai mới nhận nhau. Tôi mong muốn có 1 em trai về Hà Tĩnh để cùng dòng họ hương khói cho tộc Phạm Đình…".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.