Cuộc cạnh tranh chíp bán dẫn thêm quyết liệt

18/12/2022 08:21 GMT+7

Cả Trung Quốc lẫn Mỹ cùng đồng minh đều đang đẩy nhanh năng lực sản xuất chíp bán dẫn trong cuộc cạnh tranh sống còn về thương mại giữa 2 bên.

AP ngày 16.12 dẫn thông báo của Bộ Thương mại Mỹ về việc bổ sung 36 công ty công nghệ cao của Trung Quốc vào danh sách bị trừng phạt vì lý do an ninh, lợi ích quốc gia và bảo vệ nhân quyền.

Mỹ và đồng minh liên tục “ra đòn”

Theo quyết định trừng phạt, các công ty Mỹ bị từ chối cấp phép xuất khẩu với các công ty trong danh sách trên. Thậm chí, doanh nghiệp ở các quốc gia khác cũng có thể bị Mỹ yêu cầu không giao dịch với các công ty bị trừng phạt trên. Trong số 36 công ty vừa bị thêm vào danh sách trừng phạt, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chíp bán dẫn. Ví dụ, Công ty công nghệ bộ nhớ Yangtze, nhà sản xuất chíp máy tính có trụ sở tại Vũ Hán, và chi nhánh tại Nhật Bản của công ty này đã bị đưa vào danh sách trên.

Một mẫu trưng bày linh kiện bán dẫn tại triển lãm Semicon China diễn ra ở Thượng Hải (Trung Quốc) năm 2021

Reuters

Đây là động thái trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào lĩnh vực công nghệ nói chung và ngành chíp bán dẫn nói riêng của Trung Quốc. Song hành việc hạn chế Bắc Kinh phát triển ngành bán dẫn, Washington cũng tăng cường năng lực chuỗi cung ứng chíp. Ngày 6.12, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham gia sự kiện lễ chào mừng lô thiết bị sản xuất linh kiện bán dẫn đầu tiên đến nhà máy do Tập đoàn TSMC (Đài Loan), nhà sản xuất chíp bán dẫn chiếm thị phần lớn nhất thế giới, đặt tại bang Arizona (Mỹ).

Trong sự kiện này, TSMC cũng công bố nâng mức tổng đầu tư từ 12 lên 40 tỉ USD cho việc sản xuất chíp bán dẫn tại Arizona với 2 nhà máy. TSMC dự kiến nhà máy đầu tiên sẽ sản xuất chíp tiến trình 4 nm vào năm 2024 và nhà máy thứ 2 sẽ sản xuất chíp tiến trình 3 nm từ năm 2026. Đại diện của cả Apple lẫn AMD đều đưa ra tuyên bố kỳ vọng các dòng chíp tiên tiến của họ sẽ được nhà máy của TSMC sản xuất ngay tại Arizona.

Rộ tin Trung Quốc cấm xuất khẩu chip vi xử lý chuẩn quân sự Loongson

Diễn biến trên được xem là thành công cho chính quyền của Tổng thống Biden sau khi đã thông qua Đạo luật Khoa học và Chíp hồi tháng 8 mà trong đó có khoản hỗ trợ lên đến 52,7 tỉ USD dành cho việc sản xuất chíp bán dẫn tại Mỹ. Ngoài TSMC, Samsung (Hàn Quốc) cũng đang xúc tiến xây dựng nhà máy sản xuất chíp bán dẫn trị giá 17 tỉ USD tại bang Texas và tập đoàn này dự kiến xây dựng tổng cộng hơn 10 nhà máy sản xuất chíp tại Texas với tổng đầu tư khoảng 200 tỉ USD.

Bắc Kinh cấm xuất khẩu chíp Loongson ?

Báo Nga Kommersant mới đây dẫn một nguồn tin từ Bộ Phát triển số, Thông tin liên lạc và Truyền thông đại chúng của nước này cho hay Trung Quốc đã cấm xuất khẩu chíp sử dụng cấu trúc do công ty nội địa Loongson Technology Corp cung cấp, vì công nghệ này được Bắc Kinh xem “có tầm quan trọng chiến lược”.

Lệnh cấm xuất khẩu chíp Loongson được đưa ra vì công nghệ liên quan đang được tổ hợp công nghiệp - quân sự của Trung Quốc sử dụng. Tờ báo còn dẫn một nguồn tin khác trên thị trường điện tử cho hay chính phủ Trung Quốc đã cấm xuất khẩu bộ vi xử lý Loongson sang tất cả các nước. Đến hôm qua chưa có thông tin về phản ứng từ Loongson và Bắc Kinh.

