Ngót nghét nghìn giải thưởng từ các cuộc thi khoa học kỹ thuật học sinh THPT được ban tổ chức cấp quốc gia công nhận. Không biết có bao nhiêu dự án được ứng dụng vào thực tiễn? Có bao nhiêu dự án nhận giải rồi xếp ở thư viện hay phòng truyền thống nhà trường làm minh chứng cho thành tích?
Lễ trao giải cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia. Học sinh mong muốn cuộc thi trở về sân chơi đúng nghĩa để sáng tạo trong khả năng thực sự của mình |
TUỆ NGUYỄN |
Kỳ thi khoa học kỹ thuật ở khối trung học không ngoài mục đích thêm một sân chơi bổ ích cho học sinh, giúp việc dạy-học khởi sắc hơn khi học sinh phát triển ý tưởng sáng tạo thông qua việc vận dụng lời giảng của thầy cô… Nhưng rồi mỗi lúc kỳ thi này không như mục đích ban đầu nữa. Ở đâu có “thi” là y như rằng sẽ có tình trạng từ học sinh làm trung tâm chuyển thành nhà trường làm trung tâm, lấy thành tích để tăng tốc và khen thưởng (cho người lớn) làm động lực!
Vì thế những năm sau này, khi kỳ thi khoa học kỹ thuật luôn có những nghi ngại, thắc mắc, khiếu kiện về dự án được trao giải. Không chỉ có vậy, ngay trong mỗi trường cũng lùm xùm không kém.
Bản tin trên website của Bộ GD-ĐT ngày 27.3.2021 đưa tin “12 dự án đoạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia học sinh trung học năm học 2020-2021” có đoạn viết: “Sau quá trình “cầm cân nảy mực” chấm giải với tinh thần trách nhiệm-công tâm-khách quan của ban giám khảo là các nhà khoa học, giáo sư đầu ngành từ 3 miền đất nước, cuộc thi đã chọn ra 91 dự án đoạt giải”. Trong 12 dự án đoạt giải nhất, có dự án mà dư luận thắc mắc cho rằng luận văn thạc sĩ e khó sánh bằng.
Hay như tại cuộc thi khoa học kỹ thuật quốc gia năm học này, khi ban tổ chức vừa công bố giải, lập tức rộ lên chuyện có dự án đọat giải nhất sát với đề tài luận văn thạc sĩ vừa bảo vệ hơn một năm trước đó.
Liệu đã có sự trợ giúp vượt mức cần thiết khi mà dự án quá xa vốn kiến thức, kỹ năng hiện có của học sinh?
Học sinh không sai. Vấn đề là thầy cô, phụ huynh, cán bộ quản lý cấp trường, phòng, sở, Bộ GD-ĐT cần bình tâm, hợp tác để kỳ thi khoa học kỹ thuật là của học sinh, cho học sinh, vì sự phát triển phẩm chất và năng lực học sinh.
Muốn thế, hãy để kỳ thi như một sân chơi, một trại hè. Ở đó các em được vui chơi, khám phá, xây dựng ý tưởng khoa học. Xin đừng lấy kết quả làm báo cáo thành tích, xét thi đua.
Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong trạng thái bình thường mới càng đặt ra nhiều thách thức cho các cơ sở giáo dục. Lúc này, rất cần sự tập trung tài lực, vật lực để triển khai hiệu quả. Kỳ thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh THPT và những cuộc thi tương tự đừng trở thành vật cản trong hành trình đổi mới giáo dục.
Bình luận (0)