Những ông bà cụ giữ hồn nghề đan đó cả trăm năm

Cù Hiền
Cù Hiền
29/01/2023 14:02 GMT+7

Trải qua hơn 200 năm thăng trầm, đến nay, nghề truyền thống đan đó không còn là nghề "xương sống" của người dân xã Thủ Sỹ (H.Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) nữa, nhưng người dân nơi này vẫn cố gắng duy trì công việc ấy bằng cách tạo ra những sản phẩm đẹp dành cho giới chơi nghệ thuật

Chiếc đó được làm từ cây tre, cây nứa là một loại ngư cụ lâu đời để đánh bắt cá.

Nghề "xương sống" của làng nghề một thời, nay đã dần mai một

cù hiền

Hơn 2 thế kỷ qua, người dân xã Thủ Sỹ (H.Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) sống nương nhờ nghề đan đó. Khi ấy, hệ thống tưới tiêu chưa được đầu tư bài bản tại những vùng quê làm nông nghiệp phía bắc. Làng nghề đan đó thời ấy lúc nào cũng rộn ràng tiếng chẻ tre, chẻ lạt. Từ người già đến trẻ em, ai nấy đều rành nghề đan đó. Thành phẩm đan xong được những người đàn ông trong làng chở trên chiếc xe đạp đi rao bán ngược xuôi khắp các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam...

Khung cảnh làng quê yên bình thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế

cù hiền

Khoảng 10 năm trở lại đây, do các khu công nghiệp phát triển, thêm vào đó là việc người dân lạm dụng thuốc trừ sâu để phun lúa khiến cá, tôm không thể sinh sản, rồi tre nứa cũng không còn nhiều như trước nữa đã góp phần gây ra sự mai một của nghề đan đó.

Tuy không còn là nghề mang lại thu nhập chính, nhưng người dân đã biết biến nơi này thành những điểm du lịch làng nghề đầy thú vị, nơi để các nhiếp ảnh gia trong và ngoài nước thỏa sức chiêm ngưỡng và sáng tác những tác phẩm ảnh nghệ thuật.

Bà lão tuổi ngoài 70 vì yêu nghề mà vẫn đan đó mỗi ngày, giao bán cho những nơi cần dùng để trang trí nội thất

cù hiền

Từ đây, những chiếc đó trở thành vật trang trí nội thất trong không gian của họ.

Trong cái nắng nhạt giữa mùa đông, chúng tôi tìm đến nhà ông cụ được mệnh danh là lão làng của nghề đan đó. Tiếp chúng tôi là một cụ ông mái tóc ngả màu bạc trắng nhưng thân hình vẫn quắc thước, nói chuyện minh mẫn và đầy hài hước, cụ tên Lương Sơn Bạc (thôn Tất Uyên, xã Thủ Sỹ, TP.Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên). Tuy đã 83 tuổi, nhưng cụ Bạc vẫn ngày ngày miệt mài tận tụy gắn bó với nghề.

Cụ kể, khi còn trẻ, mỗi ngày cụ đều cùng trai tráng trong làng đạp xe chở hàng trăm chùm đó, rọ rong ruổi đi các tỉnh từ Bắc Giang, Bắc Ninh đến Thái Bình, Nam Định để bán.

Cụ Lương Sơn Bạc đang cẩn thận vót từng sợi lạt để đan đó

Cù Hiền

Theo cụ Bạc, muốn có được những chiếc đó bền và đẹp thì việc đầu tiên phải chú ý đến vấn đề chọn nguyên liệu. Nguyên liệu là tre, nứa phải già mới đan được những chiếc đó bền và đẹp. Kỹ thuật đan đó rất kỳ công, đòi hỏi sự khéo léo và phối hợp nhiều công đoạn.

“Gia đình tôi mỗi người một việc chia nhau làm, người thì chẻ nan, người thì vót tre, nứa. Khi hoàn tất khâu nguyên liệu sẽ tiến hành đan", cụ Bạc nói.

Quá trình đan, dễ nhất là đan hom miệng đó, khó nhất là đan cạp, vành miệng và đan kết thúc đuôi đó.

Một góc chụp phía sau chiếc nơm úp cá vừa được bà con đan xong

cù hiền

Muốn "tăng tuổi thọ" cho chiếc đó, sau khi đan xong, người dân sẽ hun chúng trên gác bếp để chống mối, mọt. Một người thợ lành nghề đan hoàn thành chiếc đó mất khoảng 60 phút.

Một chiếc đó không hun gác bếp được bán giá từ 20.000 - 25.000 đồng/chiếc; chiếc đó hun khói có màu nâu cánh gián được bán giá từ 30.000 - 40.000 đồng/chiếc.

Để phong phú thêm sản phẩm, người dân nơi đây còn đan rọ; đan lờ dành cho những người đi đồng đặt bắt cua, cá.

Trong sân nhà cụ Bạc, hàng trăm chiếc rọ, đó, nơm, giỏ... được bày ra phơi dưới nắng. Giữa đám đó, lờ, giỏ treo lơ lửng trên dây phơi, hai cụ bà nhà hàng xóm cũng ôm bó nan cùng chiếc đó đan còn dang dở sang ngồi cùng.

Cụ Bạc bảo, bây giờ, người trẻ ra ngoài làm hết rồi, chỉ còn mấy “thân già” chúng tôi không có gì làm nên ôm mãi nghề đan đó.

Nhiều năm trước, chiếc xe đạp chở hàng trăm chiếc đó, nơm, rọ đã gắn bó với cụ Lương Sơn Bạc rong ruổi khắp các tỉnh thành miền Bắc.

cù hiền

Mặc dù vậy, nhưng khi chia sẻ về việc làng nghề đang đứng trên bờ vực bị “xóa sổ”, cụ Bạc vẫn tự tin khẳng định: “Nghề này sẽ không bao giờ bị mai một, có chăng người ta sử dụng ít hơn ngày xưa mà thôi. Ngày ngày, xóm này vẫn có những đứa trẻ yêu công việc đan đó, buổi sáng đi học, chiều về vẫn cùng ông bà học đan. Chúng sẽ là thế hệ nối tiếp chúng tôi để duy trì làng nghề truyền thống này”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.