Để cảng thị Óc Eo xưa trở thành di sản UNESCO

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
24/05/2021 06:30 GMT+7

Dấu tích rực rỡ của cảng thị Óc Eo (H.Thoại Sơn, An Giang) vẫn còn đến nay và là những yếu tố quan trọng trong việc làm hồ sơ UNESCO cho di sản này.

Hải thương rực rỡ, chinh phục biển khơi

PGS-TS Bùi Văn Liêm, nguyên Phó viện trưởng Viện Khảo cổ học, tự hào chia sẻ về cảng thị Óc Eo và vùng biển Nam bộ nước ta trong giao lưu thương mại. Theo đó, Óc Eo là một bến chờ trên tuyến đường buôn bán quan trọng ở Đông Nam Á. Các thương thuyền cập bến Óc Eo để lấy nước ngọt, lương thực và trú chân chờ hàng từ nước khác chuyển tới cũng như chờ dòng biển, luồng gió thuận. Từ đó, Óc Eo trở thành một trung tâm trao đổi buôn bán.
“Thương cảng Óc Eo trở thành một điểm nút của thương mại hàng hải thế giới. Đó là đầu mối phía đông trên đường giao thương Đông - Tây, nối Ấn Độ tới vịnh Thái Lan đến Biển Đông, vùng quần đảo Đông Nam Á, với Trung Quốc và xa hơn nữa”, PGS-TS Liêm cho biết. Chưa kể, cũng theo ông Liêm, trong mối quan hệ nội thương, Óc Eo là cảng thị chính trong cụm ba đô thị cổ Óc Eo, Nền Chùa và Cạnh Đền. Các đô thị này nối với nhau bằng những con kênh và cùng nối với kênh chính, chạy dọc miền tây sông Hậu theo hướng Đông - Tây.
Để cảng thị Óc Eo xưa trở thành di sản UNESCO

Nhẫn vàng cho thấy sự giao thương rực rỡ ở Óc Eo xưa

TS Nguyễn Khánh Trung Kiên, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ, cho biết khai quật ở cánh đồng Óc Eo cũng cho thấy tính chất “cảng thị cổ” của miền đất này. Nhiều loại hình có khả năng đến từ hoạt động trao đổi thương mại với nước ngoài như đồ gốm, các loại hình hạt chuỗi mạ vàng, tiền Ngũ Thù và chìa khóa bằng đồng (giống hiện vật La Mã). Những chuỗi hạt với kỹ thuật khảm mảng thủy tinh, hạt chuỗi hình cầu mạ vàng cho thấy liên quan đến Tây Á hay La Mã. Một số mái chèo với kỹ thuật cột dây có nét tương đồng với hiện vật của cư dân Đông Nam Á hải đảo.
Cũng theo PGS-TS Liêm, các hiện vật khảo cổ cho thấy sự thông thương rộn ràng ở Óc Eo xưa. Khai quật ở Ba Thê - Óc Eo, vùng Cần Thơ ven sông Hậu, Gò Thành, Gò Tháp… cho thấy Óc Eo là một trung tâm thương mại quốc tế khi phát hiện sản vật của các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tư, La Mã… Nhiều sản phẩm giống với Óc Eo cũng được tìm thấy ở nhiều nơi tại Đông Nam Á. Đó là phù điêu đất nung ở Thái Lan, hạt chuỗi ngọc ở Malaysia và Lào, thậm chí xa hơn là Ấn Độ và Địa Trung Hải. Những bông hoa sen vàng ở Thái Lan cũng được cho là nhập từ Nền Chùa và Phù Nam. Những hiện vật kim lạc và thiếc mà các nhà khảo cổ học gọi là tiền Óc Eo được tìm thấy ở Thái Lan, Myanmar.
Để cảng thị Óc Eo xưa trở thành di sản UNESCO

