Cuộc xung đột Nga-Ukraine 'phơi bày những sai sót trong việc hoạch định chiến lược của Mỹ'?

Văn Khoa
Văn Khoa
24/12/2022 15:23 GMT+7

Cuộc giao tranh ở Ukraine được cho là đang “phơi bày những sai sót trong việc hoạch định chiến lược của Mỹ” và “những lỗ hổng đáng kể” trong cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ và NATO.

Vào ngày 21.12, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đánh dấu chuyến thăm lịch sử tới Washington D.C của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bằng việc thông báo sẽ gửi cho Kyiv một khẩu đội tên lửa Patriot, hệ thống phòng không tinh vi nhất trong kho vũ khí của Mỹ. Tuy nhiên, trong bài phân tích đăng ngày 23.12, tờ The Washington Post cho rằng những hoạt động cung cấp vũ khí cho Ukraine lúc đầu rõ ràng không được xây dựng cho một chặng đường dài.

“Khi cuộc xung đột căng thẳng tiếp diễn không có hồi kết, tình trạng này đã phơi bày những sai sót trong việc hoạch định chiến lược của Mỹ cho các trận chiến trong tương lai của chính nước này, và những lỗ hổng đáng kể trong cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ và NATO. Kho dự trữ nhiều loại vũ khí và đạn dược quan trọng sắp cạn kiệt, và thời gian chờ đợi để sản xuất tên lửa mới kéo dài hàng tháng và có thể là hàng năm”, The Washington Post viết.

Quân nhân Ukraine trong một lần khai hỏa lựu pháo M777 do Mỹ cung cấp tại tiền tuyến ở tỉnh Kharkiv thuộc miền đông Ukraine

Reuters

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào ngày 24.2, Mỹ và các đồng minh đã cố gắng cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại lực lượng Nga. Tuy nhiên, nhiều hệ thống hiện được triển khai ở Ukraine lúc đầu bị giữ lại do quá phức tạp đối với các lực lượng Ukraine trong việc sử dụng và bảo trì, quá dễ kích động sự leo thang của Nga hoặc một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn với NATO. Do đó, những yêu cầu khác của Kyiv, bao gồm máy bay chiến đấu, xe tăng chiến đấu và tên lửa chính xác tầm xa, đã bị từ chối khi Lầu Năm Góc đưa ra đánh giá riêng về chiến lược và khả năng của Ukraine.

Mỹ từ chối yêu cầu vũ khí nào từ Ukraine?

“Thách thức nghiêm trọng”

Với những gì Mỹ và các đồng minh đã hỗ trợ Ukraine trong thời gian qua và tình trạng cuộc chiến kéo dài, câu hỏi đặt ra là họ có thể tiếp tục duy trì nỗ lực này được bao lâu trong thời kỳ kinh tế toàn cầu gặp khó khăn. Tổng thống Biden đã cam kết cung cấp vũ khí trị giá hơn 20 tỉ USD cho Ukraine, trong đó có 14 tỉ USD từ kho vũ khí của Lầu Năm Góc và 6 tỉ USD cho các hợp đồng sản xuất vũ khí mới, theo The Washington Post.

Phát biểu tại một diễn đàn quốc phòng vào tháng 9, ông Colin Kahl, trưởng chính sách của Lầu Năm Góc, cho hay “có sự gia tăng” vũ khí trong hầu hết năm nay, nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn ở một vị trí mà chúng tôi đã tăng mạnh và sau đó rơi xuống con số không”.

Ngoài ra, cựu cố vấn Lực lượng đặc nhiệm Mỹ Seth Jones, hiện dẫn đầu Chương trình An ninh quốc tế tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington D.C, nhận định: “Có những thách thức nghiêm trọng” đối với các nguồn cung hiện tại trong kho vũ khí của Mỹ. Ông cho biết thêm một báo cáo sắp tới của CSIS về sự sẵn sàng của Mỹ kết luận rằng “cơ sở công nghiệp quốc phòng của Mỹ hiện đang ở tình trạng khá xấu.

