Thêm một người được UNESCO kỷ niệm ngày sinh
GS-TS Nguyễn Chí Bền, người làm hồ sơ đề nghị UNESCO cùng kỷ niệm 200 năm sinh danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: “Dự kiến tháng 11.2021, phiên họp của Đại hội đồng sẽ thông qua nghị quyết kỷ niệm 200 năm sinh. Trước đó, Ban Chấp hành UNESCO đã thông qua hồ sơ tháng 4.2021”. Lễ kỷ niệm 200 năm sinh Nguyễn Đình Chiểu dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 1.7.2022 tại Việt Nam. Bên cạnh đó cũng sẽ có việc tôn vinh thầy thuốc Nguyễn Đình Chiểu vào ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2.2022.
GS-TS Nguyễn Chí Bền cho biết có tới 4 quốc gia đề cử xem xét việc cùng kỷ niệm 200 năm sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Đó là các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Ấn Độ. Trong khi đó, theo quy định, chỉ cần 2 quốc gia đề cử đã được đặt lên bàn xem xét. “Chỉ cần 2 quốc gia đề cử, mà mình được hẳn 4 quốc gia đề cử. Tại cuộc họp Đại hội đồng, họ sẽ là những nước giơ tay ủng hộ chúng ta đầu tiên. Các nhà khoa học của 4 nước này cũng sẽ tham dự hội thảo khoa học quốc tế về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu do chúng ta tổ chức”, ông Bền nói.
Cũng theo GS Bền, cùng lúc, tỉnh Bến Tre (quê hương nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu) đã đề xuất và tổ chức việc kỷ niệm này, đang chuẩn bị các công việc như hội thảo, tổ chức trưng bày về Nguyễn Đình Chiểu. Trong các trưng bày này sẽ có tác phẩm Lục Vân Tiên đã xuất bản bằng tiếng Pháp, Nhật, Trung... trong suốt 70 lần xuất bản Lục Vân Tiên ở các NXB trong và ngoài nước. Theo quy định, các trưng bày này sẽ được tổ chức tại UNESCO. Các tư liệu về cụ Đồ Chiểu cũng sẽ được số hóa.
Theo GS Bền, cho tới thời điểm này, Việt Nam đã có các danh nhân văn hóa kiệt xuất được UNESCO khuyến khích thế giới kỷ niệm năm sinh là: Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ Nguyễn Trãi, nhà giáo dục Chu Văn An.
Đổi mới nho giáo
Hồ sơ đề nghị cùng kỷ niệm năm sinh của Nguyễn Đình Chiểu gửi UNESCO có mô tả những ảnh hưởng từ phẩm chất của ông tới khu vực và tác động trên toàn thế giới.
Thứ nhất, ông là tấm gương cho những người tàn tật trong khu vực và toàn thế giới, không khuất phục trước số phận không may mắn. Dù mắt mù lòa, ông vẫn tự học qua người thân các tri thức Nho giáo, tri thức nghề thuốc đông y để hành nghề. Có thể thấy rõ qua tấm gương này tư tưởng học suốt đời của UNESCO.
Thứ hai, ông là nhà thơ với những lo lắng cho con người trong thời loạn - một thái độ nhân văn cần nêu cao khi thế giới vẫn có khả năng xuất hiện các cuộc chiến tranh quốc gia và khu vực. Ông viết chân thực về nỗi đau khổ mà họ phải chịu đựng.
Thứ ba, ông là nhà văn hóa với triết lý được chép thành sách. Triết lý này có phần vỏ là Nho giáo, lõi là triết lý sống của người Nam bộ nói riêng, người Việt Nam nói chung: không màng danh lợi, giữ khí tiết, luôn sống vì mọi người. Ông đại diện cho việc tiếp nhận và đổi mới tư tưởng Nho giáo của Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á. Năm 1864, nhà nghiên cứu Pháp G.Aubaret đánh giá truyện thơ Lục Vân Tiên “chứa đựng những tình cảm, khát vọng chẳng mấy khi tìm thấy trong tinh thần Trung Quốc… Cuốn sách có ưu điểm lớn là diễn tả được trung thực những tình cảm của cả một dân tộc”.
Thứ tư, cũng trong khu vực Đông Nam Á, Nguyễn Đình Chiểu là một danh y, một thầy thuốc mẫu mực, chăm lo cho người bệnh, đọc cho người nhà chép y lý truyền cho người xung quanh. Y lý của Nguyễn Đình Chiểu lấy số phận con người làm nội dung, đạo đức của người thầy thuốc là không màng danh lợi.
Cuối cùng, trong giao lưu văn hóa, truyện thơ Lục Vân Tiên là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra nhiều thứ tiếng. Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Pháp: bắt đầu từ bản của G.Aubaret (1864), sau đó có bản dịch của Janneau (1873), Abel des Michels (1883), E.Bajot (1886), Nghiêm Liễn (1927), Dương Quảng Hàm (1944), Lê Trọng Bổng (1997)... Năm 1985, Lục Vân Tiên được dịch ra tiếng Nhật với bản dịch của GS Takeuchi Yonosuke. Năm 2016, tác phẩm được dịch ra tiếng Anh với bản dịch của Éric Rosencrantz. Với 3 thứ tiếng và 9 bản dịch, Lục Vân Tiên là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra ngoại ngữ nhiều thứ ba, sau Truyện Kiều (21 thứ tiếng, hơn 73 bản dịch), Nhật ký trong tù (khoảng 16 thứ tiếng, 20 bản dịch)…
Bình luận (0)