Phù Lãng, Bát Tràng, Hương Canh… những dòng gốm nổi tiếng phía Bắc đã hội tụ trong triển lãm gốm nghệ thuật 'Đất và người' diễn ra từ ngày 10-20.4 tại Tràng tiền Plaza, Hà Nội.
|
Đại bản doanh của đồ hiệu này đã dành sảnh lớn cho những tác phẩm gốm Việt, đúng ra là gốm Bắc. Bởi các tác phẩm trong triển lãm đều mang màu men, cốt đất của những làng gốm Bắc nổi tiếng như Phù Lãng, Bát Tràng, Hương Canh. “Người ta vẫn hay nhìn gốm với ý nghĩa là gốm sử dụng như bát, đũa, ấm chén, lọ hoa. Triển lãm này lại cho thấy hướng đi vừa mỹ thuật, vừa hàng hóa cao cấp của gốm nghệ thuật”, họa sĩ Lê Thiết Cương, giám tuyển của triển lãm gốm lần này, nói.
Trên thực tế, 6 tác giả tham gia triển lãm đều đã từng bán các tác phẩm gốm nghệ thuật của mình, rất được giá. “Ai cũng biết là chơi tranh dễ hơn chơi tượng. Mà đã chơi tượng thì họ cũng thích những tượng dễ hiểu, nên tượng càng kén người chơi. Tuy nhiên, ai chơi được thì mua giá rất cao. Và gốm cũng là chất liệu ấm áp, quen thuộc nên bán được”, họa sĩ Nguyễn Quang Thu nói. Gốm của anh không chú trọng hình, mà tập trung vào dáng, khi co khi thắt. Anh vẫn theo sự gợi cảm thu hút mình từng mang tới triển lãm mỹ thuật ứng dụng tại Valencia cách đây chục năm.
Triển lãm cũng có cả những tác phẩm là bình là lọ nhưng độc bản. Công chúng có thể được chào hỏi dòng men ngọc mà họa sĩ Nguyễn Việt mới tìm ra. Có cả những tượng vệ nữ với dáng đắp vuốt phủ men giàu nhịp điệu của họa sĩ Nguyễn Khắc Quân. Sự đối thoại giữa thư pháp trên gốm với thời đại qua sắp đặt của Lê Quốc Việt. Dấu ấn của sáng tạo cá nhân trong triển lãm rất rõ.
Nghệ nhân tài khéo Phạm Anh Đạo cũng biểu diễn các kỹ thuật làm gốm của mình ngay tại triển lãm. “Chúng tôi vẫn đi tiếp con đường của chuỗi hoạt động Davines từ năm trước. Nghĩa là đưa nghệ thuật tới gần công chúng hơn, qua các triển lãm ở trung tâm thương mại. Trình diễn kỹ thuật gốm vuốt tay của Đạo cũng là gạch nối hiện đại từ truyền thống”, ông Cương nói.
Trinh Nguyễn
>> Chơi đồ gốm, sứ “kiểu sinh viên”
>> Bảo vệ ngành chế tạo đồ gốm ở quê nhà ngay tại Seattle, Hoa Kỳ
>> Quý tộc Lê - Trịnh dùng đồ gốm xứ Phù Tang
Bình luận (0)