Cụ bà bật khóc khi được xe đón về Quảng Ngãi miễn phí tránh dịch Covid-19
25/07/2021 21:14 GMT+7
Bị ung thư phổi giai đoạn cuối, cụ bà Hồ Thị Cổ (81 tuổi, quê ở tỉnh Quảng Ngãi) bật khóc ở Bến xe Miền Đông , TP.HCM khi được đoàn xe của tỉnh vào đón về quê miễn phí. Dù về quê cũng chỉ ở một mình, nhưng đó là ước mơ của bà suốt mấy tháng trời “mắc kẹt” ở Sài Gòn.
Tự động phát
12 giờ trưa, trong Bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), nhiều người Quảng Ngãi vội vã kéo va li vào điểm tập kết, chuẩn bị về quê trên chuyến xe nghĩa tình mà quê hương chạy vào để rước họ về.
Ngồi lọt thỏm trên chiếc ghế đá dọc hành lang chờ xe, xung quanh lỉnh kỉnh đồ đạc, vài chiếc bánh ngọt gói kỹ, cụ bà Hồ Thị Cổ nheo mắt nhìn xung quanh. Chốc chốc đôi tay chi chít đồi mồi lại cầm miếng khăn giấy quệt nước mắt, bà khóc không chỉ vì ước mơ sau nhiều tháng trời “mắc kẹt” Sài Gòn thành hiện thực, mà còn do đợt này bà về quê, chẳng biết có ngày quay trở lại.
Phải về!
“Bà con mình cố gắng đứng cách nhau ra. Nhớ là đứng cách nhau 1,5m, cố gắng đứng cách nhau ra nha” – tiếng loa thông báo liên tục vang lên. Ai nấy lại xích ra một chút để giữ khoảng cách an toàn. Cụ bà Hồ Thị Cổ thì vẫn ngồi yên trên ghế đá, kéo những túi đồ to, nhỏ lại sát bên mình.
|
“Nếu không có dịch thì tôi ở trong này tết mới về, ở quê cũng có một mình thôi. Giờ tôi giai đoạn cuối rồi sống không biết được tới ngày nào, phải về…”,Cụ bà Hồ Thị Cổ |
Mấy năm trước, bà Cổ phát hiện bị ung thư phổi nên chuyển vào Sài Gòn điều trị tại BV Phạm Ngọc Thạch, bà ở luôn cùng nhà trọ với con để tiện thăm khám. Tình hình dịch phức tạp, bà được chuyển sang BV Quân y 175, sau đó chuyển điều trị tại nhà, lãnh thuốc uống cầm cự.
Bà bộc bạch: “Nếu không có dịch thì tôi ở trong này tết bà mới về, ở quê cũng có một mình thôi, không có ai hết, dịch quá mới phải về. Giờ tôi giai đoạn cuối rồi sống không biết được tới ngày nào, phải về…”, nói tới đây, bà bật khóc nức nở.
|
Theo lời cụ bà, vì bệnh tới giai đoạn cuối, tuổi lại cao nên bà chỉ mong được về quê, ở trong chính mái nhà quen thuộc của mình. Từng ngày trôi qua, bà đều hi vọng sức khỏe tốt để chờ đợi được đến ngày trở về. Do vậy, khi nhận thông báo từ Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP.HCM, mấy đêm bà không ngủ được, sáng cũng ra bến xe thật sớm vì sốt ruột.
“Được về là mừng. Ở trong này chết thì biết phải làm sao được. Ở nhà tôi cũng còn đứa con gái, lấy chồng gần nhà chạy qua chạy lại. Nhưng về lần này phải đi cách ly 14 ngày, tôi lại đang bệnh hiểm nghèo như vậy, không biết cầm cự qua nổi để về nhà không, cũng không dám hẹn ngày trở lại Sài Gòn”, bà Cổ lại lau vội những dòng nước mắt vừa chảy xuống ướt khẩu trang.
|
Gần đó, bà Nguyễn Thị Xuân Hồng (54 tuổi) cùng chồng cũng đang xếp lại chai nước xịt khuẩn và chút đồ ăn dọc đường ở bên hông ba lô để tiện di chuyển. Hai tháng trước, vợ chồng bà Hồng cùng nhau vô Sài Gòn khám bệnh. Vừa vào đến nơi thì số ca nhiễm Covid-19 tại TP.HCM tăng liên tục, hai vợ chồng già bảo nhau ráng ở trọ vài ngày, chờ “êm êm” thì đi khám sau.
Đến giờ, vợ chồng bà cũng chưa đi khám bệnh được, mà nhà cửa ở quê lại đóng bỏ không 2 tháng qua, tìm đủ cách mua vé về quê cũng không được nên càng thêm sốt ruột. Suốt thời gian “mắc kẹt” ở Sài Gòn, vợ chồng bà tằn tiện chi tiêu từng đồng một, chờ đợi từng ngày để quay về nhà.
|
“Hai vợ chồng cả đêm không ngủ được, nôn nao chờ được về quê. Thôi tình hình này cứ về cách ly, xong xuôi thì tìm bệnh viện dưới quê khám luôn cũng được, khi nào hết dịch hẳn mới vô lại Sài Gòn”, bà Hồng chia sẻ.
Vừa mặc xong bộ đồ bảo hộ trùm kín người, ông Tô Văn Châu (57 tuổi, chồng bà Hồng) giọng run run nói: “Gần lên xe thấy nó mừng gì đâu, hồi hộp, không tả được đâu, cảm giác về quê trên những chuyến xe nghĩa tình như thế này quá là may mắn”.
