'Cuộc chơi' giá gạo trong tay người bán

Chí Nhân
Chí Nhân
24/07/2023 06:35 GMT+7

Ngày 20.7, Ấn Độ chính thức cấm xuất khẩu gạo, những ngày sau đó thị trường gạo châu Á dừng giao dịch để "tiêu hóa" lệnh cấm. Các hãng thông tấn lớn dự báo giá gạo sẽ tăng thêm tới 100 USD/tấn hay giá gạo 5% tấm lên tới 600 USD/tấn.

Thị trường gạo thế giới sắp tới diễn biến ra sao đang là chủ đề nóng với nhiều ý kiến khác nhau.

Trả lời PV Báo Thanh Niên, bà Phan Mai Hương, đồng sáng lập Công ty SSResource Media Pte.Ltd (Singapore), đơn vị xuất bản trang tin SSRicenews.com chuyên cung cấp thông tin và phân tích thị trường lúa gạo thế giới, cho biết: "Gạo 5% tấm giá 600 USD/tấn đã không còn là dự báo mà là giá một vài doanh nghiệp của VN và cả Thái Lan miễn cưỡng chào. Bây giờ lấy được chào giá từ phía người bán cũng là điều khó khăn. Cán cân thị trường đang nghiêng hẳn về phía người bán, do họ quyết định".

'Cuộc chơi' giá gạo trong tay người bán - Ảnh 1.

ĐBSCL lúc nào cũng có lúa đang thu hoạch là điều kiện tốt để tận dụng cơ hội xuất khẩu

CÔNG HÂN

Đã đoán trước nhưng vẫn bất ngờ

Theo bà Hương, ngay từ đầu năm nay, các chuyên gia thị trường đã ước đoán việc Ấn Độ sẽ cấm xuất khẩu gạo; tuy nhiên điều này sẽ xảy ra vào giai đoạn cuối năm chứ không phải thời điểm hiện tại. Thông tin mà đơn vị này thu thập được, năm 2022 Ấn Độ xuất khẩu 21 triệu tấn gạo. Do sản lượng thiếu hụt, ước tính nếu không có lệnh cấm thì trong năm 2023 sản lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ cũng chỉ đạt khoảng 17 - 18 triệu tấn, giảm khoảng 4 triệu tấn so với năm 2022. 

Việc Ấn Độ cấm xuất khẩu sớm hơn dự báo chủ yếu do hiện tượng EL Nino làm cho thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng đến sản xuất lương thực; bên cạnh đó lạm phát ở mức cao và liên tục tăng cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến quyết định này. Ấn Độ có chính sách hỗ trợ người nghèo 5 kg gạo/tháng. Gần đây, có một trong số 19 bang của nước này thay vì phát gạo đã chuyển sang phát tiền. Đây là một trong những tín hiệu về lệnh cấm xuất khẩu gạo. Nó đến từ trước khi thông tin cấm xuất khẩu gạo bị rò rỉ cho Bloomberg. 

Khi Bloomberg đưa tin, các doanh nghiệp lớn của Ấn Độ đã ráo riết mở LC dù không có đơn hàng. Họ muốn tranh thủ khi lệnh cấm ban hành giá sẽ tăng thì vẫn có thể xuất hàng. Đây là bài học kinh nghiệm từ lệnh hạn chế xuất khẩu gạo được đưa ra từ ngày 9.9.2022 (cấm xuất khẩu gạo tấm và áp thuế 20% với các loại gạo non-basmati).

VN và Thái Lan bổ sung không quá 2 triệu tấn gạo

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) mới điều chỉnh sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022/2023 từ 512 triệu tấn xuống còn 508 triệu tấn. Trong khi đó, Reuters cho biết một số nhà phân tích dự báo sản lượng chỉ còn khoảng 500 triệu tấn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt đe dọa năng suất cây trồng ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan. Sản lượng gạo của Ấn Độ giảm 6% xuống còn 105 triệu tấn thậm chí là chỉ khoảng 100 triệu tấn. Còn Trung Quốc, nước tiêu thụ ngũ cốc lớn nhất, sản lượng gạo có thể giảm 2,9% so với một năm trước xuống còn 206 triệu tấn.

Cả VN và Thái Lan không thể bổ sung "khoảng trống" mà Ấn Độ để lại quá 2 triệu tấn do nguồn cung đã tới hạn. Trong khi đó, Pakistan ít có khả năng tận dụng cơ hội này vì vẫn còn bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nghiêm trọng tàn phá mùa màng, sản lượng có thể giảm 18% xuống còn 7,4 triệu tấn. Các nhà sản xuất châu Á khác như Trung Quốc, Bangladesh và Philippines đều bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết bất lợi, bao gồm hạn hán, lũ lụt, bão…

Bà Hương nhận định: Ngay cả nếu không có lệnh cấm, riêng nguồn cung từ Ấn Độ đã thiếu hụt đến 4 triệu tấn gạo, một con số rất lớn. Đó là lý do vì sao từ tháng 9.2022 đến nay giá gạo liên tục tăng và đạt mức cao nhất một thập niên qua. Nay nguồn cung với số lượng chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu bị cắt đứt hoàn toàn. Lệnh cấm sẽ ảnh hưởng lớn, tác động sâu rộng đến thị trường trong thời gian tới. Nguồn cung gạo chính cho thế giới hiện chỉ còn Thái Lan và VN, Pakistan năm ngoái bị lũ lụt lịch sử mới quay lại xuất khẩu gần đây sản lượng không đáng kể. Chính vì vậy, vấn đề sắp tới trên thị trường gạo không phải là giá bao nhiêu mà là nguồn cung như thế nào.

