(TNO) Mỹ và Nga xa cách nhau một đại dương vời vợi, cả về địa lý và ý thức hệ. Nhưng nếu đứng ở Bắc Cực mà nhìn xuống, đó là 2 ông bạn láng giềng gần xịch sát nhà nhau.
Bắc Cực không còn yên ả khi băng bắt đầu tan - Ảnh: AFP |
“Nhà” Mỹ và “nhà” Nga ở địa đầu của quả đất chỉ cách mỗi cái “bờ rào” tí tẹo ở biển Bering, tưởng chừng có thể leo một phát là bước sang nhà nhau và khi hiềm khích, tưởng chừng có thể ném đá từ cửa sổ nhà này qua ngõ nhà kia. Đó là khi nhìn từ dải đất Uelen (thuộc Sebiria, Nga) chồm ra giữa Bắc Băng Dương, suýt chạm ngõ Nome, thành phố đông đúc thuộc bang Akaska của Mỹ.
Chẳng phải vô cớ mà người ta sợ 2 ông hàng xóm đó “ném đá” nhau. Một số chuyên gia quân sự còn nhận định thế chiến thứ 3 sẽ bắt đầu từ Bắc Cực. Nga và Mỹ chưa bao giờ thôi so kè nhau suốt chiều dài lịch sử. Trời càng nóng lên, Bắc Cực càng tan nhiều băng, cuộc so kè Mỹ - Nga ở vùng đất băng giá càng sôi sùng sục.
Hàng trăm tỉ "thùng thuốc súng" dưới băng
Thực ra thì không chỉ có 2 đối thủ sừng sỏ nhất từ thời chiến tranh lạnh mới đang phát hỏa ở Bắc Cực. Hiện tượng nóng lên toàn cầu làm những lớp băng yên ngủ hàng ngàn năm qua ở địa đầu của quả đất bỗng cựa mình thức giấc và… tan chảy, hứa hẹn lộ ra những mỏ vàng đen khổng lồ bên dưới.
Trang web Value Walk dẫn một số ước tính cho rằng lượng dầu mỏ đang ngủ yên (và sắp thức?) dưới lòng biển Bắc Cực ở con số hàng trăm tỉ thùng, chiếm đến 1/4 trữ lượng dầu trên toàn thế giới này. Mà chỉ riêng 2 chữ dầu mỏ thôi đã quá đủ để châm ngòi cho những cuộc chiến nóng bỏng nhất suốt bề dày lịch sử nhân loại.
Ngoài ra, băng tan cũng khiến cho Bắc Cực có thể trở thành những tuyến đường biển chiến lược, rút ngắn ngoạn mục khoảng cách giữa những châu lục vốn xa xôi cách trở. Và một khi Bắc cực trở nên dễ tiếp cận hơn, du lịch cũng là một mỏ vàng đầy ma lực khác mà lắm kẻ muốn nhảy vào tranh giành.
Nhìn từ Bắc Cực, Mỹ và Nga sát ngõ nhà nhau - Ảnh: Breitbart
|
Sự xuất hiện khả nghi của Trung Quốc
Cho tới nay, ngoài Nga và Mỹ, những quốc gia có biên giới giáp Vòng Bắc Cực khác, bao gồm Canada, Đan Mạch và Na Uy cũng đã tìm mọi cách chứng tỏ chủ quyền ở các phần đất tưởng đâu chỉ là “đặc khu” của loài gấu trắng. Ngoài ra, những quốc gia nằm gần kề khác là Iceland, Thụy Điển và Phần Lan cũng không muốn đứng ngoài cuộc tranh phần tại vùng đất trắng xóa.
Nhiệt độ không chỉ tăng cao ở những nơi dính dáng tới Bắc Cực về mặt địa lý.
Hồi tháng 9, Lầu Năm Góc tuyên bố lần đầu tiên trong lịch sử đã phát hiện 5 tàu chiến Trung Quốc lảng vảng ở vùng biển giữa Alaska (Mỹ) và Nga. Dẫu đó là khu vực biển quốc tế, nhưng sự xuất hiện của Trung Quốc là một tín hiệu đầy hăm dọa cho bất kỳ nước nào đang muốn “xí phần” ở vùng lãnh thổ lạnh run mà nóng hầm hập này. Ngoài ra, Anh, Đức, Nhật, Ấn Độ ngày càng thể hiện “sự quan tâm đặc biệt” tới Bắc Cực, theo báo Telegraph.
Khi Nga “chẳng giấu giếm bất kỳ ai”
Nhưng nói gì thì nói, cuộc so kè dữ dội nhất ở Bắc Cực là giữa 2 đối thủ sừng sỏ nhất xưa nay: Nga và Mỹ. Một trong những động thái nóng nhất gần đây trong cuộc chạy đua ở Bắc Cực là việc Nga tuyên bố khôi phục lại 6 căn cứ quân sự từ thời Liên Xô (cũ), cùng lúc xây mới hàng loạt căn cứ khác ở khu vực lạnh lẽo này.
Từ tàu ngầm mini Nga cắm cờ dưới đáy biển Bắc Cực năm 2007, ở độ sâu hơn 4 km - Ảnh: AFP
|
Hãng thông tấn Reuters dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Nga, ông Sergei Shoigu: “Chúng tôi chẳng giấu giếm bất kỳ ai, chúng tôi đang ở giai đoạn hoàn thành xây dựng các căn cứ ở quần đảo Novosibirsk và đảo Shoigu”. Ông cũng thòng thêm một câu rằng chúng đều được ứng dụng những công nghệ quân sự hiện đại cần thiết để bảo vệ biên giới ở Bắc Cực. Riêng căn cứ ở quần đảo Franz Josef Land thì đã gần như là hoàn tất và khoảng 150 binh sĩ Nga sẽ được đưa đến đây hoạt động trong vòng 18 tháng mà không có bất kỳ tiếp xúc nào với bên ngoài. Theo kế hoạch của Nga, quân đội sẽ rầm rộ được đưa trở lại Bắc Cực kể từ 2018, lần này là để đóng quân lâu dài,.
Rồi hàng loạt cuộc tập trận của Nga ở Bắc Cực trong năm nay, trong đó chỉ riêng trò đánh trận giả hồi tháng 3 đã huy động đến 40.000 binh sĩ, hàng chục tàu chiến, tàu ngầm đã làm rúng động những khối băng yên ngủ ngàn năm, khiến bất kỳ “tay chơi” nào muốn “xí phần” ở Bắc Cực cũng phải bồn chồn, sốt ruột.
Riêng Mỹ thì không có chuyện đứng đó khoanh tay. Có điều chiến thuật của Mỹ ở Bắc Cực hoàn toàn khác Nga, không ồn ã, không rầm rộ nhưng cực kỳ đáng gờm.
(Còn tiếp)
Bình luận (0)