Cuối tuần trẻ đi học 'sửa dáng, uốn thân'

Tấn Đạt
Tấn Đạt
25/02/2023 09:00 GMT+7

Vào những ngày cuối tuần, nhiều phụ huynh cho con đi học "sửa dáng, uốn thân" như một hoạt động bổ trợ nhằm tăng cường thể chất và trí tuệ, cũng như để con giảm bớt áp lực căng thẳng từ việc học.

ĐỂ CÓ DÁNG ĐI TỰ TIN NHẤT

Bắt đầu 8 giờ sáng thứ bảy, nhiều phụ huynh đã ngồi chật kín trước phòng tập "làm người mẫu" của câu lạc bộ (CLB) Thiên thần nhí tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) để quan sát con mình học cách tạo dáng.

Trương Gia Kiệt, học sinh (HS) lớp 8, Trường THCS An Nhơn Tây, H.Củ Chi, TP.HCM, cũng đến CLB trên để học cách làm sao có dáng đi tự tin nhất.

Sau khi người giảng bật bài hát sôi động, Gia Kiệt lập tức ưỡn ngực, mắt nhìn thẳng và bước đi dạn dĩ không khác gì nam người mẫu đang trình diễn. Cậu HS lớp 8 này chia sẻ: "Trước đây, em khá rụt rè, không dám đứng trước đám đông. Với lại, lưng em khá gù, dáng đi thì khập khiễng, tuy nhiên sau hơn 3 tuần học em thấy những tình trạng này đã cải thiện rất nhiều".

Cuối tuần trẻ đi học 'sửa dáng, uốn thân' - Ảnh 1.

Nhiều trẻ được phụ huynh cho đi học “sửa dáng, uốn thân” với hy vọng được giảm bớt áp lực trong học tập

Tấn Đạt

Ngoài tham gia lớp "làm người mẫu" lúc 8 - 10 giờ vào thứ bảy, chủ nhật, Kiệt còn đi học bơi, luyện võ dịp cuối tuần. "Em hy vọng các hoạt động ngoại khóa này giúp em học hỏi thêm kỹ năng để tự tin hơn", Kiệt bộc bạch.

Đi phía sau Gia Kiệt, cô bé Nguyễn Bảo Ngọc, HS lớp 5, Trường tiểu học Trương Định (Q.10, TP.HCM), chống hông, bước chéo chân, tạo dáng, xoay người cùng với thần thái "sang chảnh".

Tham gia khóa học này, không chỉ mong muốn sửa được dáng đi, Bảo Ngọc còn hy vọng nếu phát triển được khả năng, cô bé có thể tiến xa hơn đến môi trường chuyên nghiệp.

Chị Lê Thị Thu Thảo (33 tuổi), mẹ của Bảo Ngọc, cho hay đây chỉ là hoạt động ngoại khóa không bắt buộc, chị đặt ra tiêu chí cho con tham gia dựa trên sở thích của bé. "Tôi hy vọng con có dáng đi đẹp sau khóa học, có thể vươn xa hơn nếu con thích, còn không, tôi chỉ xem đây là một hoạt động ngoại khóa giúp con học hỏi thêm kỹ năng bên ngoài nhà trường để con tự tin hơn", chị Thảo khẳng định.

Anh Nguyễn Duy Linh (31 tuổi), chủ nhiệm CLB Thiên thần nhí, cho hay hiện tại bên anh có giảng dạy một số môn như làm MC, người mẫu, thanh nhạc… Mỗi khóa (2 tháng) với số lượng tham gia gần 60 bé (4 - 14 tuổi).

"Theo thống kê, số lượng trẻ em đến học "làm người mẫu" chiếm hơn phân nửa. Các phụ huynh thường gửi con mình đến CLB chủ yếu là sửa dáng đi, tập không bị lưng gù, có phong thái tự tin khi đến trường. Tôi không khuyến khích các phụ huynh đưa con em mình đi thi hoặc tham gia các chương trình liên quan đến những môn học ở CLB", anh Duy Linh nói.

Cuối tuần trẻ đi học 'sửa dáng, uốn thân' - Ảnh 2.

SỢ CON BỊ ÁP LỰC BÀI VỞ SẼ DẪN ĐẾN TỰ KỶ

Đứng bên ngoài lớp học múa ballet tại Nhà thiếu nhi Q.10, TP.HCM, chị Lê Thị Hương (34 tuổi), sống ở Q.Tân Bình, TP.HCM, chăm chú quan sát con mình là Trần Ngọc Mỹ (8 tuổi) đang cố gắng uốn người, căng cơ chân theo sự hướng dẫn của cô giáo.

Chị Hương tâm sự: "Lịch học của con mình thì kín mít. Ngày nào bé cũng hối hả ăn sáng để kịp giờ, rồi còn phải đi học thêm tiếng Anh. Nhiều khi con không có thời gian vui chơi riêng, tối ngày cứ ru rú trong phòng để học. Sợ con bị áp lực chuyện bài vở rồi dẫn đến tự kỷ nên tôi đăng ký cho con đi học múa theo nguyện vọng của con. Tôi hy vọng bé hòa đồng với bạn bè khác, dạn dĩ hơn, giải tỏa những căng thẳng trong học tập", chị Hương cho hay.

Cũng cho đứa con 6 tuổi của mình học "làm người mẫu" và múa vào những ngày cuối tuần, chị Huỳnh Thị Ngọc Ánh (31 tuổi), làm nhân viên văn phòng tại Q.3, TP.HCM, cho hay việc bé học "sửa dáng, uốn thân" sẽ giúp cơ thể dẻo dai, cũng như tăng cường thể chất và trí tuệ.

"Mình hy vọng con sẽ tránh xa các thiết bị điện tử, vui chơi và giao tiếp với bạn bè vào những ngày cuối tuần. Với lại, các lớp kỹ năng này đều là con thích và bộc lộ năng khiếu từ nhỏ, mình mới cho tham gia", chị Ánh chia sẻ.

Theo chị Ngọc Ánh, phụ huynh không nên ép con tham gia các khóa học con không thích, chưa sẵn sàng hay không có năng khiếu về môn học đó. Ở lứa tuổi này, tất cả chỉ nên dựa vào sở thích của con, sắp xếp thời gian phù hợp để con được trải nghiệm môn học yêu thích mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.

Còn anh Huỳnh Trí Đạt (34 tuổi) cũng cho con mình là bé Huỳnh Gia Hân, học Trường mầm non P.15, Q.10, TP.HCM, đi học múa ballet vào cuối tuần, cho rằng: "Nếu muốn phát triển sự khéo léo, sáng tạo của con, cha mẹ có thể đăng ký cho bé học hát, vẽ. Còn nếu con thích nghi kém, khó hòa nhập, nhút nhát, phụ huynh nên tìm cho con các lớp học kỹ năng, giao tiếp với hoạt động chủ yếu là vui chơi… để con thoải mái, thư giãn", anh Trí Đạt nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.