Tiếng gọi bến bờ là tập tản văn và tạp bút nhẹ nhàng, ghi chép lại những “mắt thấy tai nghe” của Bích Ngân về mọi thứ đang diễn ra trong đời sống với những suy tư rất thật. “Bao vui - buồn, được - mất cùng với ma lực vừa quyến rũ vừa mạo hiểm” vẫn không làm nhà văn gục ngã mà bà vẫn luôn trụ vững, nuôi trong đầu óc sự hài hước.
Với tập truyện hài hước Anh nhớ em muốn chết!, Bích Ngân tạo sự ngạc nhiên cho người đọc bởi óc quan sát tinh tế. Bà lý giải đơn giản: “Cuộc sống lại quá phong phú, quá nhiều vấn đề đáng cười nhưng trong văn chương thì dường như quá nghiêm trang, thậm chí nghiêm trọng trước cả những chuyện chỉ có tiếng cười, sự cười mới thấy rõ bản chất của những điều đáng cười, đáng phê phán”. Cuốn sách ra đời - theo bà tiết lộ - chịu sự ảnh hưởng rất lớn của nhiều tác gia: Azit Nexin, A.P.Chekhov, O.Henry, Mark Twain. Vì vậy khi đọc: Nói zdậy mà không phải dzậy, Cắn lưỡi, Ngưng thở, Trái đất ngừng quay, Cự ly gần... sẽ cảm nhận đủ sự thâm thúy trong mỗi tác phẩm.
Còn tập truyện ngắn Đường đến cây cô đơn thì bà bật mí: “Không truyện nào viết theo câu chuyện được nghe, được kể, và không có truyện nào theo một cốt truyện có đầu có đuôi, tất cả các truyện đều sáng tác theo dòng cảm xúc mà dòng cảm xúc ấy không chảy thành dòng, mà đó là những va đập nhiều chiều của cảm xúc”. 13 truyện ngắn trong Đường đến cây cô đơn được bà viết lai rai trong nhiều năm, rồi lấy lời thoại nhân vật trong truyện để làm tên sách. Bà kể: “Có những truyện tôi đã phải “thai nghén” trong vật vã, như truyện ngắn Khoảnh khắc trăm năm cô đơn tôi manh nha ý tưởng ngay khi nghe tin văn hào Gabriel Garcia Marquez qua đời nhưng phải mất một thời gian dài mới hoàn tất; truyện Thời gian vẫn đang trôi, tôi không sao cưỡng lại sự tò mò khi bất chợt thoáng thấy một chân dung điêu khắc bán thân qua cánh cửa khép hờ (lúc ngồi uống cà phê tại khu vực nhà lưu niệm trưng bày ở Côn Đảo). Tôi bước vào xem, thì ra đó là chân dung của nhạc sĩ lừng danh Camille Saint-Saens, người sáng tác Hoàng hậu Frédégonde - vở nhạc kịch bi tráng về tình yêu, chiến tranh, tù đày và cái chết mà phần lớn lấy xúc cảm từ nhà tù Côn Đảo. Chính tình tiết này đã giúp tôi hoàn tất truyện ngắn”.
Điều nhà văn Bích Ngân tâm đắc nhất trong các tập sách là có 10 bức tranh của nhà thơ - nhà văn - họa sĩ Nguyễn Quang Thiều và 2 bức tranh của cố họa sĩ Nguyễn Hải Chí (Chóe) may mắn mới in kịp, đã làm tròn trịa cú “hat-trick” ngoạn mục này.
Nhà văn Bích Ngân là tác giả của nhiều truyện ngắn: Đất không cưu mang, Những chiếc lá thu, Phía trước là dòng sông, Nơi bão đi qua, Đứa con không về...; đặc biệt với Thế giới xô lệch, bà đã để lại dấu ấn đậm nét trong lòng độc giả mê tiểu thuyết.
|
Bình luận (0)