Cùng con đi tiếp cuộc đời: Giúp những trẻ sơ sinh mất mẹ

Thanh Đông
Thanh Đông
09/11/2021 05:31 GMT+7

Trong những ngày qua, phóng viên Thanh Niên tiếp tục đi thăm, trao tiền hỗ trợ khẩn cấp cho gia đình những trẻ sinh non, vừa chào đời đã không còn hơi ấm mẹ, khi mẹ không thể chống chọi nổi với Covid-19 và mãi mãi ra đi.

Nước mắt đàn ông

Người ta nói, nước mắt đàn ông không rơi từng giọt, nhưng với những người chồng mất vợ vì Covid-19, bỏ lại con thơ vừa lọt lòng mẹ, thì nước mắt chảy thành dòng, có thể còn lâu lắm mới nguôi ngoai.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông T.T.Kh (sinh năm 1975), nhà ở hẻm 747 Ba Đình, P.10, Q.8, TP.HCM. Phía trước nhà ông Kh. là chợ Ba Đình, sầm uất, náo nhiệt. Những ngày bình yên trước đây, ông Kh. bán hàng online, vợ ông - bà N.T.B (sinh năm 1983) bán dưa chua ở khu chợ này, cuộc sống gia đình ổn định, đầy ắp tiếng cười vui khi vợ chồng có với nhau cậu con trai khôi ngô, có má lúm đồng tiền rất duyên tên T.N.T.Kh, sinh năm 2012. Khi dịch Covid-19 bùng phát, cuối tháng 8.2021, vợ ông Kh. đang mang bầu tháng thứ 7 và có triệu chứng sốt, ho; đi xét nghiệm Covid-19 thì kết quả dương tính nhưng triệu chứng nhẹ nên được khuyên về nhà tự cách ly.

Ông T.T.Kh (giữa) nhận tiền hỗ trợ từ đại diện Báo Thanh Niên. Con trai ông Kh. được cháu gái của ông chăm sóc giúp

DUY KHANG

Khi vợ ông Kh. sốt, ho; chị Hai của ông Kh. chăm sóc cho vợ ông. 2 ngày sau thì chị Hai ông Kh. bắt đầu khó thở, và vợ ông Kh. cũng vậy. “Ngày 20.8, tôi đưa chị Hai vô Bệnh viện An Bình để điều trị, sau đó thấy vợ không ổn, tôi định đăng ký cho vợ chồng cùng đi cách ly nhưng ngày 24.8 vợ trở nặng nên tôi đưa vợ vô Bệnh viện Hùng Vương”, ông Kh. kể. Sau khi vợ và chị Hai vào bệnh viện thì ở nhà, ông Kh. cũng bắt đầu khó thở. Thấy tình cảnh ông, hàng xóm khuyên ông nên vào bệnh viện, con trai ông cứ để ở nhà, hàng xóm sẽ lo cơm nước và chăm sóc giúp.

“Tôi vào Bệnh viện An Bình để điều trị cùng chị Hai. Con tôi ở nhà, mỗi ngày cháu được hàng xóm mang thức ăn qua để trên chiếc bàn trước cửa rồi gọi cháu ra lấy, vợ mang bầu và cách ly ở một nơi khác. Những ngày khủng khiếp với gia đình tôi bắt đầu”, nói đến đây, ông Kh. khóc, nước mắt giàn giụa, có lẽ đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy một người đàn ông khóc nhiều đến thế.

Khi ông Kh. và chị Hai của ông sức khỏe tạm ổn thì ông được báo tin vợ ông cần mổ bắt con để cứu mẹ. “Lúc đó tôi chỉ biết nghe điện thoại, đồng ý và chờ tin tức từ bệnh viện chứ chẳng biết làm sao”, ông Kh. kể tiếp.

Ngày 29.8.2021, con trai ông chào đời, được nuôi lồng kính vì cân nặng chỉ 1,3 kg. Vợ ông thì được đưa đi điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai - Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 (Q.7, TP.HCM). Bà trút hơi thở cuối cùng vào ngày 8.9.2021.

Nhận tin vợ mất, ông Kh. cố nén đau, không dám để lộ thông tin. “Chị Hai rất thương vợ tôi, chị ấy chưa khỏe hẳn, nếu nghe tin dữ có thể chị chịu không nổi. Tôi cố gắng tỏ ra bình thản, chỉ đêm đến mới dám khóc một mình. Vợ ra đi trong cô đơn, không một người thân đưa tiễn. Con trai lớn ở nhà, con trai nhỏ vừa sinh đã mất mẹ, cũng ở một mình trong bệnh viện, không biết ngày mai ra sao. Đại dịch này quá tàn khốc với gia đình tôi”, ông Kh. lại khóc nhiều hơn.

Sau 1 tháng sinh ra, con trai ông Kh. mới được bệnh viện cho về nhà vì cháu có thể tự bú sữa bình được. Ông Kh. đặt tên cho con là T.N.V.Kh, cháu V.Kh cũng có hai lúm đồng tiền, cũng khôi ngô giống anh trai T.N.T.Kh.

“Do cháu sinh non nên sức khỏe không được tốt. Sau mấy ngày về nhà thì cháu phải nhập viện trở lại. Từ đó, lâu lâu cháu phải đi khám bệnh. May tôi có người cháu gái, cũng đã có chồng, sinh 2 con rồi và cũng sinh non nên có kinh nghiệm và cháu giúp chăm sóc con tôi”, ông Kh. kể.

