Cười...
Có nhiều lý do để người trẻ yêu thích và chuộng sống ở Sài Gòn, như vì Sài Gòn dễ sống, dễ kiếm kế sinh nhai..., hay vì Sài Gòn sẽ giúp những người trẻ năng động có cơ hội để phát triển bản thân, lập nghiệp...
Thế nhưng, còn có lý do khác khiến Sài Gòn mê hoặc người trẻ, đó là vì Sài Gòn có nhiều điều rất dễ thương.
"Với mình, nơi đây (Sài Gòn - NV) đầy tình người. Con người ở đây rất hào sảng, tốt bụng", Lê Nhật Tân, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM nói. Tân đưa ra vô số câu chuyện để chứng minh cho điều vừa nhận định. Đó là ở Sài Gòn, có những "món quà" miễn phí dành cho mọi người. Đó là hẻm 96 Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận, hay còn gọi là hẻm ông tiên) được mệnh danh là "hẻm miễn phí", mọi người có thể được thụ hưởng, nhận những thứ miễn phí như: thuốc, trà đá, bơm vá xe... Sài Gòn chính là một trong những tỉnh, thành xuất hiện những bình nước, bình trà đá miễn phí nhiều nhất. Có vô số bảng chỉ dẫn đường cực kỳ dễ thương ở thành phố sầm uất này. Và rất nhiều địa chỉ miễn phí về cơm nước, sửa xe... dành cho dân tứ phương sống ở đây.
Trần Lê Thanh Mai, sinh viên Trường ĐH Sài Gòn, thì kể đã từng rơi vào tình cảnh không còn tiền để ăn. May thay, cô gái này có thể qua bữa sáng bằng ổ bánh mì miễn phí. Hay có lần chẳng đủ tiền để mua một đĩa cơm, chỉ còn vỏn vẹn 5 ngàn đồng nhưng vẫn có thể thưởng thức bữa ăn ngon ở tiệm cơm 2.000 đồng. "Ở Sài Gòn, có nhiều quán cơm từ thiện như vậy, để giúp người nghèo, sinh viên không có điều kiện, hoặc những ai lỡ hết tiền, lỡ rơi vào cảnh khánh kiệt", Mai kể.
tin liên quan
Người giỏi nên sống Sài Gòn?Cũng ở Sài Gòn, tại một góc của con hẻm trên đường Nguyễn Đình Chiểu (Q.3), có một chàng trai mưu sinh bằng nghề sửa giày. Điều đặc biệt là chàng trai này không ngần ngại sửa giày dép miễn phí cho các anh chị vé số, xích lô, ba gác và người khiếm thị.
Nguyễn Minh Tuyên, nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam, thì cho biết cách đây không lâu, khi đi trên đường vào 23 giờ đêm, xe bị lủng bánh và phải dắt bộ. Rất may mắn, sau đó không lâu, chàng trai này đã được các thành viên trong nhóm SOS Sài Gòn tiếp cận, giúp đỡ hoàn toàn miễn phí. "Và rồi từ đó, mình yêu Sài Gòn hơn. Với mình, Sài Gòn tử tế", Tuyên kể.
Và còn nhiều, rất nhiều câu chuyện mà những người trẻ đã và đang sống ở Sài Gòn kể lại bằng tâm trạng phấn khởi, "vì được Sài Gòn cưu mang", "được nhận những điều tốt đẹp ở thành phố đông dân này". Với họ, đó là những niềm vui, khiến họ cười hạnh phúc khi quyết định chọn sống, mưu sinh, làm việc ở Sài Gòn.
... và khóc
Sống ở Sài Gòn phồn hoa, phát triển hiện đại, có nhiều điều dễ thương như thế, vậy khóc vì điều gì? Nguyễn Quốc Tính, sinh viên Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho rằng là vì những "điểm trừ" đang tồn tại ở đây.
