Cụ bà nuốt mảnh vỏ sò khi ăn cháo hải sản

Duy Tính
Duy Tính
03/07/2023 16:42 GMT+7

Cụ bà nuốt 2 mảnh vỏ sò khi ăn cháo hải sản được các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cứu chữa kịp thời.

Ngày 3.7, tin từ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, gần đây bệnh viện liên tục tiếp nhận nhiều bệnh nhân lớn tuổi nuốt phải dị vật trong thức ăn gây tổn thương đường tiêu hóa nghiêm trọng, trong đó có cụ nuốt cả mảnh vỏ sò lớn.

Cụ thể là cụ bà N.T.N (86 tuổi, ngụ Q. Bình Thạnh). Trước đó, cụ bà ăn cháo hải sản, do không còn răng nên cụ chỉ có thể nuốt thức ăn mà không hề biết đã nuốt luôn cả vỏ sò.

Hai ngày sau, tức 28.6, cụ bà đau bụng dưới, nghi rối loạn tiêu hóa nên được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định vì nghi bị rối loạn tiêu hóa. Kết quả siêu âm ghi nhận cụ bà bị viêm ruột. Kết quả chụp CT-Scanner bụng để kiểm tra nguyên nhân khiến ruột bị viêm thì phát hiện có dị vật đâm xuyên ngang ruột non của cụ bà.

Cụ bà nuốt mảnh vỏ sò khi ăn cháo hải sản - Ảnh 1.

Mảnh vỏ sò được lấy ra từ ruột cụ bà

BVCC

Mặc dù cụ bà có rất nhiều bệnh lý nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu cơ tim nhưng trong tình thế cấp cứu nên không thể trì hoãn ca phẫu thuật. Vì nếu để dị vật di chuyển xuống và gây thủng ruột già thì phân sẽ tràn ra ổ bụng làm viêm phúc mạc, nguy cơ bệnh nhân sẽ tử vong.

Cụ bà được chuyển vào phòng mổ, các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hóa đã nội soi để thám sát vị trí của dị vật, đồng thời mở một đường nhỏ để đưa dị vật ra ngoài. Dị vật được lấy ra là 2 mảnh vỏ sò có kích thước lên tới 5 cm. Sau ca mổ, sức khỏe cụ bà ổn định, đang được theo dõi kỹ tại bệnh viện.

Tiếp đó, ngày 30.6, khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân Gia Định tiếp tục phẫu thuật cho một phụ nữ 60 tuổi, ngụ tại TP.HCM vì bệnh nhân ăn cá, nuốt phải xương cá. Mảnh xương này theo đường tiêu hóa ra thành bụng và tạo ổ áp xe.

Tương tự, nam bệnh nhân 60 tuổi ngụ TP.HCM đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định trong tình trạng bị đau vùng mông trái và vùng bụng dưới bên trái. Diễn biến sức khỏe của ông chuyển biến xấu, mạch đập nhanh, huyết áp tụt, sốc nhiễm trùng. Khi khám hậu môn, bác sĩ đã lấy ra được một mảnh xương cá dài 3 cm trong lòng trực tràng. Theo bác sĩ, nếu đến bệnh viện chậm thêm chút nữa, nguy cơ tử vong cao.

Không chỉ xương cá, vỏ sò mà Bệnh viện Nhân dân Gia Định còn mổ cấp cứu cho các trường hợp là người cao tuổi bị tổn thương đường tiêu hóa do xương vịt, xác trà, vỉ thuốc. Có trường hợp cụ ông bị que tăm tre xuyên qua dạ dày đi vào gan.

TS-BS Mai Phan Tường Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Phó khoa Ngoại tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân Gia Định, cho biết thức ăn từ khi ăn vào cho tới lúc đi hết ống tiêu hóa sẽ mất khoảng 4 ngày. Kể từ lúc nuốt vào, thức ăn sẽ còn nằm ở dạ dày khoảng 4 tiếng. Vị trí dễ bị dị vật xuyên thủng, nằm kẹt lại nhất chính là từ dạ dày ra ruột non và từ ruột non xuống ruột già. Nếu bệnh nhân tới bệnh viện sớm thì có thể soi gắp dị vật ra. Trong trường hợp muộn hơn thì sẽ được chỉ định chụp phim mỗi 6 tiếng để kiểm tra vị trí của dị vật, theo dõi và chờ dị vật ra ngoài theo đường tự nhiên. Tuy nhiên, trong quá trình theo dõi nếu thấy dị vật gây tổn thương, thủng, áp xe đường tiêu hóa thì bắt buộc phải phẫu thuật để xử trí.

Để không bị nuốt các dị vật như vỏ sò, xương cá…, TS-BS Tường Anh lưu ý mọi người, khi ăn uống, thí dụ như ăn cá thì nên ăn cá đã lóc xương, phi lê. Ăn trái cây có hạt thì mình nên bổ ngang, không nên bổ dọc, vì khi bổ dọc hạt sẽ nằm song song với múi trái cây khó phát hiện ra hơn là bổ ngang. Nếu trong nhà có người cao tuổi, trẻ nhỏ, ngoài việc lựa chọn thực phẩm kỹ thì không nên cắt nhỏ vỉ thuốc để tránh việc không để ý mà nuốt cả vỏ thuốc.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.