Trong căn nhà sâu trong con hẻm 37 đường Bà Hom (phường 13, quận 6, TP.HCM) một ngày gần cuối tháng 9.2024, các cán bộ thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06, Công an TP.HCM) đã cùng làm thủ tục cấp thẻ căn cước cho cụ ông Hà Văn Thẳng, cụ ông năm nay đã 102 tuổi.
Cụ ông 102 tuổi được công an đến tận nhà làm thẻ căn cước
Vì tuổi cao, sức yếu nên cụ Hà Văn Thẳng phải nằm một chỗ, mọi sinh hoạt thường ngày phải có người hỗ trợ.
Trong quá trình làm thủ tục, cụ ông liên tục ngủ. Các cán bộ công an phải hỏi thăm gia đình về thói quen sinh hoạt, nề nếp sinh hoạt hằng ngày và cả cách đánh thức cụ.
Sau khi chuẩn bị sẵn sàng, 3 cán bộ công an người cầm máy, người lăn tay, người nhập thông tin trên máy tính. Vừa làm, các cán bộ vừa trò chuyện, tạo không khí thoải mái để có thể sớm xong thủ tục cấp thẻ căn cước cho cụ ông.
Từ khi Luật căn cước 2024 có hiệu lực, Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06, Công an TP.HCM) đã tổ chức nhiều tổ cấp thẻ căn cước lưu động, đến tận nơi hỗ trợ các nhân khẩu đặc biệt làm thẻ căn cước.
Điều kiện cấp thẻ căn cước cho nhân khẩu đặc biệt
Sau khi hoàn tất các thủ tục làm căn cước cho cụ ông Hà Văn Thẳng, 3 cán bộ tổ công tác tiếp tục di chuyển sang trụ sở Công an phường 13 (quận Bình Thạnh) để lấy hồ sơ của 20 nhân khẩu đặc biệt đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM (địa chỉ 463 Nơ Trang Long).
Trung tâm này là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc cho những người lang thang, không nơi nương tựa, có vấn đề về sức khỏe. Vì nhiều lý do nên họ không có giấy tờ tùy thân, gây khó khăn trong công tác quản lý cũng như thực hiện thủ tục hành chính.
Ông Chung Hùng Bang (Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM) cho biết đa phần những người khi được đưa đến nuôi dưỡng, chăm sóc tại trung tâm đều không có giấy tờ tùy thân. Do đó, việc cấp thẻ căn cước mang lại rất nhiều lợi ích cho những người đang được nuôi dưỡng tại trung tâm.
Công an quận 3 làm thẻ căn cước lưu động, người dân hứng khởi vì nhanh và tiện
Trong khoảng 2 giờ đồng hồ, tổ công tác đã hoàn thành thủ tục cấp thẻ căn cước cho 20 nhân khẩu đặc biệt tại trung tâm này.
"Từ căn cước công dân thì người ta có cơ sở, đủ điều kiện để có thể sau khi bước ra khỏi trung tâm bảo trợ xã hội thì người ta có thể có điều kiện xin việc làm hay là hướng tới những việc khác, làm sao ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng tốt nhất cho đối tượng đã được sinh sống tại trung tâm bảo trợ xã hội này", ông Bang cho biết thêm.
Trung tá Võ Chí Thành (Phó đội trưởng Đội 2, thuộc Phòng Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TP.HCM ) cho biết ngay sau khi luật Căn cước 2024 có hiệu lực, đơn vị đã tổ chức nhiều tổ cấp thẻ căn cước lưu động "đi từng ngõ, gõ từng nhà", đến các trung tâm bảo trợ xã hội để cấp thẻ căn cước cho người yếu thế.
Tính đến nay, đã có hơn 760 trường hợp người yếu thế được làm thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các tổ công tác lưu động.
"Những trường hợp này giống như nãy nói là đa số không có giấy tờ tùy thân, tâm tư của người dân là muốn có một giấy tờ để thực hiện nhu cầu trong cuộc sống là có thẻ căn cước để đi giao dịch dân sự và chữa bệnh. Qua đó, với nhiệm vụ được giao, chúng tôi cũng đã cố gắng phối hợp với các ban, ngành để tổ chức, dùng các biện pháp nghiệp vụ để xác minh những thông tin cần thiết và để cấp căn cước cho các trường hợp này", trung tá Thành nói thêm.
Công an TP.HCM đã triển khai "Hành trình đi tìm định danh số cho người yếu thế" với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau", góp phần đưa Đề án 06 của Chính phủ gần hơn, thiết thực hơn với đời sống của nhân dân.
Sau 1 năm thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, Công an TP.HCM đã cấp hơn 2.500 thẻ căn cước công dân và thẻ căn cước cho những người yếu thế trên địa bàn.
Bình luận (0)