"Có những lần chạy xe đi học mà... khóc giữa đường. Bởi giờ vô lớp đã cận kề, mà đường thì đông nghẹt, ken đặc, không thể tìm được lối ra. Có nhiều khi bị bủa vây bởi xe cộ bốn bên, không biết phải làm sao. "Nhất là những buổi trưa hoặc giờ chiều, thời điểm mà người làm công sở tan ca, những khi mà các trường cho học sinh tan học. Những lúc ấy, chạy xe trên đường ngán vô cùng", Tính chia sẻ.
|
Nhiều người cũng chia sẻ nỗi niềm khi sống ở Sài Gòn là phải chấp nhận "nỗi buồn mang tên... kẹt xe". "Cũng đúng thôi, vì nhiều người lựa chọn thành phố này để lập nghiệp, sinh sống. Lượng người đổ xô về Sài Gòn ngày càng đông hơn. Bản thân mình cũng nhiều lần thở dài khi tham gia giao thông. Rơi vào cảnh đi tiếp cũng không được mà quay ngược lại cũng không xong, bốn bên là xe buýt, xe taxi, xe máy. Nhưng rồi cũng quen", Lê Thanh Thảo, công nhân Khu công nghiệp Tân Bình (Q.Tân Bình) tâm sự.
Không những ớn nạn kẹt xe, nhiều người còn ám ảnh bởi "những con đường hay ngập ở Sài Gòn". Họ coi đó là "điểm trừ" ở thành phố hiện đại này. "Sợ nhất là khi trời mưa mà lỡ đi đâu trên các tuyến đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân), Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), Phan Huy Ích, Cây Trâm, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu (Q.Gò Vấp),... thì "chỉ có khóc" và phải chấp nhận "sống cùng ngập" thôi", Hoàng Phú An, sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, nói.
Đấy là chưa kể, nhiều khu vực ở Sài Gòn vẫn ngập nặng, khiến người dân, công nhân, sinh viên... đang sống trọ ở những nơi ấy thường xuyên bị nước vô nhà, rơi vào cảnh "có nhà mà như không có", "phải kiếm chỗ ở tạm" để chờ nước rút dần.
Và có lẽ, nỗi sợ lớn nhất của mọi người khi chọn sống ở Sài Gòn, đó chính là nạn cướp giật, trộm cắp. "Mình từng phân vân với quyết định nên sống ở đâu giữa quê và Sài Gòn. Nhiều bạn bè khuyên về quê sống cho thanh bình, đỡ ngột ngạt, và nhất là cho an toàn, chứ đọc những thông tin về cướp giật ở thành phố này rất lo sợ. Nhưng rồi mình cũng chọn Sài Gòn để sống", Phan Văn Hà, làm việc ở Công ty CP thực phẩm Sannam (TP.HCM), kể.
Sở dĩ Hà có quyết định như vậy vì nghĩ rằng những "điểm trừ", những tệ nạn thì cũng có thể diễn ra và tồn tại ở bất kỳ nơi nào, tỉnh, thành nào. Ở đâu thì cũng có thể xảy ra cướp giật, tai nạn giao thông, ngập lụt, tệ nạn xã hội... Hà nghĩ "Sài Gòn tuy vẫn có những điều chưa ổn, nhưng nhiều người sống được, ở được, thì mình cũng có thể".
Nhiều người, trong đó có không ít người trẻ, đã có cùng suy nghĩ như thế. Để rồi họ chấp nhận sống ở Sài Gòn, thành phố không hẳn toàn màu hồng, có cả những màu đen, màu xám. Họ chấp nhận sống, làm việc ở thành phố này, dẫu chuyện khóc, cười cứ mãi đan xen... (còn tiếp)
Đón đọc kỳ 5: "Bí kíp" để sống ở Sài Gòn
Vật giá ở Sài Gòn cao; Sài Gòn phức tạp... thì làm sao có thể sống thoải mái ở Sài Gòn? Lương bao nhiêu thì sống được ở Sài Gòn?... Vô số trăn trở của người trẻ khi phân vân lựa chọn sống ở thành phố này. Vậy, "bí kíp" để sống ở Sài Gòn là gì?
|
Bình luận (0)