'Cửa tiệm hạnh phúc' tái chế rác, tạo sinh kế cho người khuyết tật

19/09/2022 12:31 GMT+7

Rác thải nhựa, vải thừa sau khi thu gom được các hội viên của “Cửa tiệm hạnh phúc” (TP.Hội An, Quảng Nam ) sáng tạo thành sản phẩm tái chế có tính thẩm mỹ và ứng dụng cao như: túi xách, túi đi chợ, khẩu trang, kẹp tóc, sổ tay, đế lót ly, con thú bằng vải, bộ chơi ô ăn quan…

Hoạt động này vừa hướng đến bảo vệ môi trường, vừa tăng thêm thu nhập cho hội viên là phụ nữ khuyết tật.

Mô hình "Cửa tiệm hạnh phúc"

Câu lạc bộ Phụ nữ khuyết tật P.Cẩm Nam (TP.Hội An, Quảng Nam) đã phối hợp cùng câu lạc bộ Vì môi trường Hội An (S.E.A Club) sáng lập nên mô hình “Cửa tiệm hạnh phúc” với mong muốn kết nối, cải thiện kinh tế và thúc đẩy hoà nhập cho các chị em khuyết tật.

Các hoạt động của mô hình gắn với việc tái chế rác thải tạo nguồn sinh kế cho phụ nữ khuyết tật P.Cẩm Nam. Hiện tại, cả 9 hội viên của cửa tiệm đều là những lao động chính trong gia đình.

Sau hơn 3 tháng từ ý tưởng đến hoạt động chính thức, cửa tiệm đã hoàn thành gần 300 sản phẩm cho đơn đặt từ các tổ chức, doanh nghiệp; chưa kể có những đơn hàng cá nhân nhờ tham gia các buổi trưng bày, hội chợ. Với số lượng sản phẩm đó, cửa tiệm đã hạn chế được hơn 200 kg vải thừa và 50 kg banner nhựa, ni lông thải ra môi trường.

Tập huấn các kiến thức về tái chế với chuyên đề “Tái chế vì cuộc sống hạnh phúc

TT

Điều đặc biệt khiến sản phẩm của cửa tiệm thu hút quan tâm của người dân, khách hàng, du khách nước ngoài là sự độc nhất. Một số khách hàng tỏ ra rất thích thú và hài lòng với các sản phẩm độc đáo của cửa tiệm. Bản chất được tái chế từ rác thải và vải thừa nên mỗi sản phẩm luôn mang một kiểu dáng, màu sắc, họa tiết khác nhau, không “đụng hàng”.

Ngoài việc tái chế, các hội viên của cửa tiệm còn được tham gia các hoạt động xã hội liên quan đến bảo vệ môi trường như: workshop, tập huấn kỹ năng phân loại, xử lý rác thải sau thu gom, trình diễn thời trang từ đồ tái chế…

Các hội viên của “Cửa tiệm hạnh phúc” vui vẻ gặp nhau mỗi ngày tại cửa tiệm

TT

Bạn Nguyễn Trọng Tuyên (19 tuổi, chủ nhiệm S.E.A Club), quản lý mô hình, cho hay: “Cửa tiệm đang trong quá trình phát triển nên gặp khá nhiều khó khăn. Nhưng nhận được sự quan tâm và ủng hộ của chính quyền, các tổ chức xã hội và của khách hàng là động lực để em và mọi người cùng cố gắng phát triển cửa tiệm”.

Đánh giá về hiệu quả mô hình, ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó phòng TN-MT TP.Hội An, khẳng định: “Mô hình cửa tiệm rất thiết thực để giải quyết vấn đề sinh kế cho nhóm người yếu thế trong xã hội, cụ thể là những phụ nữ khuyết tật. Ngoài ra, mô hình này còn giúp bảo vệ môi trường tại địa phương, lan tỏa thông điệp về lối sống tích cực, an toàn cho môi trường. Mặc dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn để mô hình hoạt động bền vững hơn nhưng tôi tin tưởng “Cửa tiệm hạnh phúc” sẽ là mô hình tiên phong, gương mẫu, thu hút sự quan tâm của cộng đồng về vấn đề giảm thiểu rác thải và bảo vệ môi trường”.

