Cuộc chiến đòi quyền lợi tại 'gã khổng lồ' Amazon

30/03/2021 06:00 GMT+7

Viễn cảnh thành lập công đoàn lao động đầu tiên trong công ty Amazon của tỉ phú Jeff Bezos sẽ là khởi đầu lịch sử, giúp hàng ngàn công nhân đứng lên đòi quyền lợi chính đáng trước các nhà tuyển dụng.

Gần 6.000 công nhân tại nhà kho BHM1 của Amazon tại thành phố Bessemer, bang Alabama đã bỏ phiếu để thành lập công đoàn đầu tiên trong công ty nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Phiếu bầu được gửi qua đường bưu điện vì đại dịch Covid-19 và việc kiểm phiếu bắt đầu vào ngày 30.3. Công đoàn sẽ được thành lập nếu đa số công nhân bỏ phiếu đồng ý.

Nỗi khổ của người lao động

Amazon hiện đang là nhà tuyển dụng tư nhân lớn thứ hai ở Mỹ với số lượng nhân viên lên tới 800.000 người, chỉ sau Walmart. Nhân viên của Amazon thời gian qua đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình để bày tỏ sự thất vọng về điều kiện làm việc tại đây.

Nhân viên Amazon đóng gói các mặt hàng

AFP

Các nhân viên cho biết những chỉ số đánh giá năng lực “khắt khe, vô nhân đạo” của Amazon khiến công việc trở nên mệt mỏi, căng thẳng. Nếu công nhân không duy trì được tốc độ làm việc nhanh, họ thường bị khiển trách hoặc sa thải. Ông Perry Conelly, một công nhân tại nhà kho BHM1 cho biết công nhân thường không có thời gian để đi vệ sinh, nhất là vào những thời điểm có nhiều lô hàng lớn nhập kho.
Người lao động cũng hy vọng công đoàn có thể thỏa thuận cho họ một mức lương cao hơn. Trong khi Amazon đang hoạt động rất tốt trong thời kỳ đại dịch với lợi nhuận tăng 84% vào năm 2020 và tài sản cá nhân của tỉ phú Jeff Bezos tăng thêm khoảng 70 tỉ USD, thu nhập của công nhân tại nhà kho BHM1 lại bị giảm.
Theo trang The Verge, Amazon chi thêm cho công nhân mức phụ cấp làm việc trong môi trường độc hại 2 USD mỗi giờ vào thời điểm BHM1 mở cửa vào tháng 3.2020. Tuy nhiên đến tháng 6.2020, mức phụ cấp này bị cắt giảm, khiến mức lương mỗi giờ giảm xuống còn 15,3 USD.
“Nhiều người đang bàn tán về việc ông ấy (Jeff Bezos) nhận được hàng tỉ USD từ đại dịch nhưng nhân viên của ông ấy, những người đang thực sự đổ mồ hôi công sức cho ông ấy, lại không được nhận khoản tiền nào trong số đó”, ông Conelly cho biết. Bên cạnh đó, người lao động tại BHM1 cũng hy vọng công đoàn sẽ giúp cải thiện tình trạng phân biệt đối xử với công nhân da màu và gây sức ép để Amazon tạo ra một quy trình sa thải rõ ràng hơn.

Amazon nói gì?

