Là một người yêu động vật, đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee từng tham gia giải cứu hoặc hỗ trợ tìm người nhận nuôi hơn 100 con vật bị bỏ rơi. Bà và chồng - Tổng thống Yoon Suk Yeol đang sống cùng 4 con chó và 3 con mèo - 5 trong số này là những con được giải cứu.
“Tôi tin rằng văn hóa phổ quát không ăn thịt chó cần được xây dựng ở Hàn Quốc như ở các quốc gia phát triển khác. Nếu không, việc này có thể dẫn đến cảm xúc chống Hàn”, bà Kim nói trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với tư cách đệ nhất phu nhân, đăng trên báo Seoul Shinmun ngày 13.6.
Bà cảnh báo về việc những con chó để giết thịt được nuôi trong điều kiện mất vệ sinh và kêu gọi chính phủ giúp những người buôn bán chó chuyển đổi công việc để xóa sổ ngành này.
'Cuộc chiến về ăn thịt chó' lại nóng lên ở Hàn Quốc |
Vấn đề nhạy cảm
Ăn hay không ăn thịt chó là chủ đề gây tranh cãi ở Hàn Quốc, nơi các nhà lập pháp đã nhiều lần thất bại trong việc thông qua luật cấm “thói quen lạc hậu”. Không có số liệu chính thức nhưng một báo cáo của các nhóm bảo vệ động vật năm 2017 ước tính rằng có tới 1 triệu con chó bị giết thịt mỗi năm tại Hàn Quốc.
Những người yêu thích món bosintang (nghĩa đen là “canh bồi bổ sức khỏe”), loại canh nóng cay có thành phần chính là thịt chó, tin vào lợi ích dinh dưỡng của loại thịt này. Thói quen ăn bosintang vào những ngày nóng nhất của mùa hè để “giải nhiệt” đã tồn tại trong nhiều thế kỷ.
Nhiều người dân Hàn Quốc cũng đã lên tiếng phản đối việc ăn thịt chó |
Reuters |
Việc ăn bosintang không còn phổ biến trong những năm gần đây do nhận thức về quyền động vật gia tăng và số người nuôi thú cưng cũng nhiều hơn. Khoảng 15 triệu người ở Hàn Quốc sở hữu thú cưng, xu hướng được thúc đẩy bởi số lượng người độc thân ngày càng tăng trong khi tỷ lệ sinh ngày càng giảm, theo báo Straits Times.
Cựu Tổng thống Moon Jae-in và cựu ứng viên tổng thống Lee Jae-myung là những chính trị gia cao cấp nhất từng đặt vấn đề cấm tiêu thụ thịt chó, nhưng công chúng không đồng thuận về việc thông qua một lệnh cấm như vậy.
Luật còn lỏng lẻo ?
Cũng trong cuộc phỏng vấn, đệ nhất phu nhân Kim cho rằng luật chống ngược đãi động vật của Hàn Quốc là “yếu nhất” trong các nước phát triển. Luật tại Hàn Quốc cấm “giết hại dã man” chó và loài vật cũng không được xếp vào nhóm vật nuôi dùng để giết thịt, nhưng không có quy định rõ ràng nào cấm ăn thịt chó.
Các nhóm bảo vệ quyền động vật ước tính Hàn Quốc có khoảng 2.000 - 3.000 trang trại nuôi chó để giết thịt. Việc thịt chó được đưa đến bàn ăn như thế nào cũng thường là bí mật, dù các nhà hoạt động cho rằng chúng bị giết mổ bất hợp pháp.
Luật cũng quy định người ngược đãi động vật sẽ bị phạt tù tối đa 3 năm hoặc bị phạt tiền 30 triệu won (hơn 500 triệu đồng). Quy định này tương đối mạnh so với các tiêu chuẩn quốc tế, nhưng mức phạt tối đa chưa bao giờ được áp dụng, theo báo The Korea Times.
Những năm qua, nhiều lò giết mổ và chợ thịt chó lớn nhất Hàn Quốc đã đóng cửa do nhu cầu giảm, chỉ còn chợ Chilseong ở TP.Daegu. Thịt chó vẫn được bán ở các chợ truyền thống trên cả nước, dù số lượng cũng đã giảm dần. Dữ liệu từ Liên đoàn Công nghiệp thực phẩm và đồ uống Hàn Quốc cho thấy có 243 nhà hàng bosintang ở Seoul vào tháng 1.2021 - giảm so với con số 528 vào năm 2005.
Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc đầu năm nay đã mở cuộc điều tra về cách thức chó bị giết mổ và phân phối. Bộ trưởng Jeong Hwang-geun cho rằng Hàn Quốc nên “tiến tới cấm tiêu thụ thịt chó”, nhưng cũng lưu ý “xung đột lâu dài trong xã hội” về vấn đề này.
Một nhóm chuyên trách nghiên cứu việc tiêu thụ thịt chó tại Hàn Quốc đã được gia hạn hoạt động thêm hai tháng từ đầu tháng 5, để tiếp tục thảo luận về chủ đề nhạy cảm, theo báo The Korea Herald.
Dư luận xã hội
Một khảo sát của hãng thăm dò R&Search tại Hàn Quốc năm 2021 cho thấy chỉ có 36,3% số người được hỏi ủng hộ việc cấm tiêu thụ thịt chó, trong khi 27,5% không đồng ý và 36,1% nói “không biết”. Theo một khảo sát khác của hãng Realmeter năm ngoái, 70% người được hỏi cho rằng việc ăn thịt chó hay không nên để cá nhân quyết định.
Bình luận (0)