Cứ tháng chạp, cụ ông Sài Gòn lại mở quán chữ, viết suốt hơn nửa thế kỉ

30/01/2021 07:46 GMT+7

Từ ngày 1 tháng Chạp, ông Huỳnh Trí Cầu, 65 tuổi lại bày giấy đỏ mực vàng để viết những câu đối bằng cả tiếng hoa lẫn tiếng Việt, đến giao thừa mới nghỉ. Hình ảnh cụ ông miệt mài viết chữ Tết đã quen thuộc với người Hoa ở Sài Gòn mấy chục năm nay.

Nằm trên con đường Trần Quý, P.4, Q.11, TP.HCM những ngày này, hình ảnh một quán nhỏ treo đầy những câu liễn đỏ rực rỡ thu hút nhiều người đi. Ấy là quán chữ của cụ ông Huỳnh Trí Cầu, 65 tuổi, hiện là một thầy giáo dạy thư pháp nhiều năm tại Q.11. Cứ mỗi dịp tháng Chạp hàng năm, ông lại bày bàn ghế, mài mực vàng giấy đỏ để viết những lời chúc, câu đối Tết ý nghĩa cho mọi người.  

Ông Huỳnh Trí Cầu, 65 tuổi, hiện là một thầy giáo dạy thư pháp nhiều năm tại Q.11.

Lê Nam

Ông Cầu có khiếu viết chữ đẹp từ thuở nhỏ. Thời đi học, mỗi lần thi viết chữ đẹp cũng hạng nhất hạng nhì. Cách đây hơn 50 năm, khi còn là cậu học sinh, ông đã tập tành viết chữ giống cha. Nét chữ ngày càng chỉn chu, mượt mà, lại có dấu ấn riêng nên người Hoa ở khu chợ Thiếc ngày một yêu thích. Từ đó đến nay đã trải qua hơn nửa thế kỉ, gần 60 cái Xuân xanh, quán chữ của ông Cầu trở thành địa chỉ quen thuộc của người Sài Gòn mỗi dịp Tết đến.

Anh Trịnh Phi Vũ, 43 tuổi, người Hoa gốc Triều Châu, hiện đang sống Q.11, TP.HCM năm nào cũng đến đây đặt chữ

Lê Nam

Anh Trịnh Phi Vũ, 43 tuổi, người Hoa gốc Triều Châu, hiện đang sống Q.11, TP.HCM đến đặt một đôi câu liễn có nội dung: “Bình an nhị tự trị thiên kim. Hòa thuận mãn môn thiên bát phúc”. Có ý nghĩa là mong muốn bình an, hòa thuận trong gia đình trong năm mới. Năm nào cứ đến đầu tháp Chạp, anh lại ra quán chữ của ông Cầu đặt chữ để về chưng Tết. 

Quán chữ của ông Cầu quen thuộc với người Hoa ở Sài Gòn từ hàng chục năm nay

Lê Nam

Mỗi bức viết có giá từ 10-30.000 đồng. Mặc dù tuổi cao, mắt đã mờ nhiều nhưng nét chữ vừa mềm mại, thanh thoát lại vừa dứt khoát, toát lên được cái hồn mà người viết gửi gắm qua mỗi con chữ. Ông chỉ có một lý do duy nhất để yêu và gắn bó với công việc này. 
"Chừng nào có sức thì viết, chừng nào không có sức bắt buộc phải nghỉ. Tôi thấy sức tôi bây giờ vẫn đủ sức viết mà, không bị run tay nên cứ việc viết", ông Cầu nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.