Cước vận tải biển tăng vọt, hàng xuất khẩu gặp khó

Nguyên Nga
Nguyên Nga
08/06/2024 06:25 GMT+7

Sau đợt tăng giá vào đầu năm do khủng hoảng hàng hải ở vùng biển Đỏ, doanh nghiệp xuất khẩu đã và đang đối diện đợt tăng giá cước vận tải biển mới không kém đợt khủng hoảng thiếu container trong đại dịch Covid-19.

"Giá cước tăng đột biến, hàng xuất bị hủy liên tục"

Đó là thông tin của một số doanh nghiệp (DN) xuất khẩu, DN dịch vụ logistics cho biết khi các hãng tàu biển thông báo tăng cước phí liên tục. Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc thương mại một DN xuất khẩu hàng may mặc lớn tại TP.HCM, cho biết giá cước một container chở đi Mỹ từ gần 3.000 USD nay tăng vọt lên gần 7.400 USD. Nếu không gấp xuất hàng cho khách, công ty sẵn sàng xin hoãn giao hàng, chờ sang tháng 7 rồi tính, chứ tình hình này mà xuất hàng đi chỉ có lỗ "sấp mặt". Vấn đề là nguồn hàng nhập khẩu, xuất khẩu trên thị trường không biến động, nhưng giá cước vận tải biển lại biến động từng tuần, thậm chí từng ngày.

Tương tự, ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty may mặc Dony, cho hay nhiều lô hàng xuất đi châu Âu phút cuối lại bị hoãn vì không có tàu. Các công ty dịch vụ logistics lại báo giá cước tăng liên tục trong khi giá đơn hàng đã hợp đồng từ trước. Ông cho biết: "Trong tháng này, một lô hàng đi tuyến Ấn Độ có thể bị lỗ vì cước tăng đột ngột, trong khi khách hàng cần hàng để bán trong mùa hè". Thậm chí, ngay chiều hôm qua (7.6), khi đang trao đổi với Thanh Niên, một số DN cho biết vừa nhận mail thông báo từ các hãng tàu tiếp tục tăng phí mùa cao điểm. Đại diện Công ty Global SeaAir thông tin phí mùa cao điểm mọi năm cao nhất khoảng 300 USD/container, nay hãng tàu báo tăng lên 1.000 USD/container. "Tăng kiểu này là xanh mặt luôn!", vị này nói.

Cước vận tải biển tăng vọt, hàng xuất khẩu gặp khó- Ảnh 1.

Tình trạng thiếu container rỗng lặp lại như thời dịch Covid-19

Đào Ngọc Thạch

Bà Anh Nguyên, đại diện Công ty TNHH thương mại dịch vụ T.M.A, giải thích các hãng tàu nay báo giá cước hằng tuần, không có chuyện hằng tháng nữa và cước vận tải biển đã tăng sốc từ hơn 1 tháng qua. "Tưởng khủng hoảng của dịch bệnh do thiếu container đã qua, giá cước vận tải biển sẽ không có những đợt tăng giá sốc như vậy. Thế nhưng, sau đợt tăng giá do ảnh hưởng xung đột ở biển Đỏ, tàu phải đi đường vòng, thay đổi lịch trình, rồi mua bảo hiểm… nên cước phí tăng. Khủng hoảng hàng hải đó hiện vẫn tác động lớn đến thị trường vận tải biển do tình trạng tắc nghẽn đột biến tại cảng Singapore, cảng container lớn thứ hai thế giới. 

Thị trường vận tải biển đang rơi vào khủng hoảng khó khăn hơn cả thời điểm Covid-19. Lượng container đang chờ để rời khỏi cảng này quá lớn. Thế nên, có hãng tàu báo họ phải chờ để cập cảng mất thời gian gấp 3 lần so với trước. Tình trạng không có tàu nên giá cước tăng đột biến lại xuất hiện, gấp 2 - 2,5 lần so với 2 tháng trước. Tàu giảm chuyến nhiều, hàng hóa phải gom lại chờ đầy mới đi. Khách hàng thấy giá cước tăng khó tin, cũng hủy booking liên tục", bà Nguyên than trời.

DN Trung Quốc "chiếm chỗ", đẩy giá cước lên trời

Trước đó, một số DN cho biết do chính phủ Mỹ có kế hoạch áp mạnh thuế lên nhiều loại hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc từ đầu tháng 8 tới, nên các nhà xuất khẩu Trung Quốc và nhà nhập khẩu Mỹ muốn "chạy deadline", đẩy nhanh việc xuất nhập khẩu trước tháng 8 để né thuế. Họ sẵn sàng trả cước vận tải cao hơn để giữ chỗ, chiếm container trước. Hiện, lượng hàng hóa của các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang dồn tại cảng Singapore khá lớn, ước khoảng 26% sức chở container toàn cầu đang bị kẹt tại khu vực này. Thế nên, cảng ưu tiên xử lý lượng hàng này để "cứu" hàng Trung Quốc thoát bị áp thuế cao.

