Nhà biên khảo Phan Kế Bính không chỉ là một dịch giả xuất sắc, nhà báo - nhà văn, mà ông còn là nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc nổi tiếng, từng cộng tác cho các tờ Đăng cổ tùng báo, Lục tỉnh tân văn, Đông Dương tạp chí…
Tác phẩm Việt Nam phong tục của ông phản ánh gần 100 phong tục, tập quán điển hình của người Việt, gồm ba thiên (ba chương): Phong tục trong gia tộc, Phong tục làng xã và Phong tục xã hội nói chung, thể hiện rõ hệ thống những mối quan hệ mà mỗi người xưa nay đều phải trải qua trong vòng đời: từ quan hệ anh chị em huyết thống, họ hàng thân thuộc đến quan hệ hàng xóm láng giềng trong làng ngoài xã, và cao hơn nữa là bổn phận, trách nhiệm của bản thân với quốc gia, dân tộc.
Cuốn sách của Phan Kế Bính giúp độc giả khám phá về các phong tục VN, bên cạnh đó đề cao những giá trị tốt đẹp mang cốt cách, bản sắc tiêu biểu cần bảo lưu, giữ gìn và mạnh dạn phê phán những quan niệm bảo thủ, hủ tục kìm hãm sự phát triển của cá nhân, xã hội trên đường đi đến văn minh, hội nhập.
Mỗi phong tục, dù được ông viết ngắn gọn trong vài trang sách nhưng đều là những thông tin thiết yếu, chắt lọc dưới góc nhìn khách quan và khoa học của một nhà biên khảo hiểu biết sâu rộng. Từ tên gọi, nguồn gốc hình thành cho đến mô tả đặc trưng, cách thức mà phong tục, tập quán đó diễn ra hay sự khác biệt của cùng một phong tục giữa các vùng miền, địa phương… đều diễn giải cặn kẽ. Luôn uyên bác trong tư tưởng tân tiến, tác giả không chỉ mô tả từng tập tục, mà còn nói về gốc tích, nguyên thủy cái tục ấy, nhìn nhận, đánh giá để xem nó hay hay dở, để rồi "xét điều gì quá tệ mà bỏ bớt đi, rồi lâu lâu mới đem cái tục hay mà bổ hết cho cái tục dở. Còn tục gì hay mà là quốc túy của ta thì cứ giữ lấy".
Do có cái nhìn khách quan khi nhận định về các tập tục xưa nay đã trở nên cổ hủ, nên dù đã có không ít những cuốn sách chữ Hán viết về phong tục, nghi lễ đời người được lưu truyền nhưng Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính - tác phẩm viết bằng chữ quốc ngữ vẫn là cuốn sách hay và quý về phong tục, tập quán đã ăn sâu bám rễ trong đời sống người dân Việt cho đến ngày nay.
Bình luận