Cuống dừa nước thì cho món ngon kiểu gì? Mới đây, ở một ngày hội khởi nghiệp của người trẻ tổ chức tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, món đồ uống lạ mà ngon này đã khiến nhiều thực khách trầm trồ. Mùi thơm mát, dễ chịu của cơm dừa nước, vị ngọt tự nhiên, không gắt, uống khi để lạnh thì thấy rất đã cơn khát.
Massage dừa nước!
“Chúng em gọi đó là mật dừa nước. Mật được lấy từ cuống dừa nước, hoàn toàn không cho thêm gì, bởi tự thân nó đã ngọt và thơm”, Hồ Hữu Bảo Duy, 22 tuổi, kỹ sư ngành công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM đứng bên những ly mật dừa nước cho mọi người uống thử chia sẻ.
Duy kể, ở TP.HCM chúng ta hay thấy những xe ba gác đẩy bán cơm dừa nước, trên xe lúc nào cũng có những quầy dừa nước màu nâu sậm, đó là quầy đã được chặt khỏi cuống. Nhiều nơi chỉ chặt quầy dừa nước, rồi từ đó bổ ra lấy cơm dừa bán cho khách mà bỏ phí mất phần thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng nhất, đó là thứ mật tiết là từ vết chặt ở cuống.
|
Duy cho hay, mỗi một cuống dừa nước, trong 24 giờ sẽ cho tới 1 lít mật. Mỗi ngày, người nông dân sẽ thu hoạch mật dừa nước 2 lần. Không để lâu hơn, bởi mật ngọt, dễ lên men. Chặt quầy dừa xuống, lấy bịch ni lông cột chặt vào phần cuống để mật nhỏ ra từng giọt, mật thu được là mật dừa nước tinh chất, có thể uống liền cho vị ngọt đậm đà và mùi thơm rất đặc trưng, không thể lẫn vào đâu khác. Để cuống dừa cho nhiều mật, đặc biệt là, người nông dân phải biết cách… massage cuống!
Từ mật dừa nước tinh chất, sau công đoạn chế biến tại nhà xưởng cũng sẽ thành mật dừa nước cô đặc, màu vàng sánh, có thể pha với nước để thành đồ uống, hoặc để kho cá, ướp sườn nướng, cho vị thơm ngon đậm đà.
“Nhiều người hỏi tụi em là có phải xay cơm dừa nước thành mật này không. Hoàn toàn không phải. Nó được hứng từ cuống dừa. Ở nhiều quốc gia, họ đã biết tới cách lấy loại mật này từ lâu. Nhưng ở Việt Nam thì trước đây, chúng ta đã bỏ đi rất uổng phí. Trong mật dừa nước chúng em đã nghiên cứu ra có hợp chất chống oxy hóa, vitamin C, axit amin thiết yếu và các vi khoáng”, chàng kỹ sư ngành công nghệ thực phẩm nói thêm.
|
|
|
Gìn giữ cây dừa nước Việt Nam
Duy đang phụ trách việc sản xuất trong nhà xưởng làm mật từ cuống dừa nước, nơi khởi nghiệp của những người trẻ muốn nâng cao nông sản Việt.
Người sáng lập ra sản phẩm độc lạ này là Phan Minh Tiến (29 tuổi, đang là giám đốc công ty TNHH phát triển dừa nước Việt Nam). Sinh ra và lớn lên ở Cần Giờ, TP.HCM, vùng từ xưa đã ngút ngàn màu xanh của dừa nước, Tiến nhiều năm trước đã ấp ủ làm sao phát huy hết giá trị của cây dừa nước, để bà con quê hương anh khấm khá hơn.
|
|
Sau nhiều thử nghiệm, sản phẩm mật tinh chất từ cuống dừa nước và mật dừa nước cô đặc của anh, lấy tên Dừa nước ông Sáu đã thành công. Năm 2019, sản phẩm này đã giúp anh giành giải nhì cuộc thi Khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn.
Tại ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đông Nam Bộ (Techfest Đông Nam Bộ) diễn ra ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hôm 24.11 mới đây, Tiến đã chia sẻ với mọi người hành trình đang đi cùng cây dừa nước, mong muốn gìn giữ phát triển loại cây gắn bó lâu đời trong đời sống người Việt.
|
Chị Trần Thanh Liễu, 26 tuổi, tốt nghiệp Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, làm cùng với anh Tiến, cũng là một người trẻ sinh ra ở Cần Giờ bộc bạch, tuổi thơ chị gắn liền với cây dừa nước. “Lá dừa để làm bánh, trang trí cổng đám cưới, cơm dừa để ăn… Cây dừa nước có tác dụng giữ đất, tránh sạt lở rất tốt. Ngày trước, bà con chưa biết lấy mật từ cuống dừa nước nên rất uổng phí. Bây giờ có món ngon đặc biệt này, tôi hy vọng bà con quê mình sẽ cùng gìn giữ, chăm sóc cây dừa nước, có thêm thu nhập dồi dào từ giống cây này. Từ đó, màu xanh cây dừa nước sẽ còn mãi”, chị Liễu nói.
Bình luận (0)