Cuộc đời níu lại

18/12/2014 16:25 GMT+7

Nhiều năm đã qua nhưng tôi cứ nhớ mãi hình ảnh năm, sáu người đàn ông cùng gia đình khoác vai nhau trước tòa án TP HCM, trong một vụ tranh chấp tài sản thừa kế đã kéo rất dài qua nhiều cấp.

Nhiều năm đã qua nhưng tôi cứ nhớ mãi hình ảnh năm sáu người đàn ông cùng gia đình khoác vai nhau trước tòa án TP HCM, trong một vụ tranh chấp tài sản thừa kế đã kéo rất dài qua nhiều cấp.

Các bị cáo trong một phiên tòa liên quan đến đường dây buôn bán ma túy tại TP.HCM - Ảnh: Lê Nga
Có thể vì sự vụng về trong cách những người đã là đàn ông, là nông dân mà nông dân Việt Nam nữa-thói quen giấu kín cảm xúc được chèn chặt đến mấy tầng- họ bày tỏ tình cảm với nhau, mà lại bày tỏ ở nơi công cộng, và cái nơi công cộng rất oái oăm là tòa án. Sự ngượng nghịu nhưng chân tình trong cảnh tượng ấy khiến người ta phải mỉm cười mà rớm nước mắt.
Nghĩ đến tòa án, thường người ta chép miệng như cái lẽ nhất định "Vô phúc đáo tụng đình". Nhưng với tôi, tòa án không phải chỉ là nơi luật pháp lạnh lùng buộc tội và trừng phạt. Trên từng viên gạch của phòng xử án đều đẫm nước mắt và tầng tầng lớp lớp những câu chuyện nhân sinh.

Tôi sẽ nhớ mãi hình ảnh một bà mẹ nghèo ngồi ngoài hành lang chờ tòa xử đứa con trai can tội cướp. Khi đám trai trẻ được dẫn vào phòng xử, người mẹ ngồi một mình trên chiếc ghế dài bằng gỗ cũ kỹ, dáng gầy guộc trong tấm áo bà ba rất đỗi chất phác và hiền lành. Một dải nắng giữa chiều chiếu xiên từ khung cửa sổ rộng xuống chỗ bà ngồi, càng làm bật lên sự cô quạnh. Bà cúi đầu, lí nhí đáp lại tất cả những câu hỏi của tôi bằng từ "dạ". Tội nghiệp, người mẹ có đứa con lầm lỡ nên nghĩ rằng ai cũng khinh thường mình, ai cũng có quyền lớn tiếng với mình, và bà lễ phép một cách thái quá với tất cả như cố dùng cách ấy chuộc bớt tội lỗi của thằng con.

Khi lặng nhìn bà trong ánh nắng nhạt ấy, tôi vô cùng muốn mình có thể gói lại khoảnh khắc này để gửi cho con trai bà. Tôi nghĩ không người nào có thể cứng lòng trước dáng người mẹ già hắt hiu, cái dáng ngồi câm lặng mà vang lên muôn tiếng van xin buồn rầu và nhẫn nại, đôi vai mỏng manh như đã oằn xuống dưới gánh nặng cuộc đời mà vẫn kiên trì và lặng lẽ chịu đựng, ánh mắt mỏi mệt nhưng vẫn bao dung. Thằng con nhìn thấy mẹ nó như thế sẽ chỉ còn đủ sức lết lại quỳ dưới chân mẹ xin tha thứ mà thôi.

Tôi cũng sẽ không thể quên ánh mắt của những người thân trong phiên tòa xử một đám thanh niên khác. Dưới khán phòng ồn ào nhốn nháo bạn bè của chúng-những thanh niên mới lớn ở khu lao động, tóc nhuộm đủ màu nhưng vẫn không thể che giấu vẻ lộc ngộc và quê kệch. Chúng là một lứa sàn sàn nhau, cùng lớn lên, cùng bỏ học sớm để lăn lộn ra đời kiếm tiền phụ cha mẹ, và chiều chiều ưa tụ nhau lại đá banh. Một trận banh giữa hai xóm, tranh bóng quá hăng chân tay đụng nhau. Máu nóng, chúng đánh võ miệng rồi nhào vô tẩn nhau huỳnh huỵch. Ai ngờ đứa nọ đánh trúng chỗ hiểm đứa kia. Nó chết. Cả nhóm bị bắt, xích chung, lốc thốc kéo ra tòa hôm nay.

Gần như thanh niên của hai xóm đều nghỉ làm kéo đến xem phiên xử. Chẳng biết lúc đánh nhau trừng trợn thế nào nhưng giờ chúng đứng dàn hàng ngang bên hành lang, khi đám bạn được cảnh sát dẫn vào theo, chúng í ới kêu gọi, hú hí, nháy mắt, vẫy tay...  rộn cả lên, y như một đám con nít mừng gặp nhau sau ba tháng hè. Giải lao, chúng tới tấp mua bánh mì, bánh bao, nước mía, nước ngọt dúi vào tay các anh cảnh sát nhờ chuyển tới bạn. Rồi một đám bên này, một đám bên kia, cách nhau bằng không gian phòng xử án, bất chấp bạn bè đang đối mặt với án tù và ở một nơi nghiêm nghị như thế, chúng quýnh lên kiếm nhau nhưng không biết nói gì mà chỉ cười toe toét. Rồi hết đứa này đến đứa khác thay nhau đứng cạnh cái khung cửa nhỏ để được trông thấy bạn chúng đang ngồi chờ hội đồng xét xử nghị án.

Khi phiên xử kết thúc, người bị kết án bao giờ cũng quay đầu lại tìm vợ con, cha mẹ, gia đình hoặc chí ít là bạn bè. Trong phiên xử một quan chức cỡ lớn nọ vì tội tham nhũng, rất nhiều lần chi tiết ông lấy tiền bao bồ nhí được nêu lên chất vấn. Người vợ cũng đã nhiều tuổi, mệt mỏi và buồn rầu, ngồi như đóng đinh ở hàng ghế thân nhân. Tôi chắc sự đau lòng của người phụ nữ bị phản bội nhiều lần ở bà đã vượt ngưỡng từ rất lâu rồi, đã đóng băng và bà đã chấp nhận như cái giá của quyền lực và tiền tài. Nhưng đó là ở nơi nào kín đáo kia, chứ phơi bày lồ lộ trước thiên hạ thì sự tự trọng bị xay nghiền khủng khiếp quá. Thế nhưng trước khi ra khỏi phòng xử, tôi vẫn thấy ông quay đầu lại tìm vợ và vẫn thấy bà đáp lại ánh mắt  ông, theo ông ra đến tận xe tù và bịn rịn chia tay.

Trong cuộc đời, đôi khi chỉ vì thiếu may mắn mà một người bình thường trở thành kẻ phạm tội. Nhưng một lần phạm tội chưa thể biến người ta thành kẻ ác. Người ta chỉ trở thành quái vật khi ngoài đời không còn gì để thiết tha, như đôi cánh tay mũm mĩm của đứa con bập bẹ quàng lên cổ cha, dáng ngồi chờ đợi đơn côi của người mẹ già, ánh mắt buồn rầu nhưng tha thứ của người vợ... Và tôi thấy lẽ phải, đạo đức hay các triết lý sống... đều chỉ là những lý thuyết chết. Chúng chỉ thực sự mạnh mẽ khi hóa thân dưới hình hài của những điều tưởng như quá sức thông thường của cuộc sống, để người ta níu vào khi lỡ bước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.