P.A.T tâm sự anh khá căng thẳng vì một số thông tin trên báo chí hơi khác với sự thật và muốn được một lần trình bày rõ ràng về câu chuyện của mình.
T. cho biết anh tốt nghiệp năm 2014 và bắt đầu kinh doanh trên mạng. Đến tháng 11.2016, T. đã trả được nợ đi mượn bên ngoài. Vào tháng 3.2017, do đặc thù nơi T. làm việc, cấp trên cấm sử dụng laptop nên việc kinh doanh qua mạng của T. gặp khó khăn. Lúc này, T. chuyển qua sử dụng điện thoại kết nối mạng, hùn vốn với bạn tiếp tục kinh doanh, nhưng vì không thể quản lý từ xa nên sau đó cũng giải tán.
“Em nghĩ, tấm bằng không còn nhiều công dụng vì em muốn làm việc độc lập, không phải đi xin việc làm. Lúc đốt bằng, em không nghĩ là mình phủ nhận quá khứ hay phụ công ơn ba mẹ. Vì nếu không thành công, không lo được cho bản thân và gia đình thì mới gọi là phụ công ơn. Trong khi đó nhiều người em quen trước đó đã nghỉ học giữa chừng, có người hoãn làm luận văn chỉ để theo đuổi đam mê và giờ họ đã thành công. Em không có ý nói học là vô ích, mà em muốn nói rằng tấm bằng có thật sự quan trọng hay kiến thức mới quan trọng? Em không phải là người giỏi, nhưng em muốn làm điều mình thích” T. tâm sự.
tin liên quan
Cử nhân Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đốt bằng tốt nghiệp nói gì?“Mục đích em đốt bằng như đã nói là để mình quyết tâm hơn. Điều đó không mang ý nghĩa phủ nhận công lao của những người đã nuôi nấng, dạy dỗ em hay phụ nhận kiến thức em đã được học. Sau đó, thấy hành động này ảnh hưởng đến trường, thầy cô, em đã viết thư xin lỗi. Nhưng với em, tấm bằng không quan trọng quá đến việc xác định công việc trong tương lai. Em cũng muốn đính chính là gia đình không cấm em sử dụng laptop mà do yêu cầu của nơi em công tác mà thôi. Em hy vọng mọi chuyện sẽ qua một cách nhẹ nhàng”, T. tâm sự.
Một đoạn video đưa lên Facebook đã làm xôn xao cộng đồng mạng. Video dài khoảng 2 phút miêu tả cảnh một nam thanh niên đốt tấm bằng cử nhân ĐH.
Sau khi đăng video đốt bằng khoảng 10 tiếng, tốc độ lan truyền quá lớn, T. cảm thấy rất hối hận và ngay lập tức xóa video. Đây là điều T. không ngờ đến. Nhất là có nhiều người hiểu sai là T. có bức xúc với nhà trường. T. cho biết mình cảm thấy có lỗi vì đã ảnh hưởng uy tín của nhà trường, thầy cô, sinh viên trong trường, nơi mình đã theo học.
Trong ngày 22.1, các phòng ban chức năng của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM đã có cuộc trò chuyện với T. để thấu hiểu vấn đề đang xảy ra với cựu sinh viên của trường và tìm cách. Sau khi biết lý do, lãnh đạo nhà trường cũng rất thông cảm với T.
Thạc sĩ Nguyễn Thiện Duy, Trưởng phòng Công tác chính trị, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết T. đã ân hận, nhận lỗi với hành động này. Nếu sau này T. khó khăn khi xin việc, trường vẫn sẵn sàng cấp bản sao bằng tốt nghiệp nếu T. có nhu cầu và gia đình có ý kiến.
P.A.T quê ở Tiền Giang, là cựu sinh viên khóa 36, tốt nghiệp ĐH chính quy chuyên ngành chứng khoán trong ngành tài chính - ngân hàng. T tốt nghiệp năm 2014 với xếp loại trung bình khá.
|
Bình luận (0)