Những hạt chuỗi Óc Eo cho thấy kỹ thuật tinh xảo

Chuẩn bị cho hồ sơ UNESCO

Theo TS Nguyễn Khánh Trung Kiên, hồ sơ UNESCO nên sử dụng các kết quả nghiên cứu theo các tiêu chí như Óc Eo có hình thức cư trú độc đáo trên nhà sàn ở ven dòng kênh cổ Lung Lớn rất độc đáo. Cư dân cổ Óc Eo - Ba Thê cũng có sự thích ứng với môi trường sông nước. Óc Eo là một đô thị cổ gắn liền với hệ thống giao thông thủy phát triển gắn kết nhiều khu vực ở đồng bằng Nam bộ và rộng hơn. Hoạt động thương mại trên bến dưới thuyền ở đây bao gồm cả với hàng hóa từ phương xa và hoạt động địa phương.
PGS-TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, lại muốn nhấn vào yếu tố khu di tích văn hóa Óc Eo - Ba Thê là minh chứng vật chất cho sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Ông còn nhấn mạnh việc văn hóa Óc Eo có vị thế quan trọng và góp phần làm nên sự thống nhất trong đa dạng văn hóa của Việt Nam. “Đặt vị thế Đông Nam Á trong bối cảnh toàn nhân loại, và vị thế của Việt Nam trong bối cảnh Đông Nam Á để thấy rõ các mặt giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản văn hóa Óc Eo là cách tiếp cận phù hợp hơn cả”, ông Bài nêu quan điểm.
Để cảng thị Óc Eo xưa trở thành di sản UNESCO

Gương đồng Đông Hán được tìm thấy ở Óc Eo - Ba Thê

Mặc dù vậy, ông Bài cũng lưu ý khu trung tâm văn hóa Óc Eo - Ba Thê gồm nhiều hợp phần. Vì thế, việc khoanh vùng lõi bảo vệ di sản chắc chắn không thể liền khoảnh mà phải chấp nhận có một số vùng lõi tách biệt.
PGS-TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, cho rằng có thể bám vào 3 tiêu chí để xét danh hiệu cho khu di sản. Thứ nhất, đó là tiêu chí thể hiện giao thoa của các giá trị nhân văn quan trọng. Theo tiêu chí này, khu di tích Óc Eo - Ba Thê thể hiện giao thoa mạnh mẽ giữa văn hóa Óc Eo và các nền văn hóa trên thế giới như Phật giáo, Ấn Độ giáo của Ấn Độ, văn hóa Trung Hoa, văn hóa Trung Đông và Địa Trung Hải. Sự giao thoa đó thể hiện qua dấu tích đền tháp, cư trú và di vật.
Thứ hai, đó là minh chứng duy nhất hoặc ít nhất cũng hết sức khác biệt về một truyền thống văn hóa, hay một nền văn minh hiện vẫn đang tồn tại hoặc đã diệt vong. Trên toàn khu vực Nam bộ, các di tích Óc Eo gần như biến mất khỏi mặt đất. Vì vậy, khu di sản Óc Eo - Ba Thê là minh chứng duy nhất còn hiện hữu rõ nét và tương đối đầy đủ các văn minh Óc Eo đặc sắc ở Việt Nam và Đông Nam Á trong khoảng thế kỷ 1 - 3 đến thế kỷ 6 - 7.
Để cảng thị Óc Eo xưa trở thành di sản UNESCO

Gạch Ấn Độ được tìm thấy ở Ba Thê

Ảnh: Triệu Phạm

Thứ ba, đó là tiêu chí về hình thức cư trú truyền thống của con người, việc sử dụng đất đai hay biển cả, đại diện cho một hay nhiều nền văn hóa hoặc tương tác con người - môi trường, đặc biệt khi nó đã trở nên dễ tổn thương do thay đổi không thể đảo ngược. Theo đó, di sản Óc Eo - Ba Thê có những đền tháp, khu dân cư với hình thức cư trú truyền thống đặc trưng, có núi đồi đan xen và gần biển. Tất cả tạo nên trung tâm văn hóa sầm uất bậc nhất của châu thổ và cũng là trung tâm văn minh duy nhất hiện còn của văn hóa Óc Eo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.