Hai điểm nóng
Vài tuần sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden gây hoang mang về chính sách “mơ hồ chiến lược” đối với Đài Loan, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã gửi đi thông điệp cứng rắn và không hề mơ hồ. “Để tôi nói rõ điều này: Nếu có ai dám tách Đài Loan khỏi Trung Quốc, chúng tôi sẽ không ngần ngại chiến đấu. Chúng tôi sẽ chiến đấu bằng mọi giá và chúng tôi sẽ chiến đấu đến cùng. Đây là lựa chọn duy nhất đối với Trung Quốc”, The Straits Times dẫn lời ông Ngụy phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 12.6.
Tàu khu trục Kidd và tàu tuần duyên Munro của Mỹ di chuyển qua eo biển Đài Loan hôm 27.4 |
Reuters |
Một ngày trước đó cũng tại sự kiện, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cáo buộc Trung Quốc tiến hành các hoạt động quân sự “khiêu khích, gây mất ổn định” xung quanh Đài Loan, đồng thời báo hiệu rằng chính quyền Biden sẽ tiếp tục hỗ trợ hòn đảo, bao gồm trang thiết bị quân sự, theo The Guardian.
Cuộc khẩu chiến diễn ra giữa lúc căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan với việc Trung Quốc điều số lượng máy bay kỷ lục đi vào vùng nhận diện phòng không của hòn đảo mà họ luôn coi là một phần lãnh thổ. Cùng lúc, tàu chiến Mỹ liên tục đi qua eo biển mà Washington xem là vùng biển quốc tế trong khi Bắc Kinh bác bỏ quan điểm này. Ngay trước thềm Đối thoại Shangri-La, Mỹ phê duyệt việc bán trang thiết bị hải quân trị giá 120 triệu USD cho Đài Loan.
Xa hơn về phía bắc Đài Loan, bán đảo Triều Tiên cũng đã nóng lên. Tính từ đầu năm đến nay, CHDCND Triều Tiên đã phóng 31 tên lửa trong 18 vụ thử nghiệm vũ khí, và được cảnh báo là đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017, theo Mỹ và Hàn Quốc. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuyên bố sẽ tăng cường sức mạnh quân sự để chuẩn bị cho những cuộc đối đầu trực diện. Mỹ đã thúc đẩy lệnh cấm vận mới với Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an LHQ, song Nga và Trung Quốc đã ngăn chặn bằng quyền phủ quyết - lần đầu tiên một nghị quyết như vậy bị phủ quyết kể từ năm 2006. Cùng lúc, Hàn Quốc và Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng cường năng lực quốc phòng để đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên.
Cạnh tranh Mỹ - Trung
Căng thẳng ở hai trong số những điểm nóng hàng đầu châu Á đã trở thành tâm điểm trong mối quan hệ chưa có dấu hiệu cải thiện giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong cuộc gặp tại Luxembourg ngày 13.6, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc Dương Khiết Trì nhất trí rằng hai bên cần “quản lý xung đột tốt hơn”, dù tiếp tục cho thấy sự đối lập trong quan điểm về Đài Loan và Triều Tiên.
Đài Loan phản bác Trung Quốc
Đài Loan ngày 14.6 lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc rằng eo biển Đài Loan không phải là vùng biển quốc tế. Bà Âu Giang An, người phát ngôn cơ quan đối ngoại của hòn đảo, cho rằng những phát biểu như vậy là “ngụy biện”. Reuters dẫn lời bà Âu nói thêm các vùng biển bên ngoài lãnh hải được quản lý bởi nguyên tắc “tự do biển cả” trong luật quốc tế.
Ông Sullivan cho biết lập trường của Mỹ trong vấn đề Đài Loan là “đảm bảo rằng không có những thay đổi đơn phương đối với hiện trạng”, trong khi ông Dương khẳng định quan điểm của Bắc Kinh về “chủ quyền quốc gia và quyền lãnh thổ”. Ngay trước cuộc gặp này, hai bên đã tranh cãi về tư cách “vùng biển quốc tế” của eo biển Đài Loan.
Lãnh đạo Đài Loan nói sẵn sàng đối thoại với Trung Quốc |
Theo Bloomberg, các quan chức quốc phòng của Bắc Kinh những tháng qua đã liên tục khẳng định eo biển Đài Loan thuộc lãnh hải của Trung Quốc trong các cuộc gặp với phía đồng cấp Mỹ. Cho đến gần đây, Trung Quốc chỉ tuyên bố eo biển Đài Loan thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Lập trường mới đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhắc lại ngày 13.6. Theo giới quan sát, những tuyên bố như vậy có thể khiến căng thẳng tại eo biển gia tăng vì Mỹ cho rằng eo biển Đài Loan là vùng biển quốc tế và tàu chiến Mỹ có quyền tự do hàng hải tại khu vực.
Đối với vấn đề Triều Tiên, Mỹ đã bày tỏ quan ngại với Trung Quốc về quyết định của nước này tại Hội đồng Bảo an, nhưng vẫn khẳng định đây là lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác. Trong khi đó, các chuyên gia tin rằng Bắc Kinh có thể xem Bình Nhưỡng là lợi thế để thách thức quan điểm của Washington trong nhiều vấn đề khác.
Cũng như Triều Tiên, Trung Quốc phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực. Bắc Kinh gần như hoàn toàn giữ im lặng trước các vụ thử tên lửa liên tục của Bình Nhưỡng năm nay và cho rằng việc không trừng phạt Triều Tiên sẽ giúp ngăn chặn vụ thử hạt nhân tiếp theo. Sự ủng hộ công khai như vậy đã khiến Triều Tiên xích lại gần Trung Quốc cũng như Nga. Các chuyên gia tin rằng bất đồng giữa các cường quốc ở sân khấu quốc tế có thể khiến Bình Nhưỡng cảm thấy tự tin tiếp tục các hành động mà Mỹ và đồng minh cho là “khiêu khích”.
Bình luận (0)