“Bí kíp” nào để một vùng đất với nền kinh tế chủ yếu dựa vào than đá lại có sự bứt phá ngoạn mục là vấn đề nhiều người quan tâm, đặc biệt là trong giai đoạn khởi động chu kỳ kinh tế mới 2020 - 2025.
Từ hội nghị “lịch sử”
Chỉ trong một ngày nửa cuối tháng 11 vừa qua, Quảng Ninh cấp phép 9 dự án
đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 160 triệu USD, kỳ vọng tạo công ăn việc làm ổn định cho 4.000 lao động địa phương. Tỉnh này đang nỗ lực thu hút 2 tỉ USD vốn đầu tư từ nay đến cuối năm. Những con số hết sức ấn tượng trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang lan rộng ở nhiều nước trên thế giới.
Ít ai biết rằng rất nhiều nhà đầu tư lớn đang có mặt tại Quảng Ninh hiện nay cũng chính là những người đã có mặt tại cuộc xúc tiến đầu tư đầu tiên do tỉnh này tổ chức đầu năm 2012 với slogan “Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa”. Người Quảng Ninh vẫn coi đây là cuộc xúc tiến thương mại lịch sử, bởi đó là hoạt động đầu tiên của lãnh đạo tỉnh này sau khi Bộ Chính trị chính thức phê duyệt đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ "nâu sang xanh".
PGS-TS Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh thời điểm đó), nhớ lại năm 2011 khi ông xuống nhận nhiệm vụ ở Quảng Ninh là năm kinh tế Việt Nam cực kỳ khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới từ cuối năm 2008. Thu ngân sách của tỉnh thời đó 70% từ than, 20% từ sản xuất
kinh doanh và 10% từ đất, nên nói chuyển từ “nâu” sang “xanh” (từ khai khoáng sang phát triển du lịch, công nghiệp) không ai tin bởi ngành than đã ăn sâu trong tiềm thức, tư duy của người Quảng Ninh cả trăm năm. Để thay đổi là cực kỳ khó khăn.
Thế nhưng, lãnh đạo Quảng Ninh vẫn quyết tâm thực hiện bởi nhận diện ra 5 giá trị khác biệt của Quảng Ninh mà không tỉnh nào có được. Cũng vì thế, mục tiêu của hội nghị không chỉ là thu hút đầu tư mà còn nhằm thay đổi nhận thức về
phát triển kinh tế, không chỉ dựa vào than mà phải dựa vào yếu tố tự nhiên khác. Tính “lịch sử” chính là ở điểm này.
Ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, cho hay tỉnh đã mất 6 tháng chuẩn bị cho hội nghị xúc tiến đầu tư với cách làm hoàn toàn mới, dẫn dắt bằng những câu chuyện cụ thể; tập trung đánh giá các tiềm năng, cơ hội cũng như thách thức và đặc biệt là cam kết đồng hành với các nhà đầu tư của chính quyền tỉnh. “Khách mời dự kiến 400 người nhưng đã tăng lên cả ngàn người. Lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành đều có mặt để động viên chính quyền tỉnh trong công cuộc chuyển dịch cơ cấu kinh tế đầy niềm tin nhưng hết sức cam go phía trước”, ông cho biết.
Ngay sau hội thảo, rất nhiều nhà đầu tư đã nhận diện cơ hội và tìm đến Quảng Ninh như Texhong (Hồng Kông), Rent A Port (Vương quốc Bỉ), SE (Nhật Bản),
Vingroup, Sun Group...
Thế nhưng, sau hội nghị trên, ông Phạm Minh Chính “vẫn thấy chưa ổn”. Ông cho biết: “Trước đây Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) trực thuộc Sở Kế hoạch - Đầu tư, hồ sơ đi từ dưới lên, có “ém” 1 - 2 năm, thì “ông” giám đốc cũng không biết. Thế nên, chúng tôi quyết định giao một phó chủ tịch tỉnh kiêm Giám đốc trung tâm xúc tiến đầu tư. Nhà đầu tư đến là gặp thẳng “ông” giám đốc. Thay vì đi từ dưới lên thì với mô hình này, hồ sơ đi từ trên xuống nên việc chạy rất nhanh”.
Cùng với đó là xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng trung tâm dịch vụ hành chính công đầu tiên trên cả nước và quyết liệt cải cách hành chính. Những nỗ lực đó đã giúp Quảng Ninh 3 năm liên tiếp, từ 2017 đến 2019 soán “ngôi vương” của Đà Nẵng, dẫn đầu
bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Tới phương pháp quy hoạch “khác người”
Xác định công tác lập quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch chính là nền tảng cho chiến lược chuyển sang
tăng trưởng xanh, năm 2012, Quảng Ninh đã đề xuất và được T.Ư chấp thuận cho thuê các đơn vị tư vấn nước ngoài xây dựng quy hoạch gồm McKinsey, BCG (Mỹ), Nikken Sekkei, Nippon Koie (Nhật Bản)...
Thực ra trước đó,
Ninh Thuận cũng mời Monitor khu vực châu Á - Thái Bình Dương (chi nhánh tại Singapore) tư vấn lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thế nhưng, cách làm của Quảng Ninh lại hoàn toàn khác biệt. Không “khoán trắng” mọi việc cho tư vấn, tỉnh thành lập các tổ tư vấn giúp việc và trực tiếp làm việc với các đơn vị tư vấn nước ngoài.
