Cú hích du lịch hậu phim 'khủng'

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
31/12/2019 06:04 GMT+7

Cây cổ thụ, nơi Ngạn đàn hát cho Hà Lan nghe trong phim, giờ đã có tên là cây Mắt biếc ... mở ra những cơ hội xúc tiến du lịch cho Thừa Thiên-Huế.

Gắn biển cây Mắt biếc

Phim ảnh bao giờ cũng đánh mạnh vào cảm xúc, đặc biệt là nhờ có hiệu ứng thị giác, những cảm xúc đó trở nên rất thôi thúc. Cảnh đẹp khiến khi kết thúc phim, mọi người muốn tới đó

TS NGUYỄN THU THỦY

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên- Huế, đã mau chóng đưa chùm ảnh liên quan đến bộ phim Mắt biếc lên trang cá nhân Facebook. Trong đó, có bức ảnh chụp một biển chỉ đường bằng gỗ, trên đó có gắn chữ cây Mắt biếc, Trường Đo Đo được bện bằng nguyên liệu thiên nhiên. “Bảng chỉ đường với hình thức và vật liệu thân thiện môi trường và phông chữ theo phong cách chữ Mắt biếc đã có trên thân cây”, ông Phúc chia sẻ. Chùm ảnh còn có ruộng mía tím với những cây song song nhau rất đẹp. Đó là những điểm check-in dễ thương đang được nhiều người tìm đến.

Trường tiểu học Đo Đo

Ảnh: Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế cung cấp

Trước đó ngày 26.12, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cùng lãnh đạo Sở Du lịch, Viện Nghiên cứu phát triển, TX.Hương Trà và H.Quảng Điền có chuyến khảo sát một số điểm bối cảnh phim Mắt biếc. Họ muốn có kế hoạch hình thành các hình thức check-in, trải nghiệm gắn kết với công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, dịch vụ hỗ trợ khách. Lãnh đạo H.Quảng Điền, nơi có cây vông đồng - cây cô đơn (giờ là cây Mắt biếc - NV), Trường tiểu học Đo Đo trong phim trăm tỉ Mắt biếc, cũng có kế hoạch tổ chức bảo vệ cảnh quan. Theo đó, môi trường ở tuyến đường vào cây cô đơn sẽ được vệ sinh thường xuyên; đường được trồng hoa và dựng lại chiếc lán bên dưới gốc cây; sẽ tổ chức dịch vụ thuê xe đạp chụp ảnh và thăm cảnh quan địa phương; đặt biển báo hướng dẫn điểm đến trên một số tuyến đường để du khách nhận biết.
Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, sở này và doanh nghiệp lữ hành cũng nêu một số ý tưởng trong liên kết tour tuyến, dịch vụ. Chẳng hạn, kết nối các sản phẩm làng nghề như mây tre Bao La, sản vật nông nghiệp như mía Cẩm Tân, rau má Quảng Thọ… Các điểm khám phá gần đó như chùa Thiện Khánh, phủ Bác Vọng, di tích nhà bia Đặng Hữu Phổ cũng được đưa ra để tham khảo... “Một số tour tham quan Huế và xung quanh Huế cũng được lồng ghép thêm điểm bối cảnh phim phù hợp với tuyến đường đi của tour”, ông Nguyễn Văn Phúc chia sẻ.
Cú hích du lịch hậu phim “khủng”

Nối dài cơ hội hậu phim

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ VH-TT-DL), cho biết sau những phim như Người tình, Đông Dương, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Kong: Skull Island… tại các địa phương có đoàn phim đến quay đều có tăng trưởng về du lịch. Tuy nhiên, cơ cấu tăng trưởng lại không giống nhau. Chẳng hạn, với Ninh Bình sau Kong: Skull Island, số lượng khách tăng mạnh là khách nước ngoài. Trong khi đó, sau Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, lượng khách đến Phú Yên tăng mạnh lại là khách du lịch nội địa. Chính vì thế, ông Khánh dự đoán có thể lượng khách nội địa cũng sẽ tăng ở Huế hậu phim Mắt biếc.
TS Nguyễn Thu Thủy (Khoa Du lịch - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết sử dụng phim ảnh trong xúc tiến du lịch là một cách rất hiệu quả. Trong đó quốc gia sử dụng hiệu quả nhất là New Zealand với phim Chúa tể những chiếc nhẫn. Những cảnh quay tuyệt đẹp, phim trường để lại đã khiến du lịch vùng đất này tăng trưởng phi thường. “Phim ảnh bao giờ cũng đánh mạnh vào cảm xúc, đặc biệt là nhờ có hiệu ứng thị giác, những cảm xúc đó trở nên rất thôi thúc. Cảnh đẹp khiến khi kết thúc phim, mọi người muốn tới đó. Hàng cây ở đảo Jeju (Hàn Quốc) nơi có những cảnh quay của phim Bản tình ca mùa đông trở nên hút khách là vì thế. Trên thực tế, hàng cây bé thôi nhưng ai đến cũng cố để chụp ảnh sao cho như trong phim”, bà nói.
Cũng theo bà Thủy, hậu phim “khủng” có thể tạo một số sản phẩm du lịch ăn theo trào lưu. Chẳng hạn với Mắt biếc, có thể đặt tên các chương trình du lịch kiểu như đến đâu đó cùng Hà Lan, đến đâu đó cùng Ngạn... “Lấy bối cảnh phim làm tâm điểm sản phẩm, để khách có thể check-in. Nói chung khách nội địa thích các sản phẩm check-in như vậy”, bà Thủy đề xuất.
Tuy nhiên, bà Thủy cũng lưu ý việc ăn theo trào lưu không thể lâu dài. “Khách không chỉ đến check-in và chúng ta chỉ lấy Mắt biếc làm điểm nhấn thôi. Vẫn cần những sản phẩm khác nữa. Nhưng phải nhanh. Có xu hướng là có sản phẩm ngay. Hoa vàng trên cỏ xanh cũng chỉ “hot” được một năm rồi lại có những sản phẩm khác thu hút. Nên cần phải có những sản phẩm hay”, bà Thủy nói.
Điều này cũng đúng trên thực tế với các bộ phim “khủng” trước đó. Hậu phim Người tình, căn nhà cổ Huỳnh Thủy Lê tại Đồng Tháp cũng phải thiết kế nội dung tour với những câu chuyện liên quan đến cả nữ nhà văn Marguerite Duras và câu chuyện tình Việt - Pháp. Năng lực du lịch ở khu vực này cũng được nâng cao qua các dự án hợp tác nước ngoài. Hậu phim Đông Dương, cộng thêm danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới của Hạ Long, các doanh nghiệp ở đây vẫn phải liên tục thiết kế các sản phẩm du lịch mới.
Ông Bùi Văn Mạnh, Phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, cho hay: “Ninh Bình hiện nay vẫn luôn sẵn sàng tạo điều kiện cho các đoàn làm phim tới. Tuy nhiên, kế hoạch lập một phim trường Kong trước mắt chưa có. Sắp tới Ninh Bình sẽ chỉ tập trung làm các sản phẩm gắn với di sản, giá trị cốt lõi của di sản”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.