Amazon bị cho là đã có những hành động nhằm cản trở người lao động thành lập công đoàn. Theo đó, công ty đã gửi tin nhắn cho người lao động để kêu gọi họ bỏ phiếu không. Họ chạy quảng cáo Facebook dẫn đến một trang web cảnh báo người lao động rằng họ sẽ phải trả phí nếu gia nhập công đoàn.
Ban quản lý còn treo băng rôn và biểu ngữ trên tường hoặc trong nhà vệ sinh với những nội dung: "Tiền lương của bạn sẽ đi đâu?" và "Công đoàn không thể, chúng tôi có thể!". Bên cạnh đó, Amazon còn thuê công ty bên ngoài để tư vấn cách dập tắt ý định thành lập công đoàn của người lao động. Theo The Verge, Amazon thường xuyên tổ chức những cuộc họp bắt buộc tại BHM1.
Phát ngôn viên Heather Knox của Amazon nói rằng đây là những buổi trao đổi thông tin thường xuyên với nhân viên, tại đó nhân viên có cơ hội để đặt câu hỏi. Tuy nhiên, ông Connelly cho biết đó thực ra chỉ là hình thức nhằm dập tắt ý định thành lập công đoàn.
Về việc đánh giá năng suất, bà Knox nói rằng Amazon đánh giá năng suất thực tế của nhân viên với mức kỳ vọng của công ty, giống những doanh nghiệp khác. Người phát ngôn cho hay việc đánh giá được thực hiện trong thời gian dài và công ty hỗ trợ những người không đáp ứng kỳ vọng bằng cách đào tạo thêm để họ cải thiện.
Mặt khác, về những phàn nàn về điều kiện làm việc, bà Knox khẳng định người lao động được phép đi ăn nhẹ, uống nước hoặc đi vệ sinh bất cứ khi nào cần. Tuy nhiên, bà không trả lời rõ về những khiếu nại của người lao động rằng họ bị phạt khi làm những điều đó.

Amazon của tỉ phú Bezos hiện đang là nhà tuyển dụng tư nhân lớn thứ hai ở Mỹ

Reuters

Hiệu ứng lan tỏa

Đây được cho là chiến dịch vận động mạnh mẽ nhất của người lao động của Amazon từ sau nỗ lực tương tự nhưng bị thất bại hồi năm 2014 tại cơ sở của công ty ở bang Delaware. Nỗ lực lần này nếu thành công cũng sẽ là biểu tượng để người lao động tại các cơ sở khác của Amazon đứng lên đòi quyền lợi chính đáng.
Tác động của việc này không chỉ thay đổi điều kiện làm việc của hàng ngàn công nhân Amazon mà còn có thể tạo nên sự thay đổi lớn hơn trong ngành công nghiệp hậu cần. Với những công ty có quy mô nhỏ hơn, họ sẽ tham chiếu mức lương và điều kiện làm việc dựa trên những công ty lớn như Amazon. Cụ thể, vào năm 2018 khi Amazon tăng mức lương tối thiểu lên thành 15 USD/giờ, các nhà tuyển dụng trong ngành cũng đã tăng tương tự.

Nhiều nhân viên của Amazon mong muốn cải thiện điều kiện làm việc

AFP

Vấn đề này đã thu hút sự quan tâm của giới chính trị gia hàng đầu. Tổng thống Joe Biden hồi tháng 2 đăng một video bảo vệ quyền thành lập công đoàn của người lao động. Nhiều chính trị gia, người nổi tiếng đã đến thăm BHM1 để bày tỏ sự ủng hộ, trong đó có thượng nghị sĩ Bernie Sanders hay nhà hoạt động, ca sĩ nhạc rap Killer Mike.
Nếu công đoàn thắng, cuộc chiến sẽ chưa dừng lại vì các công ty thường sẽ có thái độ cứng rắn trong việc đàm phán và tìm cách gây sức ép để công đoàn bỏ cuộc, giáo sư nghiên cứu về lao động và quan hệ tuyển dụng Janice Fine tại Đại học Rutgers phân tích.
Nếu không thành lập được công đoàn, đó vẫn không hẳn là thất bại đối với người lao động tại BHM1 vì họ đã mang lại sức ảnh hưởng nhất định, lan tỏa đến người lao động tại các cơ sở khác của Amazon. “Việc nhân viên BHM1 đi đến đây đã là một chiến thắng khi mà họ phải chịu yếu thế trước luật lao động Mỹ và quyền lực của Amazon”, bà Fine nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.