“McKinsey có 7 người, chúng tôi đề nghị cho 7 người của mình cùng làm với họ, nhưng không nhận tiền công. Thế mạnh của họ là ý tưởng, tầm nhìn,
công nghệ... nhưng người mình mới hiểu rõ nhất nhu cầu, văn hóa của mình. Cũng giống như làm căn nhà, thiết kế đẹp nhưng không phù hợp với nhu cầu sử dụng thì cũng vô ích”, PGS-TS Phạm Minh Chính lý giải.
Cũng vì tham gia trực tiếp, rất nhiều hạng mục hạ tầng lớn của Quảng Ninh hiện nay xuất phát từ những cuộc tranh luận giữa tổ tư vấn trong nước và các nhà tư vấn nước ngoài. Đó là khi McKinsey cho rằng Quảng Ninh không nên làm sân bay vì đã có sân bay Cát Bi (Hải Phòng), sân bay Nội Bài (Hà Nội). Chủ tịch McKinsey đã đáp một chuyến chuyên cơ sang Việt Nam làm việc với ông Phạm Minh Chính. Cuộc tranh luận đó đến giờ này những người có mặt vẫn nhớ như in.
“Ông có thừa nhận xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chính của thời đại không?”, ông Chính đặt câu hỏi. “Đúng”, vị này thừa nhận.
“Nếu hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chính thì thương mại, dịch vụ, thăm thân, đầu tư phát triển không?”, ông Chính đặt câu hỏi và tiếp tục nhận được câu trả lời: “Đúng”.
“Ông đi khắp nơi trên thế giới, ông có công nhận với tôi là dù khó khăn đến mấy thì đời sống của nhân dân năm sau vẫn luôn khá hơn năm trước đúng không?”, ông Phạm Minh Chính lại hỏi và nhận được sự đồng tình: “Cơ bản là thế”.
Ông Chính chất vấn tiếp: “Đời sống khá hơn thì xu thế ăn chơi, ngủ nghỉ kết hợp với làm việc là xu thế lớn, đúng không?”. “Đúng”, Chủ tịch McKinsey đồng ý.
“Trong bối cảnh đó, cái người ta cần nhất tôi cho rằng chính là thời gian. Mà thời gian di chuyển nhanh nhất hiện nay là máy bay. Đầu tư một con đường cao tốc gần 60.000 tỉ đồng, chúng tôi chỉ kết nối được 3 trung tâm kinh tế là Hà Nội - Hải Phòng và Quảng Ninh. Nhưng chỉ cần có sân bay, Quảng Ninh sẽ kết nối được cả thế giới, mà tổng vốn chỉ khoảng hơn 7.500 tỉ đồng. Ông thấy bài toán hiệu quả hơn?”, ông Chính lại đặt vấn đề.
Sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam đã được đưa vào quy hoạch sau cuộc tranh luận đó.
Từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát, sân bay Vân Đồn đã gánh trách nhiệm quốc gia nặng nghĩa tình, đó là đón người Việt từ các vùng dịch về nước an toàn. Hiện tại, tuy chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Sân bay quốc tế Vân Đồn vẫn đang khai thác ổn định đường bay quốc nội Vân Đồn – TP.HCM, tiếp tục đón các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ các nước có dịch về nước và đưa đón chuyên gia, lao động chất lượng cao của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới đến Việt Nam làm việc. Đặc biệt, dù mới đi vào vận hành được gần 2 năm, sân bay Vân Đồn đã được đón nhận nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng. Đặc biệt, ngày 17/12/2020, Sân bay Vân Đồn đã được trao giải đặc biệt thế giới về thiết kế ngoại thất do Prix Versailles bình chọn. Sứ mệnh và những giải thưởng đó có lẽ là câu trả lời chính xác nhất về "tính hiệu quả" trong cuộc trao đổi của ông Chính và Chủ tịch McKinsey.
Hay cuộc “mặc cả” với liên doanh nhà thầu Prysmian - Thái Dương (Ý) về thời gian thực hiện kéo điện lưới ra đảo Cô Tô cũng giúp Quảng Ninh tiết kiệm một nguồn lực rất lớn cả về kinh tế lẫn ý nghĩa xã hội. Khi đó, nhà thầu Ý nói phải mất 2 năm mới có thể hoàn thành, nhưng lãnh đạo Quảng Ninh trả lời “chúng tôi chỉ có 10 tháng”. Hai bên tranh luận qua lại rất nhiều lần, nhà thầu Ý đành nhượng bộ, giảm xuống 1 năm, nhưng lãnh đạo Quảng Ninh vẫn “cò kè” và kết quả thống nhất là 11 tháng. Cuối cùng, công trình cán đích trước thời hạn vài ngày, chính thức thắp sáng huyện đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Đó là thời khắc lịch sử, mở ra một giai đoạn phát triển mới của Cô Tô và Vân Đồn sau đó.
Tháng 11 vừa qua, sân bay Vân Đồn đã được World Travel Awards trao danh hiệu “Sân bay khu vực hàng đầu thế giới 2020”; "Sân bay khu vực hàng đầu châu Á 2020" và "Sân bay có hệ thống phòng chờ thương gia hàng đầu châu Á 2020".
|
Bình luận (0)