17 giờ một ngày giữa tháng 1 khi chúng tôi có mặt tại công trường thi công tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (đoạn Vân Đồn - Tiên Yên) không khí vẫn đang hết sức khẩn trương. Những chiếc xe tải, xe lu, xe ben hối hả nối đuôi nhau vào ra liên tục. Hơn 300 lao động đang miệt mài để kịp tiến độ vào cuối năm 2021 bất chấp những cơn gió ngoài biển mang theo cái lạnh buốt da thịt. Hoàn thành dự án này, Quảng Ninh sẽ có tuyến cao tốc xuyên tỉnh dài gần 200 km, và sẽ là tỉnh có tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam. Mô hình hợp tác công tư đã giúp Quảng Ninh huy động hàng ngàn chục ngàn tỉ đồng vốn tư nhân vào làm sân bay, bến cảng, cao tốc... giúp tỉnh này đột phát kinh tế.
Tỉnh có tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam
Ông Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần đầu tư xây dựng cầu đường Tập đoàn Cienco 589, đang chỉ huy tại công trường, cho biết những tháng đầu năm mưa nhiều, từ tháng 10 trở đi thời tiết khô ráo nên đơn vị này đang đẩy hết tốc lực, làm liên tục 3 ca mỗi ngày. “Thuận lợi là công tác giải phóng mặt bằng ở Quảng Ninh rất tốt, địa phương còn giao mặt bằng trước thời hạn. Nhưng vẫn hết sức áp lực vì khối lượng công việc quá lớn; hệ thống công trình như thoát nước, hầm dân sinh rất nhiều... Tuy nhiên, bằng mọi giá thì cuối năm nay cũng phải hoàn thành theo đúng kế hoạch thôi”, ông Tùng nói.
Tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái dài hơn 80 km được chia thành 2 dự án đầu tư độc lập với vận tốc 120 km/giờ, trong đó đoạn Vân Đồn - Tiên Yên dài 16,8 km đầu tư bằng ngân sách của tỉnh và dự án BOT Tiên Yên - Móng Cái dài 63,26 km huy động vốn tư nhân. Đây là một trong 3 dự án hợp tác công tư trọng điểm của Quảng Ninh trong năm 2020 mà ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tự hào giới thiệu với chúng tôi. Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái hoàn thành sẽ mở ra cơ hội hợp tác, giao thương giữa tỉnh Quảng Ninh với vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, giữa các nước ASEAN với các nước Đông Bắc Á và thế giới thông qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Đây là “mảnh ghép” cuối cùng của tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái. Khi đó, Quảng Ninh sẽ có tuyến cao tốc xuyên tỉnh dài gần 200 km, và là tỉnh có tuyến đường cao tốc dài nhất Việt Nam do tỉnh làm bằng hình thức hợp tác công tư (khoảng 1/10 tổng số đường cao tốc toàn Việt Nam).
Dự án thứ 2 là cảng Vạn Ninh (Móng Cái) với tổng vốn đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng, trong đó tỉnh đảm nhận đường ra cảng, còn toàn bộ hạ tầng, logistic huy động vốn tư nhân. Hiện công tác giải phóng mặt bằng về cơ bản đã hoàn thành, doanh nghiệp cũng đã trình phương án đầu tư cho tỉnh. Cảng nước sâu Vạn Ninh được kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ giao thương quốc tế của tỉnh Quảng Ninh và ASEAN với Đông Bắc Á. Toàn bộ hàng hóa vào Đông Bắc Á và thế giới sẽ không chỉ đi bằng đường bộ như hiện nay, giúp giảm tai nạn, giảm chi phí và đặc biệt là giảm tình trạng bầm dập nông sản trong quá trình vận chuyển. Dự án thứ 3 là cảng Con Ong - Hòn Nét, cảng nằm giữa biển nhưng không có đường ra nên tiềm năng chưa được khai thác. Khi Quảng Ninh quyết định dùng vốn ngân sách của tỉnh làm cầu cảng khoảng hơn 2 km thì ngay lập tức có rất nhiều nhà đầu tư mong muốn tham gia. “2 cảng này sẽ thay đổi căn bản cục diện kinh tế và dịch vụ cảng biển của tỉnh những năm tới, để Quảng Ninh thật sự trở thành trung tâm kinh tế biển. Đây là 3 công trình chiến lược minh chứng là hợp tác công tư ở Quảng Ninh không dừng lại. Cứ một đồng vốn mồi từ ngân sách, chúng tôi huy động được gần 8 - 9 đồng vốn ngoài ngân sách”, ông Ký nói.
|
Thực tế, năm 2020 là năm hết sức khó khăn với kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, do tác động của Covid-19, một số dự án thành phần thuộc tuyến Bắc - Nam buộc phải chuyển đổi sang đầu tư công vì không tìm được nhà đầu tư. Thế nhưng Quảng Ninh vẫn duy trì được “phong độ” trong gọi vốn tư vào các công trình hạ tầng lớn. Ông Nguyễn Xuân Ký lý giải, Quảng Ninh làm được điều này nhờ những ý tưởng và định hình quy hoạch chiến lược đã có từ những năm 2012 - 2013 và duy trì xuyên suốt tư duy, tầm nhìn “một tâm, 2 tuyến, đa chiều, 2 mũi đột phá” không thay đổi.
