Trong vòng 7 ngày sau cuộc gặp gỡ với Phạm Công Danh, ông Trầm Bê ký phê duyệt tờ trình của Sacombank chi nhánh Hưng Đạo và Q.8 (TP.HCM) đồng ý giải ngân 1.800 tỉ đồng cho 6 công ty của ông Danh vay.
Như Thanh Niên đã đưa tin, ngày 1.8, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an đã tiến hành bắt giữ và khám xét nơi ở của ông Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và ông Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Sacombank) để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
CSĐT tiến hành bắt giữ, khám xét nơi ở của 'đại gia ngân hàng' Trầm Bê và Phan Huy Khang để điều tra hành vi cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài hai ông Trầm Bê và Phan Huy Khang, 23 bị can khác cũng bị khởi tố, trong đó 14 người bị bắt tạm giam, liên quan đến vụ án “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Sacombank, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Cơ quan công an khám xét nhà của ông Trầm Bê tại P.6, Q.6 (trái) và nhà của ông Phan Huy Khang tại Phước Kiển, Nhà Bè Ảnh: Ngọc Dương - Độc Lập
Cuộc "đàm phán"giữa ông Trầm Bê và Phạm Công Danh
Theo hồ sơ, ngày 19.4.2013, ông Trầm Bê đã gặp Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT VNCB) và Phạm Thành Mai, Mai Hữu Khương, Nguyễn Quốc Viễn (đều là cấp dưới của ông Danh) tại số 266 - 268 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, P.8, Q.3 (TP.HCM) để bàn việc vay tiền.
Ông Trầm Bê biết với tư cách Chủ tịch HĐQT, Danh không thể vay tiền tại VNCB nên đồng ý cho Danh vay 1.800 tỉ đồng với tài sản bảo đảm là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.
Sau cuộc gặp, ông Bê dẫn ông Danh sang phòng ông Phan Huy Khang và chỉ đạo ông Khang cho ông Danh vay tiền. Ông Danh đưa Mai, Khương, Viễn vào gặp ông Khang để giới thiệu sẽ thay ông Danh làm thủ tục vay tiền ở Sacombank.
Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) Bộ Công an vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với Trầm Bê, nguyên Phó chủ tịch HĐQT kiêm Chủ tịch Hội đồng tín dụng Sacombank.
Phạm Công Danh trở về trụ sở tập đoàn Thiên Thanh tại đường Tô Hiến Thành (Q.10) để họp và phân công Phan Thành Mai phụ trách, chuẩn bị nguồn tiền gửi để bảo lãnh; giao cho Mai Hữu Khương làm thủ tục hồ sơ vay vốn khống theo phương án kinh doanh bất động sản của các công ty thuộc Tập đoàn Thiên Thanh.
Ngoài ra, Khương còn phải tự hoàn chỉnh các hồ sơ vay vốn của các công ty sân sau của ông Danh, trực tiếp liên hệ, gọi điện, làm việc với ông Trầm Bê, ông Phan Huy Khang cũng như các cấp dưới của ông Khang.
C46 đang tiến hành khám xét tại nhà ông Phan Huy Khang Ảnh: Độc Lập
Ngay hôm sau khi gặp Trầm Bê và Phan Huy Khang, Khương và Viễn đến Sacombank gặp Phan Đình Tuệ, thành viên Hội đồng tín dụng, Phó tổng giám đốc Sacombank. Ông Tuệ là người được ông Phan Huy Khang giao triển khai cho ông Danh vay tiền.
Tại cuộc gặp này, ông Tuệ đã nhận 6 bộ hồ sơ pháp nhân của 6 công ty thành viên thuộc Tập đoàn Thiên Thanh gồm: Công ty TNHH MTV TMDV Nhất Nhất Vinh, Công ty TNHH MTV XDKD nhà Quốc Thắng, Công ty TNHH MTV XD-ĐT-PT Địa ốc Bảo Gia , Công ty TNHH MTV XD&KD Nhà Đại Long, Công ty TNHH MTV TMDVXD Hương Việt, Công ty TNHH MTV TMDV Thành Thành Công do Lê Văn Lương làm giám đốc. Số tiền vay 1.800 tỉ được chia nhỏ cho mỗi công ty từ 200 đến 340 tỉ đồng.
