Lúng túng trước nguyện vọng đổi môn lựa chọn của học sinh

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
19/12/2022 07:15 GMT+7

Gần kết thúc học kỳ 1 của năm học đầu tiên dạy học lựa chọn ở lớp 10. Các trường đang đối mặt với tình huống học sinh xin đổi môn học lựa chọn. Tuy nhiên, hướng dẫn chung chung của Bộ GD-ĐT khiến các trường rất lúng túng.

Nhu cầu chuyển môn là có thực

Tháng 10.2022, sau khi bắt đầu năm học mới được vài tuần, M.B, học sinh (HS) lớp 10 Trường THPT Marie Curie Hà Nội, làm đơn gửi ban giám hiệu nhà trường xin đổi tổ hợp môn học tự chọn. Lý do, khi đăng ký, M.B chọn tổ hợp khoa học tự nhiên vì một phần theo các bạn, phần khác nghĩ mình là con trai không nên chọn tổ hợp khoa học xã hội. Tuy nhiên, sau vài tuần học, trừ môn vật lý, M.B càng học càng thấy đuối ở môn hóa và sinh.

Chia sẻ với thầy cô và bố mẹ, M.B quyết định xin chuyển sang lớp tổ hợp có các môn tự chọn gồm: địa lý, kinh tế pháp luật, vật lý, tin học. “Sau khi lắng nghe chia sẻ và thực tế học tập của cháu, gia đình chúng tôi rất lo lắng nếu trong 3 năm học ở cấp THPT cháu tiếp tục học các môn lựa chọn không phù hợp, sẽ không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và định hướng nghề nghiệp của cháu sau này”, trong đơn xin chuyển môn học tự chọn gửi ban giám hiệu nhà trường, mẹ của M.B viết.

M.B là trường hợp khá may mắn khi sớm nhận ra năng lực học tập của mình và được nhà trường sắp xếp, tạo điều kiện chuyển ngay khi gia đình có đơn. Thời điểm đó, dù năm học đã bắt đầu hơn 1 tháng nhưng chưa tới thời điểm kiểm tra định kỳ nên mọi việc không quá phức tạp. M.B được các thầy cô ở các môn học mới kèm thêm ngoài giờ chính khóa cả hình thức trực tiếp và trực tuyến, các bạn trong lớp cho mượn vở ghi chép để tự học nên cũng sớm bắt kịp kiến thức của các môn tự chọn mới mà từ đầu năm em chưa được học.

Tuy nhiên, không hiếm trường hợp sau gần hết một học kỳ, sau khi có các điểm đánh giá định kỳ nhận thấy kết quả không tốt hoặc vì lý do gì đó mới xin đổi và các trường đang không biết phải xoay xở thế nào.

Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) trong một chương trình giao lưu, tư vấn chọn môn, hướng nghiệp

N.B.K

Trường lúng túng trước nhiều tình huống

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), cho biết: "Công tác tư vấn trước khi HS lớp 10 chọn môn là đặc biệt quan trọng. Khi HS trúng tuyển vào trường, chúng tôi đã tổ chức một buổi tư vấn rất sâu về các tổ hợp môn học tự chọn cho HS và yêu cầu bố mẹ phải có đại diện đến nghe, giải đáp mọi băn khoăn, thắc mắc trước khi quyết định học tổ hợp lựa chọn nào. HS cũng có 1 tuần chọn “nháp” và được đổi trong thời gian đó nếu thấy không phù hợp. Sau khi đã quyết định lựa chọn thì nhà trường thông báo HS không đổi môn tự chọn nữa".

Mặc dù vậy, theo bà Nhiếp, trong học kỳ đầu tiên vẫn có trường hợp mẹ của HS đến trường gặp ban giám hiệu đề đạt nguyện vọng đổi tổ hợp lựa chọn. Lý do vẫn là con chọn môn không phù hợp. “Những trường hợp như vậy khiến nhà trường rất khó khăn trong khi hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về đổi môn như thế nào, học bù, kiểm tra đánh giá ra sao để có kiến thức và đủ đầu điểm khi HS chuyển sang môn học khác thì chưa có”, bà Nhiếp nói.

Ông Đàm Tiến Nam, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), cũng chia sẻ: “Trong các cuộc họp giữa hiệu trưởng các trường THPT cũng đã không ít lần đặt ra các tình huống nếu HS lớp 10 muốn chuyển môn học lựa chọn vì cả lý do chủ quan và khách quan thì phải xử lý thế nào? Chưa nói chuyện HS ở địa phương khác, trường khác chuyển đến mà ngay trong một trường, ví dụ như trường tôi có 23 lớp với 9 mô hình lựa chọn khác nhau, mỗi mô hình chênh nhau ít nhất 1 môn mà HS muốn chuyển từ mô hình lựa chọn này sang mô hình khác là rất phức tạp, rất cần có hướng dẫn cụ thể của Bộ, của sở GD-ĐT”.

