Hôm qua 20.10, Ấn Độ thông báo Úc sẽ tham gia cuộc tập trận hải quân thường niên Malabar dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới. Như vậy, cuộc tập trận Malabar năm 2020 không còn chỉ 3 bên Ấn Độ - Mỹ - Nhật, mà đã có sự tham gia đầy đủ của “bộ tứ kim cương” để ghi dấu một bước chuyển lịch sử trong hợp tác của 4 nước này.
Không chỉ là sự hồi sinh
Nhận xét về diễn biến này khi trả lời Thanh Niên ngày 20.10, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích diễn biến trên có tính biểu tượng cao, nhưng đồng thời cũng rất quan trọng với “bộ tứ kim cương” vì những lý do sau.
Thứ nhất, đây là thành quả của những nỗ lực trong thời gian dài. Được tổ chức lần đầu vào năm 1992, cuộc tập trận Malabar ban đầu chỉ bao gồm Mỹ và Ấn Độ. Từ năm 1992 - 1998, tập trận Malabar diễn ra 3 lần rồi sau đó bị Mỹ đình chỉ do Ấn Độ thử vũ khí hạt nhân. Mãi đến năm 2002, sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố 11.9, chính quyền Mỹ dưới thời Tổng thống George Bush đã nối lại tập trận Malabar.
Vào năm 2007, cuộc tập trận này có sự tham gia của cả Úc, Nhật Bản và Singapore, nhưng rồi sau đó Úc không còn tham gia, Nhật Bản có mặt thêm trong một số cuộc tập trận tiếp theo. Kể từ năm 2015 đến nay, Nhật Bản mới tham gia đầy đủ các cuộc tập trận Malabar hằng năm. Và sắp tới đây có thêm Úc để đầy đủ “bộ tứ”.
Thứ hai, việc đầy đủ “bộ tứ kim cương” tham gia tập trận Malabar không chỉ là “sự hồi sinh” một hoạt động cũ khi xét đến thực tế của năm 2020 và 2007. Cụ thể, vào năm 2007, sau khi bộ tứ cùng với Singapore tập trận Malabar, khái niệm “bộ tứ kim cương” đã được Thủ tướng Nhật Bản khi đó là ông Abe Shinzo đặt ra. Tuy nhiên, vào thời điểm này thì “nguy cơ Trung Quốc” chưa được nhìn nhận một cách nghiêm túc tại nhiều nước.
Giữa bối cảnh như vậy, sau khi Bắc Kinh chỉ trích mạnh mẽ, và do sự tác động từ chính sách của chính quyền mới ở Úc dưới thời Thủ tướng Kevin Rudd khi đó dường như đã khiến Canberra rút khỏi cuộc tập trận Malabar. Có lẽ Úc đã nhận định việc thúc ép Trung Quốc sẽ có nhiều rủi ro hơn là phớt lờ các hành vi của Trung Quốc.
Nhưng năm 2020 đã khác, nhận thức trên đã thay đổi. Như từ năm 2012, trong một bài viết, ông Abe Shinzo, khi đó vừa quay lại giữ chức Thủ tướng Nhật Bản, phải thừa nhận rằng chính ông vào năm 2007 cũng không hình dung đầy đủ về tốc độ phát triển quân sự và tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.
Giờ đây, Bắc Kinh đã có nhiều hành vi đáng lo ngại để phục vụ tham vọng chủ quyền, điển hình là việc Bắc Kinh tiếp tục tìm cách độc chiếm Biển Đông, bất chấp phán quyết của tòa trọng tài quốc tế. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình để ra tay gây rối nhiều nước xung quanh.
Thực tế này khiến cho “bộ tứ kim cương” phải tăng cường hợp tác. Và cả 4 nước tham gia cuộc tập trận Malabar năm nay đánh dấu cho sự tăng cường hợp tác. Chính vì thế, so với cuộc tập trận năm 2007, động lực hợp tác trong cuộc tập trận Malabar lần này mạnh mẽ, rõ ràng hơn.
Thứ ba, cuộc tập trận Malabar sắp tới có thể củng cố hợp tác trong “bộ tứ kim cương” trở nên mạnh mẽ hơn bởi sự hung hăng của Bắc Kinh. Gần đây, Washington đặt ra kỳ vọng thể chế hóa “bộ tứ kim cương” để định hình một liên minh như “NATO châu Á”, nên cuộc tập trận sắp tới góp phần định hình phần nào mục tiêu này.
