Cụ bà U.90 hằng ngày đi bộ đến quán chay, tìm niềm vui theo cách đặc biệt

06/02/2023 11:25 GMT+7

Hằng ngày, cứ khoảng 8 giờ sáng, cụ bà U.90 lại đi bộ đến quán chay quen thuộc ở Q.Bình Thạnh (TP.HCM), phụ giúp chủ quán những việc lặt vặt. Cụ xem đó là niềm vui giản dị, yên bình ở tuổi già.

"Không có thời gian để buồn!"

8 giờ sáng, quán chay Thanh Tâm (đường Bùi Hữu Nghĩa, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đã nhộn nhịp khách. Người chọn ăn tại chỗ, người dừng xe trước cửa gọi món mua mang về. Quán chay này bán đầy đủ các món từ cơm chiên, mì xào, phở, bún… Chủ quán là bà Thu (55 tuổi).

Nép mình trong một góc nhỏ của quán có cụ bà lưng đã còng, tóc đã bạc đang tỉ mỉ xé từng sợi mì căn. Xong xuôi, bà lại cạo sạch củ gừng, vừa làm bà vừa sắp xếp mọi thứ gọn gàng, ngăn nắp. Bà tên thật là Trần Thị Tiếp (85 tuổi) nhưng mọi người ở quán thường gọi với cái tên thân thương - bà Năm.

Cụ bà U.90 ngày ngày đi bộ đến tiệm chay tìm niềm vui theo cách đặc biệt

Bà Năm tỉ mỉ xé từng sợi mì. Ảnh: Dương Lan

Thấy tôi lại gần hỏi thăm, bà Năm nở nụ cười tươi, không quên hỏi: "Cô đã ăn sáng chưa?". Tôi xin phép trò chuyện với bà, bà vui vẻ đồng ý, tay không ngừng làm.

Bà Năm kể lại, mỗi sáng bà đi bộ khoảng 2km từ nhà đến phụ giúp quán chay. Nhiều người lo lắng bà đi bộ không an toàn, đi xe ôm hoặc để mọi người chở về nhưng bà từ chối vì "biết lựa đường để đi".

"Trước đây, tiệm chay này bán cách nhà tôi một căn, ngày nào tôi cũng qua phụ giúp. Giờ tiệm dời ra đây không lẽ tôi không phụ nữa hay đi sang tiệm khác. Tiệm này là tình cũ nghĩa xưa, hơn nữa qua tiệm mới không biết người ta có ưng thuê tôi không. Tuy nhiên, có khi kẹt tôi cũng phải qua mấy tiệm gần nhà mua đồ ăn. Sáng nào tôi cũng đi bộ, đi riết thấy quen, không ngại xa xôi. Có khi trên đường thấy tiệm sách tôi còn ghé vô mua", bà nói.

Cụ bà U.90 ngày ngày đi bộ đến tiệm chay tìm niềm vui theo cách đặc biệt - Ảnh 2.

Hằng ngày, cụ bà U.90 vẫn đi bộ đến tiệm chay phụ giúp. Ảnh: Dương Lan

Xong xuôi, nếu mọi người tiện đường đi mua đồ thì bà mới đồng ý cho chở về, còn không, bà nhất quyết đi bộ. Bà chỉ nhận "tiền công" là một hộp cơm trắng, nếu lấy thêm đồ ăn bà tự trả tiền. Bà Thu nhiều lần từ chối nhưng bà không chịu, bắt lấy cho bằng được. Nếu bà Thu không nhận, bà cũng tự bỏ tiền đó vào hộp quyên góp từ thiện của quán.

"Tôi không bao giờ ăn sáng, làm ở đây xong xin suất cơm đem về nhà ăn. Buổi chiều nếu thấy thiếu, xung quanh nhà có tiệm cơm thì ăn cơm, không thì ăn bánh mì. Tôi ăn không hết bao nhiêu đâu", bà chia sẻ.

Cụ bà U.90 ngày ngày đi bộ đến tiệm chay tìm niềm vui theo cách đặc biệt - Ảnh 3.

Tiệm chay của bà Thu trước đây ở gần nhà bà Năm. Ảnh: Dương Lan

Bà Năm kể lại, ba mẹ bà quê gốc ở Hải Dương. Họ vào Sài Gòn lập nghiệp và sinh được 10 người con. Họ tích góp mua được căn nhà gần chợ Bà Chiểu, gia đình sống ở đó với nhau. Đó cũng là căn nhà bà Năm ở đến giờ. Ngoài ra, căn đối diện bà để cho người em cùng con cháu họ ở. Bà nói rằng, sau này 2 căn nhà có thể sẽ để lại cho con cháu.

Căn nhà nhỏ của bà Năm khá cũ ở mặt tiền đường Huỳnh Đình Hai (Q.Bình Thạnh), dưới lầu được cho thuê làm tiệm cắt tóc, mỗi tháng có thêm vài triệu chi tiêu. Bà Năm không lập gia đình. Bà con, lối xóm ai cũng thương mến.