Học sinh lớp 10 tham gia chương trình hướng nghiệp

n.b.k

Hướng dẫn của bộ quá chung chung

Ở khối THPT, Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH của Bộ GD-ĐT có hướng dẫn: "Trong trường hợp đặc biệt, HS có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng xem xét quyết định và báo cáo sở GD-ĐT".

Trong khi đó, ở khối giáo dục thường xuyên, văn bản của Bộ lại có hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này. Cụ thể, công văn số 6027/BGDĐT-GDTX nêu rõ: “Trong trường hợp đặc biệt, học viên có nguyện vọng thay đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì thủ trưởng đơn vị xem xét, quyết định cho phù hợp. Việc thay đổi môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập của học viên (nếu có) chỉ thực hiện sau khi kết thúc năm học để đảm bảo các quy định về kiểm tra, đánh giá. Khi học viên thay đổi môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập hoặc khi học viên chuyển trường và phải thay đổi môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập cho phù hợp với đơn vị tiếp nhận chuyển đến, học viên phải chủ động tự học bổ sung kiến thức để có thể học được các môn lựa chọn và cụm chuyên đề học tập mới. Tùy theo tình hình thực tế, đơn vị có thể có các giải pháp phù hợp hỗ trợ học viên bồi dưỡng kiến thức để học những môn học lựa chọn và cụm chuyên đề học tập mới”.

Như vậy, việc thay đổi sẽ do nhà trường quyết định. Tuy nhiên, ở khối THPT thì không đề cập gì đến việc thời gian nào được thay đổi, HS thay đổi thì tự bổ sung kiến thức ở môn học mới hay nhà trường hỗ trợ, “trường hợp đặc biệt” là trường hợp nào…

Ông Đàm Tiến Nam cho biết, chủ trương là nhà trường tư vấn, hướng nghiệp cho HS kỹ trước khi chọn môn và cũng cảnh báo về việc chuyển môn là hy hữu và khó được đáp ứng nếu không có lý do đặc biệt. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có những tình huống HS chọn trái môn hoàn toàn với năng lực của các em. Nếu cứ bắt học hết cả cấp THPT thì không chỉ khiến HS khổ mà còn mất ý nghĩa của môn học lựa chọn. “Như vậy cơ quan ban hành chính sách sẽ phải lường trước và có hướng dẫn để các đơn vị không lúng túng khi xử lý”, ông Nam nói.

Bắt đầu từ năm học 2022 - 2023, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 triển khai ở bậc THPT với khối lớp 10. Theo đó, ngoài những môn học bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, lịch sử, hoạt động giáo dục trải nghiệm hướng nghiệp…, HS còn học các tổ hợp môn tự chọn theo hình thức định hướng nghề nghiệp. Cụ thể HS có thể lựa chọn các môn trong 3 nhóm môn khoa học xã hội, khoa học tự nhiên, công nghệ và nghệ thuật.

Theo ông Nam, trước đây HS chọn theo ban nhưng vẫn học đủ tất cả các môn nên việc chuyển ban, chuyển dự kiến chọn môn thi tổ hợp đến tận lớp 12 các trường vẫn có thể đáp ứng được. Còn nay, nếu các em chọn lại môn trước đó hoàn toàn không được học thì chỉ có thể đáp ứng ở một thời điểm nhất định. “Ví dụ, chỉ nên quy định được chuyển tổ hợp môn lựa chọn 1 lần và quy định chỉ chuyển trong năm học lớp 10. Từ lớp 11 trở lên, nếu chuyển sẽ không khả thi trong việc bù đắp kiến thức để HS học tiếp”, ông Nam nói.

Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) Nguyễn Thị Nhiếp phân tích: “Hết 1 học kỳ là 18 tuần học, môn học nào ít nhất cũng có 1 tiết học/tuần. 18 tiết học với 45 phút/tiết là rất nhiều lượng kiến thức và kiến thức phải ngấm dần để chuyển hóa thành năng lực của HS chứ không thể nói học dồn dập một lúc là có thể học tiếp được. Nhưng nếu không có quy định về thời gian, cứ được xem là “trường hợp đặc biệt” và xin chuyển môn thì rất khó cho các trường”.

Các sở từng kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết băn khoăn, thắc mắc này sở cũng nhận được nhiều từ phía các trường và tại các cuộc họp với Bộ, các sở GD-ĐT cũng từng kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể. Theo ông Tiến, quy định không cụ thể, rõ ràng thì sẽ dẫn tới HS nghĩ dễ dãi trong việc chuyển môn học lựa chọn nhưng không vì thế mà bỏ qua nguyện vọng chính đáng, dù chỉ là một bộ phận nhỏ của HS.

Trong khi đó, khi PV Thanh Niên đề cập tới vấn đề này thì ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), mới chỉ nhắc đến nội dung đã hướng dẫn tại Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH và Thông tư 22 về kiểm tra, đánh giá HS theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mà chưa thông tin Bộ có hướng dẫn cụ thể về nội dung này hay không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.