Cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất có kịp khơi thông trước tết?

22/11/2024 04:06 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, loạt công trình giải tỏa giao thông khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất lần lượt được khởi công và tăng tốc, mục tiêu về đích vào cuối năm để "giải thoát" cảng hàng không nhộn nhịp nhất nước khỏi cảnh ùn tắc kéo dài nhiều năm qua. Thế nhưng gần sát vạch đích, các công trình lại xếp hàng xin lùi.

Hồi hộp chờ mặt bằng

Sáng 21.6, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (TCIP) chính thức khởi công dự án cầu Tân Kỳ Tân Quý (Q.Bình Tân), hàng trăm hộ dân đang sinh sống quanh khu vực này thở phào nhẹ nhõm. Theo lãnh đạo TCIP, dự kiến công trình sẽ thi công khoảng 6 tháng, thông xe vào 31.12 năm nay. Sau khi hoàn thành, cầu Tân Kỳ Tân Quý cùng với đường Tân Kỳ Tân Quý đang được nâng cấp mở rộng (dự kiến hoàn thành vào tháng 10.2024) sẽ hình thành trục giao thông thông suốt từ QL1A đến trung tâm TP và Cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Tân Sơn Nhất. Đây là một trong 10 dự án trọng điểm giảm ùn tắc khu vực cửa ngõ sân bay.

Cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất có kịp khơi thông trước tết?- Ảnh 1.

Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất đang dần thành hình

Ảnh: Chí Hùng

Tuy nhiên, báo cáo mới nhất của TCIP cho thấy, thời gian hoàn thành cầu đã được điều chỉnh lùi tới tháng 1.2025. Một trong những trở ngại là việc di dời lưới điện hạ thế và trạm biến áp chậm tiến độ, do các đơn vị chưa thống nhất hình thức di dời. Bên cạnh đó, đường Tân Kỳ Tân Quý đến nay đã trễ hẹn 1 tháng vẫn chưa hoàn thành dự án nâng cấp mở rộng.

Cùng với cầu Tân Kỳ Tân Quý và dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý, công tác mở rộng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa (Q.Tân Bình) cũng được TCIP liên tục thông tin tăng tốc chạy nước rút, mục tiêu thông xe toàn bộ đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa vào ngày 31.12. Song phía chủ đầu tư thông tin kế hoạch này đã "thất bại" do tốc độ giải phóng mặt bằng (GPMB) phía địa phương không đạt yêu cầu. Cụ thể, đến nay toàn dự án đã hoàn thành khoảng 85% khối lượng công việc. Trong đó, gói thầu hầm chui và hệ thống đường từ Phan Đình Giót đến Thăng Long đã đạt 99% tiến độ. Từ 10.8, hầm chui Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn đã được thông xe. Các gói thầu lớn khác như cầu vượt trước nhà ga T3 và hệ thống đường giữa tuyến đã hoàn thành từ 75 - 95%. Tuy nhiên, gói thầu số 13 gồm xây dựng đường và vuốt nối mở rộng đường Trường Chinh ở cuối tuyến đang gặp trở ngại về mặt bằng. Từ khi khởi công ngày 30.9.2023, phần đường này mới đạt 65% khối lượng công việc do chưa được bàn giao mặt bằng từ 68 hộ dân.

Gần đó, dự án mở rộng đường Hoàng Hoa Thám với tổng mức đầu tư gần 300 tỉ đồng từ nửa năm trước đã thi công di dời hạ tầng kỹ thuật sau khi hoàn tất di dời cây xanh. Q.Tân Bình đã tích cực vận động người dân sớm bàn giao nốt mặt bằng để nhà thầu triển khai thi công đẩy nhanh tiến độ dự án, hoàn thành vào cuối năm. Thế nhưng trao đổi với Thanh Niên, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc TCIP, cho biết trừ dự án mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý đã chốt thời gian thông xe vào 30.12 tới, hầu hết các dự án còn lại đều phụ thuộc tiến độ bàn giao mặt bằng. Theo đó, nếu Bộ Quốc phòng giao mặt bằng đường Hoàng Hoa Thám trước 30.11 thì chủ đầu tư sẽ kịp thông xe đường nối Trần Quốc Hoàn - Nhà ga T3 - Hoàng Hoa Thám vào 31.12 như kế hoạch. Đoạn còn lại từ Hoàng Hoa Thám đến cuối tuyến sẽ thông xe trước Tết Nguyên đán 2025 nếu Q.Tân Bình kịp giao mặt bằng vào 30.11.

