Cụ bà Bến Tre hào hiệp chia sẻ nước ngọt cho bà con lúc hạn mặn

Bắc Bình
Bắc Bình
29/02/2020 13:48 GMT+7

Lãnh đạo Tỉnh ủy Bến Tre, Thành ủy TP.Bến Tre, MTTQVN tỉnh đã đến tận nhà khen tặng cụ Nguyễn Thị Huởn vì tấm lòng hào hiệp khi sẵn lòng chia sẻ nước ngọt cho người khác lúc hạn mặn, liên tục trong nhiều năm.

Ngày 28.2, ông Trần Ngọc Tam, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre, cho biết ông vừa dẫn đầu đoàn công tác đến tận nhà cụ Nguyễn Thị Huởn (77 tuổi, ngụ ấp Phú Thành, xã Phú Hưng, thành phố Bến Tre, Bến Tre) để trao thư khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre cho cụ vì đã hào hiệp chia sẻ nguồn nước ngọt của gia đình cho cư dân nghèo trong nhiều đợt xâm nhập mặn gay gắt nhất.

Công việc hàng ngày của cụ Nguyễn Thị Hưởn trong mùa hạn mặn

Ảnh: Bắc Bình

"Nghĩa cử cao đẹp này đã không chỉ thể hiện tinh thần trách nhiệm của bà và gia đình bà trước những khó khăn của người dân xung quanh mà còn có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể tinh thần “tương thân tương ái” quý giá của người dân Bến Tre", thư khen của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre ghi rõ.

Dịp này, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre cũng đã trao tặng gia đình bà Huởn 2 bồn chứa nước, dung tích mỗi bồn 1.000 lít để gia đình bơm nước trữ sẵn giúp người dân thuận tiện trong việc đến lấy nước ngọt về sử dụng.

Theo ghi nhận của PV Báo Thanh Niên, căn nhà của bà Huởn nằm đối diện với UBND xã Phú Hưng (TP Bến Tre), ngay từ đầu đợt xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 luôn tấp nập người ra, vào lấy nước ngọt từ giếng hộc mang về sử dụng miễn phí.

Những hình ảnh ấm áp này cũng đã diễn ra trong mùa hạn mặn tại đây từ nhiều năm trước. Không những vậy, với những hộ dân neo đơn xung quanh không tự đến lấy nước được thì 2 người con của cụ Huởn dùng xe đạp chở các thùng 20 lít đến hỗ trợ tận nhà.

Cụ Hưởn cho biết cách đây khoảng 20 năm, gia đình bà đào giếng tầng nông với độ sâu khoảng 8m để lấy nước ngọt. Trong khi đó, xung quanh cũng có nhiều người đào giếng nhưng chỉ có gia đình bà đào trúng mạch ngầm nên nước ngọt quanh năm và không bị nhiễm phèn, mặn.

Mỗi ngày có gần 100 người đến bơm nước ngọt từ nhà cụ Hưởn về sử dụng và ai nấy đều rất cảm kích với nghĩa cử của cụ

Ảnh: Bắc Bình

“Các con tự hào về tôi”

Từ mùa khô năm 2016, khi nước mặn xâm nhập khốc liệt, người dân không có nước ngọt sử dụng nên bà đã cung ứng miễn phí. Thấy vậy, một mạnh thường quân giúp đỡ bà 6 triệu đồng để mua 2 bồn nhựa chứa nước với khối lượng 1.000 lít/bồn để người cần lấy nước rút ngắn thời gian đợi chờ. Mỗi ngày, giếng hộc của cụ Hưởn lấy được gần 50 m3 nước ngọt, trong vắt.

“Những người lấy nước về làm tàu hũ hoặc bán quán nước tâm sự họ có thu nhập từ nguồn nước của tôi và đây là nguồn duy nhất trong lúc mặn gay gắt nên họ xin được trả tiền với giá 50.000 – 70.000 đồng/m3. Nhưng tôi nghĩ gia đình mình đã rất may mắn có nguồn nước "trời ban" nên tôi muốn được chia sẻ với mọi người. Mặt khác, tôi hiểu rằng không ít người sẽ không trả nổi tiền nếu tôi quyết định bán với giá mà nhiều người đề xuất. Vì vậy, tôi cứ cho không và các con tôi cũng rất tự hào vì quyết định của tôi và với tôi đó mới là điều quan trọng”, cụ Hưởn chia sẻ.

Việc làm của cụ Hưởn còn đặc biệt có ý nghĩa hơn vì hiện nay đa phần dân cư trên địa bàn tỉnh Bến Tre có tiền cũng khó mua được nước ngọt với độ mặn xấp xỉ 0 phần nghìn (độ mặn đo được của nước giếng nhà cụ Hưởn - PV). Hiện tất cả các hệ thống nước dẫn từ trạm bơm của các nhà máy trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã nhiễm mặn hơn 3 phần nghìn. Tuy vậy, chủ của các nhà máy nước vẫn thu với giá từ 7.000 - 9.000 đồng/m3. Trong khi đó, những người có phương tiện vận chuyển nước từ các giếng khoan, trên các tuyến kênh đầu nguồn có độ mặn khá cao, dơ, đục để phục vụ tưới cây hay phục vụ sinh hoạt hằng ngày cũng bán được với giá 100.000 - 150.000 đồng/m3.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.