Giải ngân trước, chứng từ sau
Sau khi ra về, Khương tiếp tục lập báo cáo tài chính năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 khống để hoàn thiện 6 bộ hồ sơ vay của 6 công ty nói trên tại Sacombank. Khương còn làm hồ sơ khống các bản thỏa thuận đặt cọc mua bất động sản lớn cho 6 công ty của Danh. Theo hồ sơ khống, các bất động sản này đều được mua lại từ 2 công ty của Phạm Công Danh.
Hồ sơ khống được lập tới đâu là được chuyển đến cho Nguyễn Thị Quỳnh Trang (cấp dưới của ông Danh) để Trang gọi giám đốc 6 công ty tới đóng dấu, đồng thời chuyển đến cho chuyên viên khách hàng của Sacombank chi nhánh Hưng Đạo và Q.8.
6 giám đốc của 6 công ty đến ký 12 tài liệu khống nhưng đa số là “bảo ký là ký” chứ không hay biết gì về hoạt động công ty.
Chưa dừng lại ở đó, nhằm hợp thức hóa hồ sơ vay, có bảo lãnh của VNCB, ngày 24.4.2013 Khương phải lập biên bản họp HĐQT VNCB về việc bảo lãnh cho khách hàng vay vốn tại Sacombank, thành phần tham dự là những lãnh đạo chủ chốt của VNCB.
Nội dung cuộc họp là HĐQT VNCB phê duyệt việc dùng tài sản là số dư tiền gửi thanh toán của VNCB tại Sacombank 2 chi nhánh Hưng Đạo và Q.8 để đảm bảo khoản vay cho 6 công ty nêu trên bằng việc dùng hợp đồng tiền gửi để đảm bảo khoản vay và lập nghị quyết của HĐQT VNCB theo biên bản họp của HĐQT đưa lần lượt các thành viên HĐQT ký rồi tiếp tục chuyển cho Sacombank.
Ngày 25.4.2013, ông Danh ký mở tài khoản của VNCB tại Sacombank chi nhánh Hưng Đạo và một số tài khoản đứng tên cấp dưới của ông Danh. Trong ngày này, ông Trầm Bê cũng ký phê duyệt 2 tờ trình chấp thuận chủ trương cấp tín dụng cho các công ty ông Danh vay tiền.
Chỉ với 7 ngày, ông Trầm Bê ký phê duyệt 2 tờ trình của Sacombank chi nhánh Hưng Đạo và Q.8 đồng ý chủ trương cấp tín dụng cho Công ty Nhất Nhất Vinh và công ty Quốc Thắng 600 tỉ đồng, thời hạn 12 tháng.
Điều đáng nói, ông Trầm Bê đồng ý cho giải ngân trước còn chứng từ sử dụng vốn đầy đủ bổ sung sau giải ngân. Sau đó, 2 tờ trình này của Sacombank được hợp thức hóa bằng 2 tờ trình ngày 24.4.2013 để đối phó với cơ quan công an.
6 công ty treo biển, không hoạt động vẫn kê khai thuế
Ngày 26.4.2013, Mai Văn Khương tiếp tục gọi 6 giám đốc lên Tập đoàn thiên Thanh để ký các hợp đồng do Sacombank 2 chi nhánh mang đến để làm đúng thủ tục cho vay các số tiền còn lại. Vừa ký xong, cũng trong ngày 26.4, toàn bộ khoản vay được giải ngân và 1.800 tỉ đồng được chuyển vào tài khoản của Phạm Công Danh.
Đến ngày 26.4.2014, hết thời hạn hợp đồng, 6 công ty không trả được nợ vay nên Sacombank đã thu hồi nợ gốc 1.800 tỉ đồng, lãi vay 35 tỉ đồng từ 2 tài khoản của VNCB tại Sacombank.
Sáu công ty đứng tên trên hồ sơ vay của Sacombank, đều là công ty ông Danh thành lập, họ là lái xe, bảo vệ, nhân viên tiếp thị của tập đoàn Thiên Thanh do Phạm Công Danh chỉ định, lương tháng... 5 triệu đồng.
Điều đáng chú ý, Cơ quan điều tra đã xác minh tại công an địa phương thì được biết 6 công ty này có treo biển nhưng không thấy hoạt động gì. Không những thế, tiến hành xác minh ở cơ quan thuế thì ở đó cho biết 6 công ty này có kê khai thuế nhưng không phát sinh doanh thu mua vào bán ra từ ngày thành lập.
Bình luận (0)