Tăng cường các thỏa thuận quân sự
Đến nay, cả 4 thành viên của bộ tứ đều đã ký kết song phương với nhau về thỏa thuận “Thu nhận và dịch vụ tương hỗ” (ACSA) hoặc thỏa thuận “Hỗ trợ hậu cần” (LEMOA). Hai thỏa thuận này giống nhau, cho phép quân đội của các nước tham gia thỏa thuận có thể tiếp cận căn cứ quân sự của nhau, hỗ trợ tiếp nhiên liệu, chia sẻ hậu cần, vận tải (bao gồm cả vận tải đường không), hệ thống thông tin liên lạc...
Không những vậy, Hiệp định chia sẻ thông tin tình báo quân sự (G-SOMIA) cũng đã được ký kết song phương giữa các nước: Mỹ - Nhật Bản, Mỹ - Ấn Độ, Mỹ - Úc, Nhật Bản - Ấn Độ. Nhật Bản và Úc không có hiệp định song phương tương tự G-SOMIA, nhưng liên minh tình báo Ngũ nhãn (gồm Mỹ, Anh, Úc, Canada, New Zealand) lại có thỏa thuận hợp tác tình báo với Nhật Bản. Dựa vào khung hợp tác này, Tokyo và Canberra có thể chia sẻ thông tin tình báo.
Sắp tới, từ ngày 26 - 27.10, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper của Mỹ sẽ đến Ấn Độ để có cuộc hội đàm 2+2 với 2 người đồng cấp chủ nhà. Qua đó, Washington và New Delhi dự kiến sẽ ký kết Thỏa thuận chia sẻ kỹ thuật thông tin hàng hải (MISTA). Bên cạnh thỏa thuận G-SOMIA, MISTA sẽ càng tăng cường hợp tác chia sẻ thông tin quân sự, đặc biệt trên biển, giữa Mỹ và Ấn Độ.
Như thế, cùng với việc tập trận chung 4 bên, “bộ tứ kim cương” đang tăng cường hợp tác quân sự bằng nhiều thỏa thuận có giá trị.
Mỹ, Nhật, Úc tập trận trên Biển Đông
Hôm qua 20.10, hải quân Mỹ thông báo tàu khu trục USS John S. McCain cùng tàu JS Kirisame (Nhật Bản) và tàu HMAS Arunta (Úc) đã tập trận chung trên Biển Đông vào ngày 19.10. Ngày 13.10, hải quân Mỹ thông báo 2 tàu của nước này là tàu khu trục USS John McCain và tàu tiếp dầu USNS Tippecanoe tập trận cùng 2 chiến hạm Nhật ở Biển Đông từ ngày 12.10.
Trước đó, ngày 15.10, tàu McCain cũng tập trận chung với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tại Biển Đông. Đây là lần thứ 3 tàu Reagan hoạt động tại Biển Đông trong năm nay.
Vi Trân
|
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở vịnh Bắc bộ
Cục Hải sự tỉnh Hải Nam (HMSA - Trung Quốc) vừa đưa ra 2 thông báo cho hay Trung Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật ở vịnh Bắc bộ từ ngày 18 - 21.10. Cụ thể, HMSA ngày 17.10 thông báo về việc tiến hành tập trận bắn đạn thật tại khu vực giới hạn bởi 4 điểm tọa độ nằm ở phía tây bắc đảo Hải Nam từ ngày 18 - 19.10 và cấm tàu thuyền vào khu vực này. Đến chiều 19.10, HMSA lại ra thông báo về việc tập trận bắn đạn thật cũng tại khu vực trên từ ngày 20 - 21.10.
Cả hai thông báo đều cho biết thời gian tập trận từ 6 - 19 giờ hằng ngày (giờ địa phương). Khu vực tập trận được giới hạn bởi 4 điểm tọa độ cụ thể mà theo tính toán dựa trên ứng dụng Google Earth là có diện tích hơn 1.200 km2, với điểm gần nhất cách đảo Hải Nam khoảng 17 km.
Khánh An
|
Bình luận (0)