"Về cơ bản, tiến độ bàn giao mặt bằng của địa phương đang chậm, mặc dù phía chủ đầu tư và lãnh đạo TP liên tục nhắc nhở, thúc ép từ đầu năm. Nếu Q.Tân Bình giữ đúng lời hứa bàn giao 100% mặt bằng vào 30.11 thì các nhà thầu sẽ dồn lực hoàn thành tất cả các dự án này trong nửa đầu tháng 1.2025 để kịp phục vụ bà con dịp cao điểm Tết Nguyên đán", ông Phúc nói.

Không lo ùn tắc phía trong sân bay

Thực tế, giao thông khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất nhiều năm qua thường trong tình trạng ùn tắc. Hằng ngày di chuyển từ nhà tại Q.11 tới cơ quan ở Q.Gò Vấp, anh Minh Trung cho biết đường Hoàng Văn Thụ, đoạn từ Lý Thường Kiệt tới gần sân bay, cùng các đường Hồng Hà, Trường Sơn… cứ tầm 16 - 17 giờ là kẹt xe tới ám ảnh. Tuy nhiên, khoảng 3 tháng trở lại đây từ khi thông xe hầm chui Phan Thúc Duyện - Trần Quốc Hoàn, những tuyến đường này "dễ thở" hơn khá nhiều. Đoạn đường từ công viên Gia Định về đến sân bay vẫn đông xe nhưng không ùn tắc. Đoạn nối tiếp tới công viên Hoàng Văn Thụ cũng vậy, đôi khi vào giờ cao điểm vẫn xuất hiện ùn ứ nhưng không tới nỗi kẹt cứng hàng giờ như trước.

Cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất có kịp khơi thông trước tết?- Ảnh 2.

Kẹt xe trên đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình) đoạn từ vòng xoay Lăng Cha Cả, ảnh chụp chiều tối 21.11.2024

Ảnh: Ngọc Dương

"Có hầm chui giảm tải rất nhiều lượng xe hướng cầu vượt Lăng Cha Cả, song tuyến đường xung quanh khu vực cửa ngõ hiện vẫn bị ảnh hưởng bởi các rào chắn thi công khá nhiều. Nếu các dự án nhanh chóng hoàn thiện thì các tuyến đường sẽ còn thông thoáng hơn nhiều, cao điểm tết cũng sẽ không quá căng thẳng như trước", anh Minh Trung chia sẻ.

Giao thông kết nối bên ngoài "hạ nhiệt", phía trong sân bay Tân Sơn Nhất 2 năm qua cũng không còn ghi nhận tình trạng quá tải, đông đúc. Đơn cử, tổng lượng khách quốc nội qua sân bay Tân Sơn Nhất dịp Tết Nguyên đán 2024 giảm hơn 10% so với dịp Tết Nguyên đán 2023; vận chuyển hành khách nội địa dịp cao điểm 30.4 - 1.5 năm nay cũng giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ghi nhận của các hãng hàng không, dù mở bán từ khá sớm nhưng đến nay số lượng vé tết vẫn còn dồi dào, ngay cả với những chặng "hot" nhất. Các chuyến bay dịp Tết Nguyên đán hiện nay có tỷ lệ lấp đầy chỗ cao nhất là 70 - 80%, trong đó tập trung trên các chuyến từ TP.HCM đi các tỉnh thành miền Bắc, miền Trung như Thanh Hóa, Quy Nhơn, Chu Lai, Đồng Hới...