Xúc động tình nghĩa quê hương
Nhà báo Quốc Vĩnh – Chủ tịch Hội đồng hương Quảng Ngãi tại TP.HCM cho biết, bà con Quảng Ngãi vào TP.HCM học tập và mưu sinh rất đông, có tới hàng vạn người và đa số là lao động làm những nghề thời vụ cực nhọc như xe ôm, thợ hồ, bán mì gõ, trái cây, lao động tự do, sinh viên theo học tại các trường đại học, cao đẳng.
|
|
"Hai vợ chồng cả đêm không ngủ được, nôn nao chờ được về quê. Thôi tình hình này cứ về cách ly, xong xuôi thì tìm bệnh viện dưới quê khám luôn cũng được, khi nào hết dịch hẳn mới vô lại Sài Gòn".Bà Nguyễn Thị Xuân Hồng |
Sau khi Hội đồng hương thông tin về việc hỗ trợ bà con về quê miễn phí, chỉ trong 2 ngày của đợt đầu tiên đã có hơn 6.000 người đăng ký, trong khi đó tỉnh chỉ nhận 400 người cho đợt đầu tiên đưa người dân về. Trong chiều 25.7, 200 người sẽ được đưa về trước trên 10 xe ô tô của công ty Chín Nghĩa tài trợ. Vẫn là những chuyến xe xuất phát từ Bến xe Miền Đông như bao lần trước, nhưng lần này, ai nấy đều hồi hộp chờ mong, có gì đó lâng lâng khó tả.
Cụ bà Huỳnh Thị Mì (80 tuổi) bán vé số ở Sài Gòn ngót nghét hai chục năm cầm kết quả test âm tính và CMND trên tay run run nhìn xung quanh. Sức khỏe không cho phép, mỗi đợt vào Sài Gòn, bà chỉ ở chừng 3 – 5 tháng, dành dụm được vài đồng bạc, lại về quê nghỉ ngơi. Để tiết kiệm chi phí, bà ở chung nhà tập thể cùng nhiều người bán vé số khác và hằng ngày đi bán bộ quanh Q.10, Q.11 và Q.Bình Tân.
|
Bà kể: “Ở nhà con cháu nuôi thì cũng có cơm, đi vô Sài Gòn bán kiếm đồng tiền bỏ túi khi bà bệnh hoạn, tôi mua gì tôi mua. Vô đây tôi còn được đi mổ 2 mắt theo chương trình từ thiện, chứ ở nhà tụi nó sao có điều kiện lo được. Đợt rồi vé số không được bán, tôi đi ở nhờ nhà cháu họ cho qua ngày. Giờ được về tôi phấn khởi vô cùng, không thôi là biết chừng nào mới về được”.
Không chỉ có người cao tuổi, 200 người được đưa về Quảng Ngãi miễn phí trong chiều 25.7 còn có cả những gia đình bán hủ tiếu gõ. Theo yêu cầu phòng dịch của TP, họ bỗng chốc thất nghiệp, nhưng hàng tháng vẫn phải oằn mình lo tiền nhà trọ, ăn uống.
|
“Dịch qua bán ế lắm, vỉa hè thì hai vợ chồng cũng phải thuê, tiền nhà trọ, tiền ăn các thứ, tằn tiện lắm cũng không đủ. Giờ được đưa cả nhà về quê, đoàn tụ cùng cậu con trai đầu phải xa ba mẹ, hạnh phúc lắm”.Chị Nguyễn Thị Phượng |
Chị Nguyễn Thị Phượng (32 tuổi, bán hủ tiếu tại Q.12) ngay khi biết được hỗ trợ về quê miễn phí đã trả nhà trọ, khăn gói đồ đạc cùng chồng và 2 con gái ra bến xe. Hai tháng qua chị sống nhờ tiền lương công nhân của chị gái và cả tiền hỗ trợ thất nghiệp của TP. Chị tâm sự: “Dịch qua bán ế lắm, vỉa hè thì hai vợ chồng cũng phải thuê mới được bán, tiền nhà trọ, tiền ăn các thứ, tằn tiện lắm cũng không đủ. Giờ được đưa cả nhà về quê, đoàn tụ cùng cậu con trai đầu phải xa ba mẹ, hạnh phúc lắm”.
Thượng tá Trần Minh Hưng – Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Quảng Ngãi (Trưởng đoàn) cho biết, đoàn xe đưa người Quảng Ngãi đang sinh sống tại TP.HCM gặp khó khăn vì dịch bệnh về quê xuất phát từ Quảng Ngãi vào lúc 17 giờ ngày 24.7.
|
Để đảm bảo an toàn, xe sẽ di chuyển xuyên suốt, không dừng dọc đường. Người dân trước khi lên xe được test nhanh lại một lần và sẽ ăn cơm hộp do đoàn chuẩn bị trên đường về quê. Đoàn xe đưa bà con Quảng Ngãi từ TP.HCM về quê đợt này gồm có 50 người, trong đó 12 người là tình nguyện viên, 10 bác sĩ y tá và 3 cán bộ CDC, 20 lái xe của công ty Chín Nghĩa cùng cán bộ Công an đi đảm bảo công tác an ninh an toàn cho đoàn.
Đúng 16 giờ, đoàn xe đón bà con Quảng Ngãi về từ TP.HCM rời Bến xe Miền Đông. Những giọt nước mắt hạnh phúc đã rơi, chuyến xe trở về quê hương chưa bao giờ nhiều cảm xúc, lâng lâng đến vậy…
Quảng Ngãi
covid-19 ngày 25/7
Covid-19
TP.HCM
về quê tránh dịch Covid-19
đồng hương Quảng Ngãi
đưa bà con Quảng Ngãi về quê
cụ bà bật khóc
cụ bà Quảng Ngãi
xe đón bà con về quê
tin tức về Covid-19
Bình luận (0)