Văn Khoa

Bên cạnh đó, Tập đoàn IBM (Mỹ) ngày 12.12 công bố hợp tác cùng Công ty Rapidus (Nhật Bản) để sản xuất các loại chíp tiên tiến. Được sự hậu thuẫn và góp vốn bởi chính phủ Nhật Bản, Rapidus còn được liên doanh bởi 2 tên tuổi công nghệ hàng đầu nước này là Sony và NEC. Còn IBM đang nuôi tham vọng sớm đưa ra dòng chíp 2 nm mà tập đoàn này tiên phong chế tạo thành công hồi năm ngoái.

Vì thế, sự hợp tác của IBM và Rapidus được xem như bằng chứng hiện thực hóa liên kết giữa Washington và đồng minh trong việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là ngành bán dẫn. Đây là một trong các nội dung nằm trong tuyên bố chung của Đối thoại “bộ tứ an ninh” (gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ) được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh trực tiếp hồi năm ngoái.

Trung Quốc chi đậm để tự chủ

Sau khi TSMC công bố tăng đầu tư sản xuất chíp ở Arizona, tờ Hoàn Cầu thời báo (Trung Quốc) ngày 9.12 đăng bài xã luận lên án việc tập đoàn này bị Mỹ “dắt mũi”. Bài xã luận cho rằng sự kiện của TSMC vào ngày 6.12 là một “bước ngoặt đen tối” cho ngành sản xuất chíp bán dẫn thế giới.

Thời gian qua, Bắc Kinh liên tục đẩy mạnh việc tăng cường năng lực sản xuất chíp, bởi Trung Quốc suốt nhiều năm bị lệ thuộc các nước về công nghệ chíp bán dẫn. Reuters ngày 13.12 dẫn 3 nguồn tin cho biết Trung Quốc đang xúc tiến việc triển khai gói hỗ trợ lên đến 1.000 tỉ nhân dân tệ (khoảng 143 tỉ USD) dành cho ngành bán dẫn. Theo đó, Bắc Kinh đưa ra gói hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực tự cung tự cấp linh kiện bán dẫn và đối phó các biện pháp trừng phạt từ Washington.

Mỹ lập văn phòng điều phối về Trung Quốc

Hôm 16.12, Mỹ chính thức thành lập văn phòng điều phối về Trung Quốc (tiếng Anh là China House). Đây là văn phòng trực thuộc Bộ Ngoại giao, đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực tập trung sức mạnh ngoại giao của chính quyền Washington để đối phó sự trỗi dậy của Bắc Kinh trên toàn cầu, theo tờ Politico.

Văn phòng mới được thiết kế nhằm loại trừ những rào cản giữa các cơ quan chính phủ Mỹ, tăng cường sự phối hợp của Bộ Ngoại giao và những cơ quan khác trong việc chia sẻ thông tin và hình thành chính sách về Trung Quốc. Việc thành lập “China House” phản ánh thực tế cho thấy bộ máy chính quyền hiện tại của Mỹ không đủ nhanh nhạy để có thể đối phó vô số thách thức từ Trung Quốc, bao gồm thương mại đến quân sự.

H.G

Các nguồn tin của Reuters cho hay gói hỗ trợ của Trung Quốc dự kiến được thực hiện trong 5 năm và bắt đầu ngay từ đầu năm 2023. Gói hỗ trợ sẽ bao gồm các khoản hỗ trợ tài chính và giảm thuế, trong đó tập trung vào việc trợ cấp mua các thiết bị bán dẫn nội địa. Cụ thể hơn, các doanh nghiệp Trung Quốc khi mua các thiết bị, linh kiện bán dẫn nội địa có thể được hỗ trợ đến 20% chi phí. Gói hỗ trợ cũng hướng đến việc giúp đỡ các cơ sở chế tạo, lắp ráp và đóng gói linh kiện bán dẫn tại Trung Quốc. Ngày 14.12, sau khi các thông tin về gói hỗ trợ được truyền đi, giá cổ phiếu của những công ty hàng đầu trong ngành bán dẫn của Trung Quốc đã tăng vọt.

Theo giới phân tích, không chỉ với lĩnh vực linh kiện bán dẫn nói riêng, Trung Quốc đang theo đuổi một cuộc “đại tu” mạnh mẽ để thúc đẩy năng lực công nghệ nội địa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.