Nếu không bắt đầu thì không có điều gì trong đời này sẽ là “khả thi” cả!
Lúc còn trẻ, tôi “hãi” vụ thuyết trình. Hồi lớp 10, bị cử lên sân khấu cho phần thi hùng biện của lớp, tôi chối bay chối biến, vì sợ mình nói dở. Kết quả, tôi nói dở thiệt, lớp rớt. Nhưng bây giờ, tôi đã trở thành một diễn giả.
Lúc còn trẻ, tôi không bao giờ nghĩ mình có thể đóng phim. Cái mặt đơ còn hơn cây cơ mà diễn gì trời! Một ngày đẹp trời, YanTV mời tôi đóng "14 ngày đấu trí". Tôi sợ mình xấu, diễn đơ, quên thoại. Kết quả, tôi diễn đơ thiệt, không bao giờ dám coi lại lần hai. Sau nhiều lần như thế, tôi biết, diễn xuất là điểm yếu của mình.
Lúc mới ra trường, tôi sợ viết báo, dù trong lòng thích lắm. Lần đầu nhận lời mời của phóng viên Thanh Niên, tôi đã định từ chối liền, ngay và lập tức vì sợ mình viết dở, độc giả cười vô mặt. Kết quả, bài báo đầu tiên được khen, đến nay tôi đã viết gần 300 bài báo.
Lúc còn trẻ, khi được mời đào tạo huấn luyện kỹ năng mềm cho doanh nghiệp, tôi sợ lắm, lần nào cũng định "giả vờ bận rồi từ chối". Doanh nghiệp đầu tiên mời tôi lại là một tập đoàn lớn trong ngành hàng không. Một tuần trước ngày lên lớp, tôi lo toát mồ hôi. Năm đó, tôi 24 tuổi. Sau buổi đào tạo đầu tiên ấy, họ lại mời tôi huấn luyện lần 2 cho cấp cao hơn. Sau đó, các khách hàng kế tiếp là bệnh viện, công ty dệt, tập đoàn điện tử, các sở ban ngành... và hàng chục công ty lớn khác. Sau lần đầu tiên dám thử, tôi mới biết: "Mình có thể!".
Lúc còn trẻ, tôi sợ kinh doanh lắm! Dân sư phạm mà, hoàn toàn “ngu” về kỹ năng buôn bán. Không chỉ vậy, nhiều dân sư phạm rặt như tôi còn nghĩ kinh doanh là cái gì đó hơi "tội lỗi", rất ngại nhắc đến chữ "tiền". Năm 2012, tôi xắn tay khởi nghiệp. Kết quả, tôi lỗ 2 tỉ rưỡi để dành và “bay” phân nửa mái tóc của mình vì stress. Lần đầu tiên kinh doanh, tôi đã không đến đích. Tôi biết mình còn "ngu" tới đâu, mình còn thiếu cái gì. Không chỉ nhận ra lỗ hổng của mình, sau lần thất bại đó, tôi đã gặt được hàng trăm bài học vô giá về thiết lập mô hình kinh doanh, quản trị nhân sự, marketing, quản lý tài chính doanh nghiệp. Tiền lỗ ấy là học phí cho "trường đời".
tin liên quan
Người trẻ chung tay để cuộc sống tốt đẹp hơnVà nhiều lần khác, từ một cậu bé "hồn nhiên, ngây thơ, mong manh dễ vỡ" đúng nghĩa, tôi đã cố gắng vượt qua sự sợ hãi để làm lớp trưởng năm lớp 7, từng vào đứng bếp, làm hướng dẫn viên du lịch, làm MC, nhà quản trị, người đàm phán... Trải qua bao nhiêu tao đoạn cuộc đời, bây giờ tôi đang viết sách. Đó là bộ giáo trình kỹ năng sống cho lớp 1 đến lớp 12, chứa đựng những tinh hoa mà mình học được, giúp các em ở mỗi bậc thang của cuộc đời có thể bản lĩnh hơn, "đi khôn ngoan hơn - để đến đích nhanh hơn". Ước nguyện là đến cuối cuộc đời, mình có thể viết được một quyển "Binh pháp kỹ năng sống" đối phó 365 khó khăn, để các bạn trẻ "mong manh dễ vỡ" có thể vững vàng trước những cơn gió ngược.
"Đi rồi sẽ đến", nếu đi một cách thông minh thì sẽ đến nhanh hơn. Nhưng hiếm ai có thể đi thông minh từ những bước đầu tiên. Người ta chỉ "khôn ra" khi vấp váp, lạc đường, thậm chí té “dập mặt” trên con đường mình bước. Còn nếu đã học hỏi được từ những người đi trước, người ta đỡ té hơn, nhưng chắc chắn cũng phải “dập mặt” ít nhiều.
Bây giờ, khi chuẩn bị đặt bước đầu tiên qua cái dốc bên kia cuộc đời, ngẫm nghĩ lại, tôi thấy mãn nguyện khi tuổi trẻ mình dám thử, dám làm những điều mình muốn, không chỉ để đến đích, mà còn để hiểu bản thân. "Dám trải nghiệm" nghe có vẻ dễ, nhưng để làm được, ta phải chiến thắng kẻ thù lớn nhất chính là "nỗi sợ" thường trực trong mình.
Dám ra khỏi vòng an toàn để bước đi, sẽ có thất bại, sẽ có thành công. Còn nếu có khát khao mà chẳng bao giờ làm, thì trong tay chỉ là thất bại. Bởi điều tiếc nuối lớn nhất khi chúng ta sắp lìa đời, không phải những thất bại mình đã trải qua, mà là hối hận bởi những gì mình chưa dám.
Tôi rút ra được bài học cuộc đời mình rằng: Cứ đi rồi sẽ đến, dù không đến được thành công, thì bạn cũng “thành nhân”.
Bình luận (0)