Phương Tây có thể đúc kết gì từ chiến sự tại Ukraine

Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không, từ Stinger được đưa ra khỏi kho dự trữ của Mỹ, đến Hệ thống tên lửa đất đối không tiên tiến quốc gia (NASAMS), do công ty Mỹ Raytheon và công ty Konsberg của Na Uy đồng sản xuất, và còn hứa hẹn nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, “thật không may là việc biến ý định tốt thành hiện thực trên chiến trường sẽ rất khó khăn”, theo ông Mark F. Cancian, đại tá Thủy quân lục chiến Mỹ đã nghỉ hưu và hiện là cố vấn cấp cao tại CSIS.

Dây chuyền sản xuất Stinger đã dừng hoạt động từ lâu, theo The Washington Post. Ngoài ra, hai trong tám NASAMS đầu tiên được hứa hẹn gần đây đã đến Ukraine, nhưng sáu hệ thống còn lại vẫn chưa được sản xuất và việc giao hàng có thể mất tới hai năm.

“Đây là một thách thức rất thực tế ”, Thứ trưởng Ngoại giao Na Uy Eivind Vad Petersson nhận định trong một cuộc phỏng vấn. Ông cho biết thêm: “Tôi ngạc nhiên với sự thiếu kiên nhẫn của chính mình đối với ngành công nghiệp quốc phòng bởi vì đây là một lĩnh vực khác biệt so với tất cả các lĩnh vực khác. Ngành công nghiệp sẽ gấp rút tăng cường sản xuất vì rõ ràng là sẽ có nhu cầu. Nhưng ngành công nghiệp quốc phòng không hoạt động theo cách đó”.

Mặc dù cuộc chiến ở Ukraine đã mang lại lợi ích cho chi tiêu quốc phòng, hoạt động sản xuất của ngành quốc phòng cũng đang gặp phải những vấn đề tương tự như các ngành công nghiệp khác, như lạm phát, thiếu hụt chuỗi cung ứng, khan hiếm lao động có kỹ năng và sẵn sàng làm việc, và sự chậm trễ nói chung sau đại dịch Covid-19.

Kho đạn pháo quyết định ưu thế xung đột Nga - Ukraine

Tình trạng thiếu đạn pháo các loại vẫn là một điểm yếu. Dù việc tăng sản lượng đã được lên kế hoạch, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ hiện có thể chế tạo khoảng 14.000 viên đạn dành cho lựu pháo 155 mm mỗi tháng, theo Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth. Các quan chức quốc phòng Mỹ cho hay các lực lượng Ukraine đã bắn số lượng đạn pháo như thế chỉ trong hai ngày khi giao tranh diễn ra ác liệt.

Giải pháp một phần

Với tình trạng như trên, giải pháp một phần đã được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thảo luận tại cuộc họp của nhóm liên lạc quốc tế vào tháng 11 và các cuộc họp cấp cao của NATO. Đó là khuyến khích người châu Âu mở rộng hơn các kho dự trữ của họ và xây dựng năng lực công nghiệp quốc phòng của riêng họ để gánh thêm gánh nặng, theo The Washington Post.

Tây Ban Nha đã cung cấp 4 hệ thống phòng không tầm trung HAWK cho Ukraine và Mỹ đang gửi đạn dược cho họ. Đức cũng đã hứa cung cấp cho Ukraine 4 hệ thống phòng không IRIS-T, nhưng chỉ có một hệ thống đã được gửi cho đến nay, số hệ thống còn lại vẫn còn trên dây chuyền sản xuất.

Hệ thống phòng không IRIS-T SLM trong một cuộc thử nghiệm

Chụp từ Clip

Trong lúc đường ống dẫn vũ khí của phương Tây tới Ukraine vẫn mở, việc trao đổi qua lại về hệ thống tốt nhất tiếp theo vẫn đang được đàm phán liên tục. “Chúng tôi không muốn làm leo thang cuộc chiến này theo cách khiến nó trở thành Mỹ chống lại Nga. Nhưng không ai có quyền phủ quyết đối với những gì Mỹ cung cấp cho Ukraine”, ông John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, nhấn mạnh mới đây, theo The Washington Post.

Quốc hội Mỹ thông qua ngân sách viện trợ 45 tỉ USD cho Ukraine năm 2023

Xem thêm các diễn biến liên quan chiến sự Nga-Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.