Cùng lúc làm nhiều việc nên hay không?

18/10/2022 09:00 GMT+7

Hiện nay, nhiều người trẻ cùng lúc làm nhiều việc: vừa ăn uống, vừa lướt điện thoại, vừa xem phim trên máy tính… trở nên phổ biến.

Thói quen xử lý nhiều việc cùng lúc

Nhịp sống hối hả khiến người trẻ dễ bị mất cân bằng giữa công việc và đời sống do bị cuốn vào guồng quay công việc.

“Mình thường xuyên nghe nhạc vừa làm việc. Có đôi khi mình cũng làm vài ba công việc cùng lúc để tiết kiệm thêm thời gian”, Phạm Văn Linh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nói.

Nếu làm nhiều thứ cùng một lúc như thói quen, mà không cải thiện thì lâu dần sẽ khiến bạn ngày càng mất tập trung

X.P

Giống với Linh, Nguyễn Khánh Hoàng Anh (25 tuổi), ngụ TP.Thủ Đức cho biết mình cũng từng vừa ăn vừa xem phim hoặc lướt mạng xã hội. Hoàng Anh chia sẻ: “Làm nhiều việc cùng một lúc khiến mình không tập trung được vào việc nào cả. Khi ăn không cảm nhận được trọn vẹn mùi vị món ăn, cũng như không hoàn toàn tập trung vào công việc. Có một thời gian mình từng bị đau dạ dày vì thói quen này”.

Theo anh Trần Huỳnh Cơ (25 tuổi), đang làm việc trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM, thường nghe podcast vừa kiểm tra email, soạn văn bản, chuẩn bị file, tìm hình ảnh. Việc làm nhiều việc cùng lúc giúp anh tận dụng được thời gian nhiều hơn, vượt qua được cảm giác chán khi làm một việc gì đó. Tuy vậy, anh cũng nhận định rằng làm nhiều việc khiến anh bị sao nhãng nên có lúc tốn thêm nhiều thời gian để thực hiện một tác vụ, hiệu quả không được cao.

Theo diễn giả Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng phòng Đào tạo kỹ năng thuộc Công ty cổ phần Finlife Việt Nam, thế hệ gen Z hiện nay luôn yêu thích những trải nghiệm. Khi cuộc sống ngày càng vận động nhanh hơn, những hoạt động giải trí liên tục với thời lượng ngắn khiến cho giới trẻ cũng hình thành tư duy, thói quen liên tục vận động.

“Khi có quá nhiều công việc cần phải xử lý trong một thời điểm, người trẻ sẽ không thể nào tập trung vào từng việc mà phải chia đều cho các đầu việc. Dần dần sẽ làm cho khả năng tập trung bị giảm sút. Vì vậy, bạn trẻ cần chọn lên kế hoạch rồi dần dần làm từng bước, tập trung cho từng việc, mình thấy hiệu quả hơn”, diễn giả Nguyễn Quốc Chiến nói.

Hai mặt của làm nhiều việc cùng lúc

Diễn giả Chiến cho biết khi làm nhiều việc cùng lúc thì sẽ không tập trung hoàn toàn vào công việc, phân tâm, đứt mạch suy nghĩ nên dễ bị dang dở, không hoàn thành công việc, hoặc hoàn thành với chất lượng không cao.

Ông Chiến đưa ra ví dụ một người đang viết văn bản nào đó, thì có tin nhắn điện thoại đến phải nghe và trả lời, xử lý cuộc hội thoại đó, khi quay trở lại mạch ý tưởng của văn bản bị đứt nên phải nghĩ lại từ đầu.

Cũng theo ông Chiến người trẻ làm nhiều việc cùng lúc vừa có lợi ích, vừa có cả tác hại. Nếu bạn trẻ xây dựng được kỹ năng tư duy nhanh, tổng hợp thông tin đa chiều và phân tích khoa học thì việc làm kiêm nhiệm sẽ giúp bạn ngày càng đa nhiệm hơn. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp, tổ chức (đặc biệt là startup) ưa thích nhân sự có khả năng đa nhiệm, vì cùng một người có thể đảm nhiệm nhiều việc hơn, tối ưu số lượng phòng ban hơn.

“Ngược lại, nếu bạn làm nhiều thứ cùng một lúc như thói quen, mà không cải thiện những kỹ năng cần thiết thì lâu dần sẽ khiến bạn ngày càng mất tập trung hơn, vì bạn thường xuyên phân tâm với bất cứ điều gì mới xảy đến với bạn, thậm chí mất nhiều thời gian cho những việc xen ngang, dẫn đến không còn thời gian và nguồn năng lượng để làm những việc chính”.

Để giúp các bạn trẻ làm việc hiệu quả hơn, ông Chiến đề xuất người trẻ có thể dùng phương pháp kinh điển được áp dụng rộng rãi trên thế giới về quản lý thời gian đó là “Ma trận Eisenhower”. Ma trận này chia công việc thành 2 dạng: khẩn cấp và quan trọng. Bạn cần liệt kê những công việc bạn cần làm trong ngày (tuần - tháng) sau đó sắp xếp thứ tự ưu tiên cho nó. Việc càng quan trọng thì sẽ càng phải ưu tiên xử lý trước, sau đó mới đến những việc kém quan trọng hơn.

“Trong quá trình bạn làm việc hoặc học tập, chẳng hạn như: đọc xong một cuốn sách, viết xong một bài luận, sửa xong một video... đó là những việc quan trọng và khẩn cấp nhất. Bạn cần tập trung cho nó. Nếu trong lúc thực hiện, có tin nhắn, điện thoại, hay thông báo từ các trang mạng, bạn cũng đừng vội đọc hay trả lời ngay. Xem lướt qua để biết nó có quan trọng không rồi quyết định là để đó làm sau, hay xử lý lập tức”, ông Quốc Chiến khuyên.

Nói về phương pháp làm việc của mình, anh Trần Huỳnh Cơ cho biết anh thường chia công việc ra làm 2 loại chính là deep work (sự tập trung cao) và shallow work (không cần tập trung cao). Anh nói: “Những công việc cần sự tập trung cao thì mình chỉ làm một việc đấy thôi để đạt được hiệu quả tốt nhất. Còn những việc không quá quan trọng không cần tập trung cao như kiểm tra email, soạn văn bản, chuẩn bị file, tìm hình ảnh… thì mình có thể vừa lướt các video trên YouTube hay vừa nghe podcast vừa làm”.

“Khi kiên trì luyện tập phương pháp này đủ lâu, bạn sẽ hình thành thói quen mới. Giúp bạn phân biệt công việc nào quan trọng, còn công việc nào không. Vẫn có thể xử lý nhiều việc cùng một lúc, nhưng có việc ưu tiên xử lý ngay, còn có việc tạm lưu đó xử lý sau. Dần dần sẽ quản lý thời gian hiệu quả hơn”, diễn giả Nguyễn Quốc Chiến nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.