Mặc dù các hãng dự báo lượng khách sẽ tiếp tục tăng mạnh trong tháng tới, nhưng tổng cung năm nay của ngành hàng không cũng chỉ tương đương năm 2024 và giảm khoảng 10 - 15% so với năm 2023, do vấn đề thiếu hụt máy bay. Các hãng vẫn đang tích cực thuê thêm nhiều tàu bay, đẩy mạnh quay vòng tàu bay bằng cách rút ngắn thời gian phục vụ giữa các chuyến bay, xếp bay sáng sớm, đêm... song sẽ khó tạo đột biến. Chưa kể, giá vé máy bay đắt đỏ 2 năm qua cũng đã hạn chế nhu cầu di chuyển của khá nhiều gia đình.

Mặt khác, phía CHKQT Tân Sơn Nhất như mọi năm sẽ duy trì tăng cường nhân sự hướng dẫn, hỗ trợ thông tin hành khách làm thủ tục; tăng cường phân làn, phân luồng tại các khu vực check-in, làm thủ tục an ninh soi chiếu… Do đó, CHKQT Tân Sơn Nhất được dự báo vẫn sẽ giữ nhịp thông thoáng như những ngày cao điểm Tết Nguyên đán 2024.

Tổng lực kết hợp giải pháp công trình và phi công trình

Nhà chức trách hàng không dự báo thị trường VN sẽ phục hồi hoàn toàn và bứt tốc từ khoảng giữa năm 2025. Khi đó, nhu cầu dịch chuyển và du lịch sẽ gia tăng đột biến, đòi hỏi hạ tầng phải được chuẩn bị đáp ứng tốt. Trong đó, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn là cảng hàng không chiến lược, chủ lực và đó là lý do cần sớm hoàn thiện xây dựng nhà ga T3.

Ông Lê Khắc Hồng, Trưởng ban Quản lý dự án xây dựng Nhà ga T3, cho biết tiến độ chung của dự án đến nay đạt khoảng 75%. Trong đó, phần thô của nhà ga hành khách đã hoàn thành 100%, vượt tiến độ 15 ngày; xây thô kiến trúc đạt 97%. Trong tháng 12 tới, chủ đầu tư sẽ hoàn thành toàn bộ các lớp mái và sàn đá nhà ga hành khách. Hạng mục nhà để xe (quy mô 2 tầng hầm, 4 tầng nổi) tiến độ đạt 100% bê tông thô, chỉ còn 5% xây thô kiến trúc, dự kiến hoàn thành vào 30.6 tới. Đặc biệt, phần sân đỗ máy bay đã hoàn thành 100% từ tháng 7, hiện đang tiến hành các thủ tục nghiệm thu đưa vào khai thác.

"Công tác thi công các hạng mục công trình đang được kiểm soát và thực hiện đúng kế hoạch tiến độ đã đề ra. Chúng tôi đang gấp rút triển khai công tác hoàn thiện kiến trúc, xây dựng, nội thất và lắp đặt trang thiết bị để hoàn thành công trình, đưa vào khai thác vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước 30.4.2025, vượt 2 tháng so với kế hoạch", ông Hồng thông tin.

Kế hoạch dài hơn, Sở GTVT đang nghiên cứu hệ thống đường trên cao từ QL22 chạy về Trường Chinh, Cộng Hòa nối sang sân bay Tân Sơn Nhất đi về hướng đường Phạm Văn Đồng. Bên cạnh đó, trong quy hoạch TP đã nghiên cứu để điều chỉnh đường sắt đô thị theo hướng từ Gò Vấp qua gần Nhà ga T2 hiện nay, nối qua tuyến metro số 2 trên đường Trường Chinh. Trong tương lai sẽ có mạng lưới đường trên cao, đường sắt đô thị giải quyết giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Trong thời gian chờ đợi các dự án hoàn chỉnh, để giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, TP đang thực hiện một số giải pháp như điều chỉnh giao thông linh hoạt ở cầu vượt thép Hoàng Hoa Thám với thời gian cao điểm sáng và chiều khác nhau; tổ chức giao thông linh hoạt bằng rào kéo di động trên đường Cộng Hòa (tại giao lộ Cộng Hòa - Ấp Bắc, Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý); cải tạo kích thước hình học tại giao lộ Cộng Hòa - Trần Quốc Hoàn và Cộng Hòa - Trường Chinh để tăng khả năng thoát xe qua nút… Song song, điều chỉnh, can thiệp thời lượng các tủ tín hiệu giao thông kết nối về trung tâm trên trục đường Cộng Hòa để giải phóng lưu lượng trên tuyến thông qua trung tâm điều khiển. Xây dựng kịch bản chống ùn tắc giao thông để điều tiết linh hoạt bằng đèn tín hiệu giao thông, camera và phối hợp lực lượng điều tiết giao thông, truyền thông để xử lý khi xảy ra ùn tắc giao thông.

