Cuộc di tản khổng lồ

28/09/2022 06:47 GMT+7

Các tỉnh, thành trong vùng ảnh hưởng bão Noru đã tự đặt ra thời hạn chót để di chuyển người dân vùng xung yếu đến nơi trú ẩn an toàn, tạo nên một cuộc di tản 'khổng lồ' và cấp tập trong hôm qua 27.9.

Tại cuộc họp trực tuyến ứng phó bão Noru (bão số 4) diễn ra chiều 27.9, các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định công bố đã sơ tán hơn 81.000 hộ/hơn 253.000 người, tính đến 17 giờ chiều cùng ngày.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng, dân quân... giúp người dân H.Phù Mỹ, Bình Định chống bão

HOÀNG TRỌNG

Tay xách nách mang

Từ 7 giờ sáng qua, các địa phương ven biển và vùng xung yếu ở Quảng Nam - nơi có số hộ di tản đông nhất trong khu vực - đã đồng loạt huy động phương tiện đưa đón người dân. Rất nhiều người “tay xách nách mang” tập trung tại các khu nhà văn hóa để được đưa lên xe buýt đi. Lực lượng công an, quân sự, dân quân, biên phòng được huy động tối đa để hỗ trợ các gia đình. Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết chính quyền cấp tỉnh yêu cầu phải đảm bảo các điều kiện thiết yếu như lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân ở khu tập trung. “Nhiều khả năng đây là cuộc di tản lớn nhất lịch sử trên địa bàn tỉnh”, ông Bửu nói.

Bão số 4 (bão Noru) đã sang Lào, suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Nhiều khách sạn mở cửa miễn phí

Tại TP.Đà Nẵng, nhiều khách sạn như Sea Phoenix (đường Hồ Xuân Hương, Q.Ngũ Hành Sơn), Santori (đường Trần Hưng Đạo), Rice’s House (đường Dương Đình Nghệ, Q.Sơn Trà) đã mở cửa miễn phí để đón người dân, sinh viên, du khách tránh bão. Các nhà hàng Riêu Việt (đường Chương Dương, Q.Ngũ Hành Sơn), Chill Biển (đường Nguyễn Tất Thành, Q.Thanh Khê), Louis (65 Ngô Thì Nhậm, Q.Liên Chiểu), 26 Hải Phòng (Q.Hải Châu)... cũng cải tạo phòng ốc thành nơi lưu trú đón người lao động, công nhân không kịp về quê đến trú tránh.

Tại Quảng Nam, trong ngày 27.9, Khu nghỉ dưỡng Hoiana đã đón 200 người dân xã Duy Hải (H.Duy Xuyên) và bố trí chỗ ăn ở miễn phí. Đơn vị này đã chuẩn bị gần 100 phòng.

Nguyễn Tú

Xe lăn bánh nhưng bà Kiều Thị Khương (65 tuổi, ở thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh, TP.Tam Kỳ, Quảng Nam) vẫn chưa hết lo. Chồng mất sớm, con cái đi làm ăn xa nên khi có bão lớn, bà lo chằng chống nhà cửa rồi mới sơ tán. “Nhà tôi nằm sát biển. Nghe thông báo thì đây là một cơn bão rất lớn nên giờ mình ngồi lên xe nhưng lòng vẫn bất an, lo lắng vì với sức gió mạnh thế này thì có cầm cự nổi không?”, bà Khương nói.

Bà Nguyễn Thị Lan (66 tuổi, ở thôn Tỉnh Thủy, cùng xã Tam Thanh) cũng có nhà sát biển, lại chưa chằng chống xong, nên khi dọn đến trú tạm tại ký túc xá Trường cao đẳng y tế Quảng Nam thì vững tâm hẳn. “Đỡ lo, thoải mái về thức ăn, nước uống và được cán bộ quan tâm rất nhiều. Đây cũng là lần đầu tiên tôi ở tập thể như thế này”, bà Lan chia sẻ.

Tại TP.Tam Kỳ, từ ngày 26.9 địa phương đã sơ tán xen ghép hơn 1.750 hộ với hơn 5.000 người. Sáng qua 27.9, địa phương tiếp tục sơ tán hơn 1.600 người dân xã biển Tam Thanh đến trụ sở các cơ quan biên phòng, trường học, ký túc xá. Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, cho hay đợt bão lớn nào cũng phải di dời dân các xã ven biển. “Phải nói đợt này quy mô di tản rất lớn, có thể nói là “khổng lồ”, bởi lo ngại trước sức tàn phá rất nguy hiểm của cơn bão Noru”, ông Ảnh nói.

Ở vùng đông Quảng Nam, hơn 2.000 người dân xã Duy Hải (H.Duy Xuyên) cũng buộc phải di tản và hoàn tất cuộc “chạy” bão trước 9 giờ sáng qua 27.9. Ông Nguyễn Văn Thống, Chủ tịch UBND xã Duy Hải, cho hay Duy Hải nằm trong vùng giải tỏa dự án khu du lịch, nhiều năm qua bà con không được sửa sang nhà cửa nên xuống cấp nặng nề. Ông thừa nhận đây là cuộc di tản “khổng lồ” của địa phương trong vòng 20 năm trở lại đây.

Miền Trung nguy cơ lũ lụt, sạt lở vì mưa cực lớn sau bão Noru

Gõ cửa từng nhà đi tránh bão

Ở TP.Đà Nẵng, hàng chục ngàn người dân ở vùng xung yếu, trên các ghe thuyền đến nơi trú ẩn an toàn cũng được di tản đúng tiến độ. Từ 14 giờ ngày 27.9, ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND P.Nại Hiên Đông (Q.Sơn Trà), dẫn đầu đoàn công tác đi đến tận các tàu cá đang neo đậu ngoài âu thuyền, xem còn ngư dân nào hay không để vận động lập tức lên bờ. Chính quyền P.Nại Hiên Đông cũng gõ cửa từng nhà vận động người dân di chuyển đến Trường THCS Phạm Ngọc Thạch gần đấy để tránh bão.

Bà Lê Thị Điệp (62 tuổi, trú tổ 4, P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà) có nhà cách trường học chừng 1 km nên di tản sớm. Vợ chồng bà chỉ mang theo một số vật dụng cá nhân, bởi chính quyền địa phương thông báo đã chuẩn bị chỗ ăn ở trong suốt thời gian lánh nạn. “Tính mạng con người là quan trọng nhất. Được chính quyền kêu gọi, vợ chồng tôi “khăn gói lên đường” đúng ngày, đúng giờ. Ở đây an toàn và được lo ăn uống, rất yên tâm”, bà Điệp nói.

Tương tự, nhóm 30 đồng bào Vân Kiều quê ở Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị đang làm công nhân tại một nhà máy chế biến thức ăn gia súc ở Q.Sơn Trà khi di tản đến điểm trường này cũng bất ngờ vì được bố trí chỗ ăn nghỉ đầy đủ. Chính quyền phường thiết lập sẵn 8 điểm tập trung như vậy, với đầy đủ thực phẩm, đồ dùng cá nhân để cung cấp cho người dân trong 2 ngày tránh trú bão.

Thống kê thiệt hại đầu tiên trong cơn bão Noru đổ bộ vào miền Trung
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.