Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM: Tuyến đầu thì không được phép lùi bước

22/01/2022 14:09 GMT+7

Là đầu tàu kinh tế của cả nước, cũng là địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất từ làn sóng dịch lần thứ 4 nhưng thu ngân sách của Hải quan TP.HCM năm 2021 vẫn lập kỳ tích, vượt chỉ tiêu được giao.

Làm thế nào để bảo đảm nguồn thu trong bối cảnh các hoạt động kinh tế ngưng trệ kéo dài trong gần 5 tháng trời? Thanh Niên đã có cuộc trao đổi với ông Đinh Ngọc Thắng - Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, để tìm câu trả lời cho kỳ tích này.

Ông Đinh Ngọc Thắng

Đào Ngọc Thạch

Việc Hải quan TP.HCM vượt chỉ tiêu thu ngân sách năm trong bối cảnh các hoạt động sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng nặng nề như vậy... có thể gọi là “kỳ tích”, ông có thể lý giải về kỳ tích này ?

Ông Đinh Ngọc Thắng:

Nhớ lại những tháng giãn cách xã hội, chỉ có những người sinh sống tại TP này mới hiểu hết được khó khăn, khốc liệt mà lực lượng tuyến đầu đã không ngại hy sinh để phòng chống dịch, đem lại bình an cho người dân. Kỳ tích của chúng tôi không chỉ ở con số về đích trước gần 1 tháng mà tại những hoàn cảnh mà chúng tôi đã trải qua để hoàn thành nhiệm vụ. Ngay đầu tháng 12, trong cuộc họp với Thành ủy và UBND TP.HCM, Cục Hải quan đã xung phong hứa sẽ nỗ lực thu vượt chỉ tiêu để bù phần nào nguồn thu bị hụt của TP do ảnh hưởng lớn của dịch bệnh. Kết quả Cục Hải quan TP đã thu đạt 117.700 tỉ đồng, vượt 9.700 tỉ đồng chỉ tiêu được giao, tăng 10,9%, tương đương hơn 11.500 tỉ đồng so năm ngoái.

Trở lại câu hỏi rằng làm thế nào để trong khó khăn, xuất nhập khẩu vẫn tăng và thu ngân sách được? Chúng ta đều biết, các cảng TP.HCM là nơi đang gánh 45% khối lượng hàng xuất nhập khẩu của cả nước, tình trạng ùn tắc kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến việc lưu thông hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhận thức được tình hình đó, chúng tôi đã chủ động nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo đẩy mạnh công nghệ số để quản trị điều hành. Với doanh nghiệp, chúng tôi chủ động “phát tín hiệu” xem họ cần hỗ trợ cái gì, mở máy ra cùng họp gỡ vướng mắc luôn. Hoặc chủ động trao đổi, tổng hợp, phân nhóm công việc kiến nghị lên UBND TP và các sở ngành liên quan… để hỗ trợ thông quan hàng hóa sớm nhất. Trong giãn cách, rất nhiều vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp không thể gọi tên, không biết kêu ai, không thể kết nối với cơ quan chức năng… Hải quan cũng cho phép doanh nghiệp nộp chứng từ scan bằng đường điện tử, đưa hàng về cảng khác khi dịch bệnh phức tạp, hàng tồn tại cảng đích tăng… Thực tế là chúng tôi đã nghĩ ra “trăm phương ngàn kế”, khó khăn tưởng chừng bế tắc phát sinh mỗi ngày thì giải quyết mỗi ngày, phát sinh mỗi giờ giải quyết mỗi giờ. Khi đó, không chỉ câu chuyện tăng nguồn thu mà làm thế nào để hàng hóa, đặc biệt trang thiết bị y tế, vắc xin phòng chống dịch về TP thông suốt trong dịch. Sau năm 2019, đây là năm thứ 2 đơn vị về đích thu ngân sách trước gần 1 tháng.

Nhưng có một “kỳ tích” khác mà tôi muốn nói đến, đó là sự nỗ lực của anh em trong đơn vị. Cũng ở tuyến đầu, nên quân số của chúng tôi hao hụt vì F1, F0 nhiều, thậm chí có hy sinh. Song không vì thế mà chúng tôi chùn bước. Thời điểm áp lực nhất, TP giãn cách tăng cường, hải quan cũng chỉ còn có 10% giấy đi đường, tức là chỉ bố trí được 10% lực lượng. Cả lãnh đạo cùng cán bộ công chức khoác ba lô vào trận “3 tại chỗ” như những chiến binh ra chiến trường, xác định chỉ có tiến, không được phép lùi đảm bảo hoạt động quản lý hải quan được xuyên suốt 24/7. Đó là những tháng ngày khó quên và đó mới là “kỳ tích” mà tôi muốn nói đến.

TP.HCM đang “gánh” 45% hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước

Nguyên Nga

Hải quan là “cửa ngõ” của đất nước, nơi các hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra sôi động nhất, ông đánh giá thế nào về khả năng phục hồi kinh tế của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung ?