Sợ loạn giá gạo sau khi Ấn Độ ngừng xuất khẩu

"Tôi đã trao đổi với một số thương nhân ở VN và cả Thái Lan, không ai muốn chào giá cả. Họ đang dò xét phản ứng từ thị trường. Một số ít miễn cưỡng chào giá gạo 5% tấm lên tới

600 USD/tấn. Tại Thái Lan, các nhà xay xát tạm ngưng giao dịch với nhà xuất khẩu nên họ cũng không có sản phẩm để chào. Còn tại VN, thông lệ làm việc là các doanh nghiệp chào giá rồi ký hợp đồng song mới thu mua và giao hàng. Hiện các doanh nghiệp Việt không dám chào vì lo sợ giá tiếp tục tăng sẽ lỗ vốn. Đối với các doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước rồi thì bây giờ lâm vào cảnh hết sức khó khăn", bà Hương cho biết.

'Cuộc chơi' giá gạo trong tay người bán - Ảnh 3.

Giá gạo nội địa tăng 500 - 600 đồng/kg

Khảo sát thị trường gạo tại TP.HCM thời điểm này có nhiều biến động về giá. Ông Lợi, chủ vựa gạo Yến Phượng tại chợ gạo Trần Chánh Chiếu (Q.5), cho biết: Mấy ngày gần đây giá gạo có tăng khoảng 500 - 600 đồng/kg, tùy loại. Giá bắt đầu nhích nhẹ dần từ cuối năm ngoái đến nay với tổng mức tăng gần 2.000 đồng/kg, các loại gạo thông dụng từ 11.000 - 12.000 đồng/kg nay lên 13.000 - 14.000 đồng/kg. Còn các loại gạo thơm, chất lượng cao tăng bình quân hơn 1.000 đồng/kg. Riêng các loại gạo đặc sản ST giảm khoảng 1.000 đồng/kg. "Thị trường yếu, bán chậm lắm. Giá tăng nhưng nguồn cung không thiếu, mình muốn nhập bao nhiêu các doanh nghiệp ở miền Tây cũng có", ông Lợi nói. Nhiều chủ vựa ở chợ này và một số chợ truyền thống khác cũng khẳng định giá gạo nửa năm qua nhích nhẹ và gần đây có tăng nhiều hơn theo giá gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, nguồn cung luôn đảm bảo và thị trường sức mua yếu.

Ông Trần Vũ Khánh, Giám đốc Công ty Hiệp Quang ở TP.HCM, cho biết: Đây là cơ hội tốt cho hạt gạo VN. Tuy nhiên, giá sẽ tăng đến mức nào là điều rất khó nói trước vì một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất thế giới là Trung Quốc không mấy mặn mà vì giá gạo đang ở mức rất cao. Họ có kho dự trữ lớn nên khả năng sẽ không mua với bất cứ giá nào. Ngoài Trung Quốc thì các nước châu Á khác và châu Phi vẫn có nhu cầu rất lớn. "Giá gạo sẽ ở mức cao, có lợi cho các nhà xuất khẩu đến khi nào Ấn Độ có chính sách mới về xuất khẩu gạo", ông Khánh nói.

Ở tại vựa lúa ĐBSCL, ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang), cho biết: So với trước khi có lệnh cấm của Ấn Độ, giá gạo ở miền Tây phổ biến đã tăng thêm 30 USD/tấn. Gạo 5% tấm đạt mức từ 540 - 550 USD/tấn còn các loại gạo thơm, chất lượng cao tăng nhẹ hơn chỉ khoảng 20 USD/tấn. 

"Mức giá 600 USD/tấn với gạo 5% tấm là có khả năng xảy ra. Các loại gạo thông dụng sẽ tăng mạnh vì nhu cầu thế giới hiện chủ yếu ở phân khúc này. Tuy nhiên, hiện tại phân khúc thị trường này sản lượng của VN rất ít vì diện tích gieo trồng chỉ khoảng 4 - 5%. Nhưng do không có nguồn nào khác, buộc khách hàng phải lựa chọn mua gạo ở phân khúc cao hơn, đây là vấn đề thị trường bình thường chúng ta không cần quá lo", ông Đôn nói.

Việt Nam có thể hưởng lợi từ giá gạo tăng?

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nói: Năm nay lúa được mùa được giá nên bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất trên toàn bộ diện tích và sản lượng ước tính trên 43 triệu tấn. Sản lượng này đảm bảo cho tiêu dùng nội địa và xuất khẩu ít nhất 6,5 triệu tấn gạo. VN có lợi thế lớn là các giống lúa ngắn ngày, sản lượng cao và sản xuất được nhiều vụ trong năm nên gần như lúc nào trên đồng cũng có lúa đang thu hoạch. Bối cảnh hiện tại là cơ hội tốt cho hạt gạo VN, tăng thêm giá trị xuất khẩu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.