Cụ bà U.90 ngày ngày đi bộ đến tiệm chay tìm niềm vui theo cách đặc biệt - Ảnh 4.

Bà làm tỉ mỉ, gọn gàng. Ảnh: Dương Lan

"Bà Năm thường đi bộ lên tiệm chay mỗi sáng, tôi thấy tinh thần tập thể thao của bà rất hay. Bà không làm phiền ai, vui vẻ, nhiệt tình và có tinh thần lạc quan", hàng xóm bà Năm nhận xét.

Hồi trẻ, bà Năm dạy môn Sinh ở trường tư thục. Dù thời xưa đi học cực khổ nhưng bà không bao giờ bỏ cuộc, quyết tìm con chữ để sau còn dạy lại cho học trò.

"Tội nghiệp ba tôi! Con đông, đứa học trường này, trường kia, bà chị tôi học dược nhưng không biết đi xe, ba tôi phải mua chiếc xe hơi, thuê tài xế đưa con đi học. Ba tôi là ký giả (nhà báo - PV) đâu có giàu nhưng lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn và luôn dặn các con phải sống khiêm tốn", bà kể với giọng tự hào.

Âm thầm giúp đỡ người khác

Hiện, anh chị em của bà Năm nhiều người định cư bên Mỹ, lâu lâu có về thăm bà. Bà không bao giờ thấy cuộc sống già nua, cũ kỹ và luôn thấy nhẹ lòng với công việc hằng ngày.

"Không khi nào tôi có thời gian buồn. Làm ở đây xong, mệt tôi sẽ vô phòng, nhà tôi có cái tivi. Nếu chán tivi, tôi ngồi lấy sách ra đọc, sách gì tôi cũng có. Ba tôi để lại nhiều sách lắm, có lần mấy đứa cháu bảo bán đi cho gọn nhưng tôi từ chối, gia tài đó không bán được", bà bộc bạch.

Cụ bà U90 ngày ngày đi bộ đến tiệm chay tìm niềm vui theo cách đặc biệt

Bà Năm được mọi người ở tiệm chay yêu mến. Ảnh: Dương Lan

"Mỗi khi trái gió trở trời, bà có hay bị bệnh vặt tuổi già không?", tôi hỏi. Bà Năm hào hứng trả lời: "Nhờ đi bộ nên hai chân tôi tốt lắm. Lâu lắm rồi tôi không phải uống viên thuốc nào. Mấy chị em có gửi thuốc bổ bên Mỹ về nhưng tôi cũng ít uống".

"Tôi đâu có xài gì nhiều, tôi có bỏ ngân hàng chút đỉnh. Trước tôi không cần tiền nhưng má nói: "Đời nghĩ đơn giản vậy đâu có được, phải có kẻ khóc người cười, sống luôn có bà con lối xóm" nên má cho ít tiền để ngân hàng, giờ tôi lấy lãi ăn hằng ngày. Tôi đi từ thiện nhiều lắm, đến giờ có đoàn là tôi cũng đi vì muốn chia sẻ chút với người ta. Tôi thường gửi đến trường học ở xa, hiệu trưởng cần đồ thì tặng đồ, cần tiền sẽ tặng tiền" bà nói.

Cụ bà U.90 ngày ngày đi bộ đến tiệm chay tìm niềm vui theo cách đặc biệt - Ảnh 6.

Hiện, tiệm chay bà Thu cách nhà bà Năm khoảng 2km. Ảnh: Dương Lan

Nói về bà Năm, bà Thu dùng từ "tuyệt vời!". Nhìn bà Năm tỉ mỉ xé từng sợi mì căn, bà Thu cười nói: "Bà làm vậy có ăn lương bổng gì đâu, tôi nghĩ không có bút mực gì viết được bà, bà sống tình cảm lắm. Bà Năm có căn nhà cho người ta mướn mặt bằng nhưng không bao giờ lên giá. Lúc đầu thấy tôi chuyển qua đây, bà buồn dữ lắm nên giờ bà tự đi qua làm. Bà làm lấy một hộp cơm, ăn thêm thức ăn, lấy rẻ bà cũng không chịu, mọi người xem bà như người nhà".

Ông Ngọc (70 tuổi, nhân viên quán chay) cho hay, ông biết đến bà Năm đã gần 20 năm. Hồi trước, bà Năm còn chăm sóc mấy con chó, con mèo hoang và rất buồn sau khi chúng mất.

Cụ bà U.90 ngày ngày đi bộ đến tiệm chay tìm niềm vui theo cách đặc biệt - Ảnh 8.

Bà luôn vui vẻ, yêu đời với cuộc sống. Ảnh: Dương Lan

"Bà lớn tuổi rồi nhưng niềm vui là làm được cái gì đó, hồi còn trẻ bà hay đi từ thiện. Bà không nhận giúp đỡ của bất kỳ ai, ai cho tiền bà cũng không nhận. Bà có tính đã quyết rồi không ai cản được, cứ đi bộ giữ sức khỏe. Bà không làm phật lòng ai hết, ở đây ai cũng quý mến bà", ông Ngọc cho biết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.