Sau khi TP.HCM hết giãn cách, ông Kh. đưa tro cốt của vợ về quê ở H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và chôn cất, xây mộ. “Vợ tôi giờ đã mồ yên. Tôi phải tiếp tục sống để nuôi con. Dẫu cố gắng nhưng chưa thể nguôi ngoai được. Mỗi khi nhìn hai con là nhớ vợ, xót xa và lại khóc”, ông Kh. tâm sự.

Sau khi động viên, an ủi ông Kh., đại diện Báo Thanh Niên đã trao 3 triệu đồng hỗ trợ cháu T.N.V.Kh. Trước đó, cháu T.N.T.Kh cũng được trao số tiền 3 triệu đồng. “Do thời điểm Báo Thanh Niên triển khai trao tiền hỗ trợ cho trẻ mồ côi tại Q.8 thì tôi chưa làm giấy khai sinh cho cháu T.N.V.Kh nên chưa được địa phương đưa vào danh sách. Nay báo biết và tự tìm đến trao, tôi rất mừng và cảm ơn rất nhiều!”, ông Kh. chia sẻ.

Anh H.P.T và con trai H.M.Kh

Gà trống nuôi con

Cùng cảnh gà trống nuôi con như ông Kh., anh H.P.T (sinh năm 1990, nhà ở đường Rạch Cát Bến Lức, P.7, Q.8, TP.HCM) giờ đang một mình chăm sóc con trai lớn tên H.M.T (sinh năm 2013) và con trai thứ tên H.M.Kh (sinh ngày 9.8.2021 bằng phương pháp sinh mổ khi thai 7 tháng do mẹ trở nặng vì Covid-19). Sau khi sinh con, vợ anh T. ra đi mãi mãi vào ngày 15.8.2021.

Nhớ về vợ, anh T. buồn rầu kể: “Những ngày vợ tôi đi cách ly, tôi xin đi theo chăm sóc. Sau khi mổ bắt con là chuyển vợ tôi lên tuyến trên và vợ ra đi mà không có tôi bên cạnh”. Khi sinh ra, con trai H.M.Kh cũng chỉ nặng 1,3 kg và phải chăm sóc đặc biệt. “Lo cho vợ xong, tôi trực tiếp xin vào bệnh viện để phụ chăm con. Sau đó, cháu được đưa về nhà, và cũng mừng là cháu lên ký rất nhanh. Đến nay, cháu gần được 3,5 kg”, anh T. kể.

Anh T. làm nghề sửa xe máy, từng đi bộ đội. “Tôi làm dành dụm được ít tiền để chào đón con trai thứ hai chào đời. Nhưng bây giờ, sau mấy tháng dịch và gặp phải biến cố này thì chẳng còn gì. Tạm thời tôi cũng chưa làm trở lại, đang tập trung lo cho con, khi con lớn chút thì mới gửi cho dì chăm phụ và quay lại công việc”, anh T. cho biết.

Cũng như trường hợp của con ông Kh., con trai nhỏ của anh T. chưa có khai sinh nên chưa được trao tiền hỗ trợ đợt trước, nay Báo Thanh Niên tìm hiểu và trao cho cháu 3 triệu đồng.

“Tôi cảm ơn báo đã tận tình hỗ trợ cho hai con chứ không biết nói gì hơn. Chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời của Báo Thanh Niên là niềm an ủi lớn đối với gia đình tôi và nhiều gia đình có cùng hoàn cảnh. Ngoài nhận được tiền hỗ trợ, tôi cũng đã nộp hồ sơ tham gia chương trình bảo trợ cho trẻ tại tòa soạn, mong sao hai con tôi sẽ được nhà bảo trợ giúp đỡ. Được vậy thì bản thân tôi cũng vơi bớt phần nào khó khăn”, anh T. chia sẻ.

Quý nhà hảo tâm có nhã ý chung tay với chương trình Cùng con đi tiếp cuộc đời nhằm bảo trợ trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19 của Báo Thanh Niên, xin vui lòng gửi thông tin trao đổi về việc nhận bảo trợ trẻ em mồ côi đến email: baotrotremocoi@thanhnien.vn hoặc liên hệ số điện thoại: 0933044866 (gặp nhà báo Trần Thanh Bình, Ban Công tác bạn đọc). Trên cơ sở khảo sát tìm hiểu và thiết lập hồ sơ từng em mồ côi do đại dịch Covid-19 có hoàn cảnh sống khó khăn, đôi bên sẽ cùng tham gia ký bản thỏa thuận bảo trợ và lên phương án giúp đỡ cụ thể cho từng hoàn cảnh với mức bảo trợ theo từng giai đoạn.

Quý nhà hảo tâm có nhã ý tham gia việc bảo trợ các em theo hình thức trực tiếp chuyển tiền mặt đến Phòng Tài vụ Báo Thanh Niên, số 268 - 270 Nguyễn Đình Chiểu, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM; Tòa soạn Hà Nội và các văn phòng đại diện Báo Thanh Niên trên cả nước.

Hoặc chuyển khoản theo thông tin sau: Chủ tài khoản: Báo Thanh Niên. Số tài khoản: 1471000.000.0115 - Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh Ba Tháng Hai, TP.HCM.

Nội dung ghi: Ủng hộ trẻ mồ côi do dịch Covid-19.

Báo Thanh Niên sẽ tính toán điều phối số tiền này cho chương trình một cách công tâm, hợp lý, hiệu quả nhất và sẽ cập nhật, công bố đầy đủ trên các ấn phẩm của Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.