Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư 02/TT-BGTVT miễn kiểm định với xe mới và giãn chu kỳ đăng kiểm, áp dụng ngay từ hôm nay 22.3.
Nhiều chủ xe hết hạn đăng kiểm vào tháng 3 hoặc tháng 4 thắc mắc liệu xe mình có được giãn chu kỳ đăng kiểm theo thông tư mới hay không?
Anh N.V.T (Hà Nội) đang sử dụng xe ô tô có niên hạn dưới 7 năm cho biết, hạn đăng kiểm xe của anh là ngày 26.3. Theo thông tư 02 thì kể từ ngày 22.3 trường hợp xe dưới 7 năm sẽ được giãn chu kỳ đăng kiểm từ 18 tháng (mức theo quy định cũ) lên thành 24 tháng. "Vậy, theo Thông tư 02 tôi có được giãn thêm 6 tháng không hay vẫn phải đi đăng kiểm vào hạn cuối là 26.3?", anh T. nêu.
Thắc mắc của anh N.V.T cũng là thắc mắc chung của nhiều bạn đọc khi không biết liệu có được tự động gia hạn đăng kiểm theo Thông tư 02 hay không?
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Tô An, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho biết Thông tư 02 có hiệu lực từ 22.3, áp dụng ngay quy định miễn đăng kiểm với xe mới lần đầu.
Việc gia hạn kiểm định chỉ áp dụng với các xe sẽ đăng kiểm từ 22.3 mà không hồi tố với các xe đã đăng kiểm trước đó. "Các xe sắp hết hạn đăng kiểm cũng không được tự động gia hạn, mà phải đi kiểm định đúng hạn cũ, và chỉ được áp dụng việc kéo dài chu kỳ kiểm định trong chu kỳ đăng kiểm tiếp theo", ông An nói.
Có giảm bớt ùn tắc đăng kiểm?
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nếu không được tự động gia hạn đăng kiểm sẽ khó giải quyết ngay được bài toán ùn tắc đăng kiểm hiện nay.
Trước thắc mắc này, theo ông Nguyễn Tô An, việc ùn tắc tại các trung tâm đăng kiểm do thiếu hụt rất lớn các trung tâm đăng kiểm và đăng kiểm viên, không phải do việc giãn chu kỳ kiểm định. Để giải tỏa ùn tắc, Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng đã và đang triển khai nhiều giải pháp, đặc biệt là có thêm sự hỗ trợ đăng kiểm từ lực lượng CSGT và quân đội cũng như bổ sung thêm các trung tâm đăng kiểm quân đội.
Ông Tô An cũng khẳng định, Thông tư 02 được ban hành dựa trên sự nghiên cứu kinh nghiệm thực tiễn từ các nước, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc là 2 nước mà Việt Nam sử dụng nhiều ô tô nhập khẩu và lắp ráp, cũng như các nước láng giềng có điều kiện tương đồng như Thái Lan, Indonesia...
Việc kéo dài thời gian kiểm định theo thông tư sửa đổi chủ yếu áp dụng cho xe cá nhân, xe gia đình dưới 9 chỗ, đây cũng là dòng xe được người dân "chăm chút" bảo dưỡng nhiều nhất, ít hỏng hóc nhất.
"Việc kéo dài thời gian thêm bao lâu không chỉ dựa trên kinh nghiệm của các nước mà còn phải căn cứ vào tình hình thực tiễn của Việt Nam, dựa trên các thống kê cụ thể về độ tuổi của từng dòng xe, tỷ lệ hỏng hóc của từng loại phương tiện trong quá trình đăng kiểm nhiều năm qua", ông An cho biết.
Thông tư 02 có 2 nội dung đáng chú ý:
Thứ nhất, miễn kiểm định lần đầu đối với xe cơ giới chưa qua sử dụng và có năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm (năm sản xuất cộng 1 năm) và có đủ hồ sơ hợp lệ; được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.
Thứ 2, điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe cơ giới. Cụ thể:
Ô tô chở người các loại đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải: chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 30 tháng lên 36 tháng; thời gian sản xuất đến 7 năm thì chu kỳ tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; thời gian sản xuất trên 7 - 20 năm (trước đây là 12 năm) thì chu kỳ giữ nguyên 12 tháng; thời gian sản xuất trên 20 năm thì chu kỳ kiểm định giữ nguyên 06 tháng.
Ô tô chở người các loại trên 9 chỗ: chu kỳ đầu tiên miễn kiểm định và tăng từ 18 tháng lên 24 tháng; thời gian sản xuất đến 5 năm thì chu kỳ tăng từ 6 tháng lên 12 tháng; thời gian sản xuất trên 5 năm thì chu kỳ giữ nguyên 6 tháng.
Nhóm ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người có thời gian sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 tháng lên 6 tháng.
Bình luận (0)