Chiều nay, 12.9, tại thành phố Huế (Thừa Thiên - Huế), Ban tổ chức hội thi thiết bị dạy nghề tự làm toàn quốc năm 2019 đã tổ chức lễ bế mạc hội thi, trao giải thưởng cho các tác giả các thiết bị đạt điểm cao trong hội thi.
Theo TS Đỗ Năng Khánh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Trưởng ban tổ chức hội thi, cho biết ngoài việc hội thi lần này thu hút được số đoàn tham gia đông nhất từ trước đến nay, chất lượng thiết bị tham dự hội thi cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ. Qua đó cho thấy, không chỉ hệ thống giáo dục nghề nghiệp có nhiều thầy cô giáo tài năng, mà mảng giáo cụ dạy học đã nhận được sự quan tâm, đầu tư của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
TS Đỗ Năng Khánh cho rằng, điều đáng hoan nghênh trong hội thi lần này là ngoài việc nâng cao tính sư phạm, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, các tác giả/nhóm tác giả dự thi đã quan tâm đến tính thẩm mỹ và kinh tế của thiết bị. Do vậy, nhiều thiết bị dự thi có kết cấu, hình thức đẹp, giá thành rẻ hơn so với giá của những thiết bị có sẵn bán ngoài thị trường.
Đặc biệt, tại hội thi lần này, nhiều tác giả quan tâm, chú trọng đến các yếu tố của quá trình phát triển bền vững như “công nghệ xanh”, thân thiện với môi trường, tạo dựng môi trường sống thông minh bằng cách sử dụng các công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Điển hình như mô hình thực hành chưng cất nước mặn thành nước ngọt sử dụng năng lượng mặt trời của nhóm tác giả Huỳnh Cảnh Thanh Lam và 1 đồng tác giả khác của Trường cao đẳng Kinh tế - kỹ thuật Cần Thơ; mô hình thực hành hệ thống nhiệt lạnh của tác giả Nguyễn Văn Tuyến, Trường cao đẳng nghề Vĩnh Phúc;... đều được chấm điểm rất cao, và đều đạt giải nhất hội thi.
Một điểm nổi bật của hầu hết các thiết bị dự thi là đều được sử dụng vật tư dễ tìm, kết hợp với sự sáng tạo của các thầy cô giáo trong việc ứng dụng hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quá trình thiết kế, sản xuất thiết bị đào tạo. Điều này đem đến tính khả thi cao trong việc nhân rộng kết quả tự làm thiết bị, nâng cao chất lượng và khả năng ứng dụng của thiết bị; tăng hiệu quả sử dụng cũng như hiệu quả kinh tế trong việc đầu tư trang thiết bị đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Các tác giả, nhóm tác giả có thiết bị tham gia hội thi đã thể hiện tính chuyên nghiệp trong thiết kế và sản xuất thiết bị thông qua các ý tưởng thiết kế và sự chi tiết, cẩn trọng trong tài liệu thuyết minh và hướng dẫn sử dụng thiết bị. Vì thế có nhiều thiết bị được các giám khảo đánh giá là đạt tiêu chuẩn của một “sản phẩm”theo đúng nghĩa sản phẩm thương mại, có thể sản xuất đại trà bán ra thị trường.
TS Đỗ Năng Khánh nói: “Qua kiểm nghiệm thực tế trong quá trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp về tính sư phạm, các thiết bị đem đến hội thi thực sự trở thành những phương tiện giảng dạy hữu ích, giúp các thầy cô thể hiện hiệu quả các phương pháp dạy học. Việc tổ chức dạy trên mô hình, thiết bị dàn trải của các tác giả, nhóm tác giả dự thi là sự kiết hợp nhuần nhuyễn các phương pháp dạy học làm tăng tính trực quan, giúp ngời học nhanh chóng tiếp thu được kiến thức và hình thành kỹ năng nghề, đồng thời, gây hứng cho người dạy và người học, trực quan hóa trong quá trình giảng dạy”.
Hội thi thiết bị dạy làm toàn quốc là hội thi được tổ chức 3 năm một lần. Năm nay, hội thi được tổ chức ở Thừa Thiên - Huế, từ ngày 9 đến 12.9.
Chung cuộc hội thi, hội đồng giám khảo đã giúp ban tổ chức hội thi lựa chọn 150 thiết bị để trao giải nhất, nhì, ba cho các cá nhân là tác giả/nhóm tác giả của thiết bị. Trong đó, có 30 giải nhất (là những thiết bị đạt mức điểm từ 90,8 /100 điểm trở lên), thuộc 4 nhóm ngành nghề: công nghệ thông tin; kỹ thuật điện, điện tử, viễn thông; công nghệ kỹ thuật cơ khí; nghề tổng hợp.
Nhóm nghề kỹ thuật điện, điện tử, viễn thông là nhóm có nhiều thiết bị đạt giải nhất nhất (14 thiết bị); nhóm nghề công nghệ thông tin ít nhất, chỉ có 2 thiết bị được giải nhất.
Với giải tập thể, đoàn Hà Nội được trao giải nhất; TP.Hồ Chí Minh và Vĩnh Phúc đồng giải nhì; Hải Phòng, Nghệ An, Bắc Ninh, Đồng Nai, Cần Thơ, Thanh Hóa đồng giải ba.
|
Bình luận (0)