Các sản phẩm tái chế độc đáo của cửa tiệm được trưng bày tại các sự kiện

TT

Hạnh phúc là nền tảng phát triển

Thành công lớn nhất của “Cửa tiệm hạnh phúc” đến hiện tại có lẽ là ở niềm hạnh phúc của mỗi hội viên. Niềm hạnh phúc đó được thể hiện ngay ở nụ cười trên môi các cô, các chị khi đến cửa tiệm. Ngoài ra, niềm hạnh phúc còn đến từ sự quan tâm, ủng hộ của mọi người; giúp cửa tiệm có nhiều đơn đặt hàng hơn, các hội viên được mời tham gia các sự kiện để trưng bày, giới thiệu và chia sẻ giúp các cô, các chị tự tin hòa nhập cộng đồng hơn.

Bà Đinh Thị Mai (54 tuổi), Chủ nhiệm mô hình, chia sẻ: “Tôi rất vui và hạnh phúc khi được gặp mọi người cũng có hoàn cảnh như mình ở cửa tiệm. Tôi đánh giá rất cao mô hình vì vừa giúp giảm thiểu được rác thải, vừa giúp chị em trong cửa tiệm có thêm công việc làm. Nhờ có chính quyền địa phương và mọi người quan tâm, giúp đỡ nên mô hình cửa tiệm mới phát triển được. Tôi và các hội viên ở đây sẽ cố gắng làm thêm nhiều mặt hàng hơn để giới thiệu đến khách hàng”.

“Cửa tiệm hạnh phúc” phân loại vải thừa sau khi thu gom. Các hội viên tham gia cùng anh Nguyễn Trọng Tuyên, quản lý mô hình, và chị Lê Thị Thảo Vy, Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub)

TT

Được biết, trước khi tham gia “Cửa tiệm hạnh phúc” các hội viên là những người khuyết tật, người yếu thế của địa phương nên rất tự ti, không thoải mái để chia sẻ về khó khăn trong cuộc sống và vấn đề cơm áo gạo tiền vẫn đang đè nặng lên đôi vai của họ. Nhưng từ khi có cửa tiệm thì họ vô tư chia sẻ, các chị em thì rất gắn bó với nhau; mọi người cởi mở với nhau nhiều hơn, là niềm động viên cho nhau mỗi ngày.

Chị Thái Thị Kim Cúc (43 tuổi), Phó chủ nhiệm mô hình tâm sự, hai vợ chồng chị đều là người khuyết tật, hai cô con gái của chị cũng bị chứng bại não không kiểm soát được hành vi. Từ khi nhận may đồ cho “Cửa tiệm hạnh phúc”, cuộc sống của hai vợ chồng chị dần cải thiện hơn trước. Có những ngày nhiều hàng, chị Cúc phải nhận mang về nhà để vừa trông con vừa làm với niềm hy vọng cửa tiệm phát triển, nhiều người dùng sản phẩm của mình để hội viên có thu nhập trang trải cuộc sống, giảm thiểu được rác thải.

Bà Đỗ Thị Ngọc Thảo, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Cẩm Nam, tích cực hỗ trợ cửa tiệm thu gom banner để làm nguyên liệu tái chế

TV

Trao đổi với Thanh Niên, bà Đỗ Thị Ngọc Thảo, Chủ tịch Hội Phụ nữ P.Cẩm Nam, cho biết với phương châm lấy hạnh phúc làm nền tảng để phát triển, Hội Phụ nữ phường mong muốn thu hút thêm nhiều hơn nữa các chị em tham gia vào mô hình này. Hội sẽ tích cực hỗ trợ trong công tác quảng bá hình ảnh, đồng hành với “Cửa tiệm hạnh phúc” trong việc mở rộng đầu vào và nguyên liệu tái chế, lên nhiều ý tưởng và tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo phục vụ nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

Vẫn theo bà Thảo, Hội Phụ nữ phường sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng sống hạnh phúc, giúp các chị em hội viên khuyết tật ở cửa tiệm được sống là chính mình. Về lâu dài, mô hình tái chế tạo sinh kế sẽ do chính các hội viên người khuyết tật đảm nhiệm và vận hành.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.