Hàng chục ngàn tỉ vốn tư nhân đổ vào hạ tầng
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, 200 km cao tốc xuyên tỉnh... thực hiện thành công nhờ mô hình hợp tác công tư tại Quảng Ninh đã khiến nhiều địa phương trên cả nước kinh ngạc. Ít ai biết từ những năm 2013 - 2014, khi tư vấn nước ngoài tính toán, để đầu tư các khu kinh tế, các công trình hạ tầng ở Quảng Ninh cần khoảng 2 tỉ USD, lãnh đạo Quảng Ninh thời đó thừa nhận “không ai nghĩ có thể làm được”. Ông Nguyễn Văn Thành, nguyên Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh, nhớ lại: “Anh Chính, Bí thư Quảng Ninh thời đó (ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức T.Ư - PV) rất trăn trở để tìm ra giải pháp hiệu quả. Muốn chuyển đổi kinh tế từ nâu sang xanh thì phải có nguồn lực. Nhưng nguồn lực ngân sách thì có hạn, vậy phải làm thế nào để thực hiện chiến lược chuyển đổi? Đó chính là lúc Quảng Ninh nghĩ đến mô hình hợp tác công tư. Lãnh đạo tỉnh và nhất là bí thư tỉnh lúc đó nói rõ quan điểm: Quảng Ninh phải tự lực tự cường, lấy nguồn lực bên trong là quyết định cơ bản chiến lược lâu dài, nguồn lực bên ngoài là quan trọng đột phá và đưa ra 3 mô hình hợp tác công tư gồm lãnh đạo công - quản trị tư; đầu tư tư - sử dụng công và đầu tư công- quản lý tư để thực hiện”. Xác định như vậy nhưng đi vào triển khai trên thực tế lại không đơn giản, đụng đâu cũng vướng. Thời điểm đó, chưa có quy định cho phép 1 dự án được tách ra làm 2 dự án thành phần; cũng chưa có cơ chế một dự án nhà nước làm một phần, tư nhân làm một phần... Vốn không, cơ chế bí bách nhưng thay vì bỏ cuộc, Quảng Ninh đã tiên phong trong cả nước đề xuất Chính phủ được tự huy động các nguồn vốn từ doanh nghiệp và người dân để xây dựng. Hàng loạt cuộc làm việc với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ vướng mắc đã được tiến hành. “Rất may là chúng tôi đến đâu cũng được ủng hộ”, ông Thành cho biết. Kết quả, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên được Chính phủ giao là cơ quan nhà nước có thẩm quyền về đầu tư và quản lý đường cao tốc và cảng hàng không theo hình thức PPP.
“Đồng chí Bí thư thời điểm đó đã xác định hợp tác công tư là rất cần thiết để huy động nguồn lực cho phát triển. Cũng nhờ mô hình này, Quảng Ninh mới có thể chuyển đổi được như ngày nay. Đặc biệt, nhiều cơ chế, chính sách mà Chính phủ cho phép thí điểm thực hiện ở Quảng Ninh sau đó mới được pháp lý hóa từng bước… Chỉ luật hóa thì mô hình hợp tác công tư mới có thể áp dụng nhân rộng được”, ông Thành nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký: “Những cái Quảng Ninh có được hôm nay là nhờ chiến lược quy hoạch và ý tưởng hợp tác công tư trước đó. Quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, có chất lượng tốt, các thế hệ tuân thủ tôn trọng và thực hiện đúng đã tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, xuyên suốt, giảm thiểu tối đa rủi ro chính sách. Bên cạnh đó là một chính quyền phục vụ, chính quyền liêm chính và giữ vững được năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Nhà đầu tư thấy được sự cam kết của chính quyền trong việc đồng hành, hỗ trợ với họ trong suốt quá trình hoạt động”.
|
Không gian phát triển: “Một tâm, 2 tuyến, đa chiều, 2 mũi đột phá”, trong đó tâm là TP.Hạ Long; tuyến phía tây xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới đồng bằng sông Hồng và thủ đô Hà Nội nhằm liên kết vùng ở cấp quốc gia; tuyến phía đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng Đông Bắc Á nhằm kết nối khu vực ở cấp quốc tế. Mũi đột phá là Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái.
(Báo cáo số 08 ngày 31.8.2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh trình Bộ Chính trị)
|
Bình luận (0)