Cuộc chiến băng giá - Kỳ 3: Phòng khi dầu sôi lửa bỏng...

01/11/2015 15:23 GMT+7

(TNO) Từ tít tắp trên không, Mỹ chưa bao giờ thôi chõ những cặp mắt cú vọ tàng hình theo dõi mọi động tĩnh trên vùng đất trắng xóa Bắc Cực tưởng chừng êm ả...

(TNO) Từ tít tắp trên không, Mỹ chưa bao giờ thôi chõ những cặp mắt cú vọ tàng hình theo dõi mọi động tĩnh trên vùng đất trắng xóa Bắc Cực tưởng chừng êm ả...

Lính Mỹ tập luyện ở Bắc Cực - Ảnh: Quân đội MỹLính Mỹ tập luyện ở Bắc Cực - Ảnh: Quân đội Mỹ
"Du lịch quân sự"
Nếu xếp hàng đứng trên băng, quân số của Nga và Mỹ chưa biết ai hơn ai. Mỹ đóng 3 lữ đoàn ở Alaska, mỗi lữ đoàn khoảng 3.000 lính, trong đó gồm một lữ đoàn nhảy dù, một chuyên do thám và một chuyên chui vào bụng những thiết giáp Stryker hầm hố.
Đơn vị nhảy dù thường xuyên luyện trò gieo mình xuống băng. Trong cuộc tập trận mang tên Spartan Pegasus hồi tháng 2 năm nay, 2 máy bay vận tải C-17 và thêm 2 chiếc C-130 đã thả 180 lính nhảy dù và 2 xe quân sự, thiết bị xuống điểm huấn luyện ở phía bắc của Bắc Cực, nơi nhiệt độ trung bình chừng âm 7 độ C.
Lính Mỹ chuẩn bị nhảy dù xuống Bắc Cực từ trên máy bay vận tải C-130 - Ảnh: Quân đội MỹLính Mỹ chuẩn bị nhảy dù xuống Bắc Cực từ máy bay vận tải C-130 - Ảnh: Quân đội Mỹ
Lúc đó, trang web quân đội Mỹ nêu rõ: "Mục tiêu của Spartan Pegasus là đảm bảo khả năng di chuyển linh hoạt của binh sĩ trên địa hình băng tuyết".
Lữ đoàn Stryker thì không được cơ động như vậy nhưng dù sao, loại xe nặng 25 tấn này vẫn dễ dàng "nắm tay nhau" chui gọn một lúc nhiều chiếc vào cái bụng khủng của C-17. Vì thế, trên lý thuyết, khi có biến, loại thiết giáp đáng sợ Stryker có thể nhanh chóng có mặt trên chiến trường.
Lính nhảy dù Mỹ đáp xuống Bắc Cực - Ảnh: Quân đội MỹLính nhảy dù Mỹ đáp xuống Bắc Cực - Ảnh: Quân đội Mỹ
Nếu chỉ tính lực lượng cơ hữu ở Bắc Cực, quân số của Nga thấp hơn Mỹ với chỉ 2 lữ đoàn. Nhưng các đơn vị chiến đấu khác của Nga lại thường xuyên "du lịch quân sự" đến xứ sở gấu trắng, nhất là lính nhảy dù từ những chiếc máy bay vận tải to kềnh. Chỉ riêng một đợt tập trận hồi tháng 3.2015 ở Bắc Cực của Nga đã huy động đến hơn 200 máy bay và 80.000 binh sĩ.
Đọ hàng trên không
Bộ trưởng Quốc phòng Nga, ông Sergei Shoigu, hồi đầu năm 2015 từng tuyên bố Nga chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ lợi ích của nước này tại Bắc Cực bằng vũ lực nếu cần thiết. RT dẫn tuyên bố của ông Shoigu: "Sự hiện diện quân sự thường trực ở Bắc Cực và bảo vệ lợi ích quốc gia bằng phương tiện quân sự được xác định là một phần của chính sách chung trong việc đảm bảo an ninh quốc gia. Rõ ràng Bắc Cực đang trở thành một trong những trung tâm của thế giới để sản xuất dầu khí và là một giao lộ quan trọng trong liên lạc giao thông". Rồi ông thòng thêm rằng một số nước giàu có chẳng dính líu gì tới Bắc Cực cũng đang lộ liễu tìm cách tiếp cận Bắc Cực cả trên phương diện chính trị lẫn quân sự.
Bay vút lên cao để tuần tra, phóng tầm mắt nhìn bao quát xuống để theo dõi mọi động tĩnh, đó là điều Nga thừa sức làm. Nhưng cuộc đua trên không dường như đang nghiêng về phía người Mỹ.
Theo Reuters, ngoài máy bay vận tải C- 130 và C-17, Mỹ đang "ém" sẵn ở Alaska những cỗ "radar bay" E-3 với những cặp mắt cú vọ có thể dò tìm, phát hiện máy bay đối phương trên một diện tích cực lớn. Tất nhiên, Mỹ không thích chỉ ngó máy bay đối phương cho vui. Ba phi đội bay lúc nào cũng sẵn sàng xuất kích từ Alaska, gồm 2 phi đội chiến đấu tàng hình mang cái tên đáng sợ F-22. Phi đội còn lại thuộc thế hệ cũ hơn nhưng chưa bao giờ kém hiệu quả: F-16.
Nhưng dường như bao nhiêu đó vẫn chưa đủ để người Mỹ an tâm. Mỹ đang có kế hoạch bổ sung thêm 2 phi đội tiêm kích mới toanh F-35 vào "bầu bạn" cùng F-16 tại căn cứ không quân Eielson ở Alaska, tăng quy mô đội bay ở đây lên ít nhất 30% nữa.
Hồi tháng 2 vừa qua, F-35 đã bay thử nghiệm vi vu ở Bắc Cực, chứng minh rằng nó vẫn sẵn sàng "tung chưởng" ngay cả khi đang lạnh run. Một trong số các phi công bay thử nghiệm F-35 là Billie Flynn khoe chiến tích: "Chúng tôi đẩy F-35 tới giới hạn cùng cực về môi trường, từ cái nóng 120 độ F tới - 40 độ F (49 độ C đến - 4,5 độ C) cũng như mọi điều kiện thời tiết ở giữa 2 thái cực đó".
Một cuộc tập trận của Hạm đội phương Bắc của Nga tại Biển Barents hồi tháng 8 vừa qua - Ảnh: AFPMột cuộc tập trận của Hạm đội phương Bắc của Nga tại Biển Barents hồi tháng 8 vừa qua - Ảnh: AFP
Ưu thế tít tắp trên không và sâu thẳm dưới mặt băng trắng xóa đang nghiêng về phía người Mỹ. Nhưng cuộc đua ngay sát những lớp băng dày cộp lại do người Nga chiếm ưu thế hoàn toàn. Và cả 2 vẫn cứ đang đua, ngày càng nhanh hơn, phòng khi dầu sôi lửa bỏng ở xứ sở đã từng ngàn năm lạnh giá và ngàn năm êm ả này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.