Ông Nguyễn Lý Trường An, chuyên gia thương mại - Phó giám đốc Công ty Global SeaAir, nói hiện chỉ số tắc nghẽn cảng toàn cầu đã chạm mốc 2 triệu TEU, tương đương gần 7% tổng sức chở toàn cầu, trong khi bình thường chỉ ở mức 2 - 4%. "Hiện khách hàng phía Trung Quốc đang đẩy mạnh việc nắm giữ container và đặt giữ chỗ, đẩy giá cước lên cao. Chỉ số vận chuyển container Thượng Hải đã tăng đến 42% trong hơn 1 tháng qua. Đây là chỉ số rất lớn trong nhóm các cảng lớn trên toàn cầu. Chỉ số container toàn cầu là đại diện cho giá cước vận tải container giao ngay trên các tuyến vận tải quốc tế lớn, nay đã quay về vùng đỉnh của thời dịch Covid-19. Một số DN xuất khẩu từ VN đang có hiện tượng găm hàng, đợi giá giảm mới tiến hành đặt chỗ. Tuy vậy, đây là tính toán theo ý chủ quan của DN".

Trước thực trạng trên, nhiều DN chững lại để nghe ngóng tình hình, nếu không bị áp lực xuất khẩu gấp thì không việc gì phải đặt tàu bằng mọi giá nữa. Tuy nhiên, ông Nguyễn Lý Trường An khuyến cáo hiện các hãng tàu lớn trên thế giới đều không còn chỗ trống hoặc tăng giá. DN không có sự lựa chọn nào khác nếu việc đợi cho giá cước vận tải giảm mới booking chắc chắn khó. "Tình hình thị trường cho thấy, cước vận tải biển sẽ neo ở mức cao sang hết quý 3 năm nay", chuyên gia này dự báo.

Cần quản lý việc tăng phí của các hãng tàu

Có thể nói, hầu hết các giao dịch thương mại đang bị thị trường Trung Quốc chi phối. Thông tin từ các hãng tin quốc tế cho thấy toàn bộ container rỗng đang bị chuyển về Trung Quốc do thương nhân thị trường này đang trả chi phí cao hơn các nước khác. Một thành viên của Hiệp hội Chủ hàng VN rầu rĩ cho hay từ đại dịch đến nay, cụ thể là từ năm 2021, có quá nhiều yếu tố đẩy chi phí logistics tăng cao, tác động rất lớn đến khả năng cạnh tranh của DN trong nước. Đến nay, khi hết dịch, xung đột trên biển hạ nhiệt, song nhiều đơn hàng của các DN xuất đi vẫn bị hủy, chậm giao hàng, chậm thanh toán. Thời gian vận chuyển lâu hơn đẩy chi phí tăng, bên cạnh đó, các loại phụ phí cũng tăng theo. Ngành logistics, DN nói chung tiếp tục đối diện nhiều khó khăn nhưng không có lựa chọn nào khác. Xuất khẩu của VN sang các thị trường vẫn phụ thuộc rất lớn vào tàu nước ngoài, nên khó để nói việc kiến nghị hay đề xuất này nọ.

Theo Hiệp hội Chủ hàng VN, trong nhiều năm qua, các hãng tàu nước ngoài đã tự ý thu hàng chục loại phí và phụ phí khác nhau đối với hàng hóa của các DN xuất nhập khẩu VN. Thậm chí việc tăng rất thiếu căn cứ và mức tăng hầu hết cao hơn rất nhiều so với phí bốc dỡ container mà hãng tàu trả lại cho các cảng biển VN. 

Trong bối cảnh này, để giúp DN hoạt động ổn định hơn, Hiệp hội Chủ hàng VN từng đề xuất các cơ quan ban ngành có biện pháp mạnh mẽ, kiên quyết để kiểm soát hành vi điều chỉnh phí THC, phụ phí của các hãng tàu nước ngoài. Đề nghị bổ sung phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển vào danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá để hoàn thiện cơ chế quản lý mức giá và các loại phụ thu đối với hàng hóa tại cảng biển, tránh trường hợp các hãng tàu tùy ý tăng giá và lạm thu, ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ hàng xuất nhập khẩu. 

Theo phản ánh của các DN, việc tăng phí phụ thu đã mang lại siêu lợi nhuận cho các hãng tàu. Vì thế, cần sớm có cơ chế về thu các loại phụ phí phù hợp với quy định của pháp luật VN và thông lệ quốc tế, không loại trừ yêu cầu chủ tàu ngừng ngay việc thu các loại phí không hợp lý.

Các chuyên gia dự báo tình hình căng thẳng thiếu container có thể kéo dài cho tới khi Mỹ kết thúc việc áp luật thuế mới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.