Đáng chú ý, Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị (thuộc Sở GTVT) đang triển khai dự án điều hành giao thông linh hoạt áp dụng công nghệ mới để tối ưu hóa lưu lượng, điều khiển giao thông theo thời gian thực. Cụ thể, các công cụ, công nghệ sẽ được sử dụng để đo đếm lưu lượng, phân tích tình hình phương tiện trên thực tế, từ đó đưa ra các kịch bản như về thời lượng đèn xanh, đèn đỏ các nút giao trên mạng lưới trong khu vực, tối ưu hóa dòng xe. Đơn cử, khi xảy ra hiện tượng ùn ứ tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, hệ thống sẽ thiết lập các mạng lưới, vành đai ảo để điều khiển giữ xe tại một số nút giao từ xa, giúp các nút giao ngay sát sân bay có thêm thời gian để giải tỏa dòng ùn tắc, thông xe toàn hệ thống. Đây là mô hình điều hành giao thông công cộng đã được áp dụng tại nhiều nước.

"Dự án hiện đã lựa chọn xong Tư vấn nghiên cứu, cuối tháng này phía trung tâm sẽ trình dự án, dự kiến hoàn thành toàn bộ và áp dụng từ 2025 theo đúng Nghị quyết của HĐND TP", đại diện Sở GTVT TP.HCM thông tin thêm.

Sẽ mở rộng hoàn chỉnh đường Tân Kỳ Tân Quý
từ nay đến 2030

Sở GTVT TP.HCM đánh giá đường Tân Kỳ Tân Quý là tuyến đường quan trọng kết nối cửa ngõ phía tây bắc TP.HCM với sân bay Tân Sơn Nhất. Việc mở rộng đường này từ đường Bình Long đến Mã Lò đang sắp hoàn thiện, tuy nhiên đoạn còn lại từ Bình Long đến Trường Chinh bị thắt cổ chai, chưa thể mở rộng, kẹt xe triền miên. Hiện nay, đoạn từ Bình Long đến Lê Trọng Tấn chưa lập dự án, mới đang ở bước nghiên cứu đưa vào kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030. Đoạn từ Lê Trọng Tấn đến Cộng Hòa đã được thông qua chủ trương đầu tư dự án mở rộng với tổng mức đầu tư hơn 96 tỉ đồng, dự kiến khởi công trong năm 2026 và hoàn thành trước năm 2030.

Hàng không bổ sung 650.000 ghế dịp Tết Ất Tỵ 2025

Vietnam Airlines Group (gồm các hãng Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) vừa công bố sẽ cung ứng thêm hơn 650.000 ghế, tương đương hơn 3.000 chuyến bay trên các chặng bay nội địa giai đoạn từ 13.1 - 12.2. 2025 (15 tháng chạp năm Giáp Thìn đến 15 tháng giêng năm Ất Tỵ). Đợt tăng chuyến này sẽ nâng tổng số ghế toàn mạng bay nội địa của Vietnam Airlines Group lên hơn 2,15 triệu ghế, tương đương hơn 11.000 chuyến bay. Các chuyến bay tăng cường tập trung vào các đường bay phục vụ dịp tết như giữa Hà Nội và TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Vinh; giữa TP.HCM và Đà Nẵng, Hải Phòng, Huế, Thanh Hóa, Quy Nhơn, Pleiku, Chu Lai, Đồng Hới, Vinh…


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.