Tôi tin rằng những khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời. Chúng ta có kinh nghiệm 2 năm ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Trong thời gian đó, cũng đã có những đơn hàng xuất khẩu dịch chuyển từ các nước đến VN. Và bất chấp những khó khăn, năm 2021 kim ngạch xuất nhập khẩu của VN vẫn lập kỷ lục. Điều đó cho thấy, niềm tin của nhà đầu tư vẫn ở lại, những khách hàng mới vẫn tìm đến chúng ta đặt hàng. Năm 2022, TP.HCM đặt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5%. TP có cơ sở để kỳ vọng vào sự tăng trưởng này. Từ 3 tháng cuối năm, chúng tôi nhìn thấy sức “bung” của doanh nghiệp thông qua con số kim ngạch xuất nhập khẩu. Bên cạnh đó, chúng ta có thuận lợi là ký kết 15 hiệp định thương mại với các nước chiếm 90% nền kinh tế thế giới. Cục cũng có một số kiến nghị TP cần tập trung một số giải pháp: tăng vốn đầu tư hạ tầng, logistics; đẩy mạnh chuỗi cung ứng toàn cầu, hệ sinh thái thương mại điện tử; tăng liên kết vùng để tận dụng FTAs…

Những giải pháp cụ thể nào sẽ được Cục triển khai trong năm nay để hỗ trợ cho doanh nghiệp cũng như góp phần phục hồi kinh tế của TP, thưa ông ?

Thứ nhất là tăng tốc cải cách. Tích cực đẩy mạnh hải quan điện tử, chuyển đổi hải quan số tạo cơ sở và nền tảng vững chắc để tiến tới hải quan thông minh. Triển khai hệ thống công nghệ thông tin mới trên cơ sở ứng dụng những thành tựu mới, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, quản trị thông minh; quản lý doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và sẵn sàng trao đổi dữ liệu hải quan với các nước trong khu vực và trên thế giới. Chiếc xe hơi và xe hơi điện “Made in Vietnam” đã xuất hiện tại Mỹ, tâm thế của doanh nghiệp Việt nay đã khác nhiều. Thế nên, đã không có khát vọng thì thôi, nếu có, nên mơ lớn, nghĩ lớn. Hải quan TP.HCM bắt buộc đầu tư hệ thống công nghệ xứng tầm quốc tế.

Thứ hai, tại trụ sở mới hoàn thành và đưa vào sử dụng năm nay, chúng tôi dành 3 tầng làm Trung tâm đăng ký hải quan chung cho doanh nghiệp. Nay nhân viên làm thủ tục hải quan không cần chạy ra cảng làm tờ khai, mà ngồi nhà bấm truyền dữ liệu cho nhiều doanh nghiệp lên trung tâm, mọi giải quyết phân luồng đều được hệ thống phân luồng tự động thực hiện. Cảng chỉ là nơi đến lấy hàng mà thôi, hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp, đi lại nhiều, tiết kiệm nguồn lực và cũng là cách phòng chống dịch hiệu quả.

Thứ ba, Thủ tướng đã giao cho hải quan quản lý kiểm tra chuyên ngành. Nên sẽ có 2 trung tâm đăng kiểm tại cảng Cát Lái và Hiệp Phước. Sau này, mọi hàng hóa cần đăng kiểm (ngoại trừ hàng y tế, liên quan sức khỏe…) được lấy mẫu, kiểm tra và trả ngay tại đó, như vòng tròn khép kín. Nhân viên làm thủ tục không phải lấy mẫu ở cảng, chạy đi lại để lấy, nộp như trước. Ngoài ra, sẽ giảm bớt đăng kiểm mà công nhận lẫn nhau. Ví dụ, chiếc áo đã được cơ quan quản lý châu Âu kiểm tra rồi, hầu như không phải lấy mẫu kiểm tra nữa, chỉ trừ các lô hàng kiểm tra ngẫu nhiên theo quản lý rủi ro mà thôi.

Là thuyền trưởng cơ quan hải quan lớn nhất cả nước với khối lượng công việc nhiều và đầy rủi ro, đòi hỏi người đứng đầu phải có bản lĩnh vững vàng để chèo lái con thuyền trước sóng to gió lớn. Có lúc nào ông thấy mệt mỏi?

Trong nghề nghiệp, đặc biệt khi đã xác định nhiệm vụ chính trị ngồi vào chiếc ghế này, tôi tâm niệm một điều rằng, cứ nỗ lực, sáng tạo, tâm huyết hết mình đi, sẽ có trái ngọt. Có tâm huyết sẽ có bản lĩnh, dám xông pha và không ngại nguy hiểm. Lịch sử rất công bằng, ai làm được việc, mang lại lợi ích cho dân, doanh nghiệp sẽ nhận được sự tưởng thưởng xứng đáng. Đó là niềm tin. Không phải bỗng dưng những nhà đầu tư nước ngoài đang đêm lại email hay nhắn tin cho tôi thắc mắc điều này, nhờ giải đáp điều kia đâu. Họ có niềm tin vào sự quyết đoán, nói được làm được của chúng tôi. Họ gặp chúng tôi trong tâm thể không than vãn những khó khăn vụn vặt như trước nữa mà hiến kế, kiên trì bảo vệ cái đúng và tìm hướng giải quyết trong khuôn khổ pháp lý hợp lý hợp tình nhất. Đó là những điều mà chúng tôi đã, đang làm và là tôn chỉ mục tiêu mà chúng tôi luôn hướng đến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.