Cướp biển lộng hành nơi biển Tây - Kỳ 4: Máu đổ đường tuần tra

13/11/2015 09:46 GMT+7

(TNO) Vụ bắt giữ tàu D-4460 hoạt động tình báo, cướp vũ trang cho thấy, bên cạnh Vịnh Bắc bộ, Hoàng Sa - Trường Sa, Trung Quốc đã để ý đến vùng biển Tây Nam.

(TNO) Vụ bắt giữ tàu D-4460 hoạt động tình báo, cướp vũ trang cho thấy, bên cạnh Vịnh Bắc bộ, Hoàng Sa - Trường Sa, Trung Quốc đã để ý đến vùng biển Tây Nam.

Tàu BP-28.01.70 đã nhiều lần bị tàu chiến, máy bay nước ngoài tấn công trong những năm 80 - 90, gây hư hỏng nhưng hiện vẫn đang hoạt động do Hải đoàn 28 chưa được trang bị tàu mớiTàu BP-28.01.70 đã nhiều lần bị tàu chiến, máy bay nước ngoài tấn công trong những năm 80 - 90, gây hư hỏng nhưng hiện vẫn đang hoạt động do Hải đoàn 28 chưa được trang bị tàu mới
Trong lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) có những đơn vị đặc biệt được gọi là 'Hải quân Biên phòng', đó là những Hải đoàn biên phòng (BP) nằm dọc bờ biển từ Quảng Ninh vào tới Cà Mau. Già dặn và vất vả, nặng nề nhất phải kể đến Hải đoàn BP 28 trực thuộc Bộ Tư lệnh BĐBP, đóng quân ở căn cứ Xẻo Rô (Châu Thành, Kiên Giang). 
Ẩn số Công Biên
Thượng tá Nguyễn Xuân Quý là Hải đoàn phó Hải đoàn BP28, vốn gắn bó với đơn vị ngay từ khi mới thành lập nên rành rẽ: “Căng thẳng nhất là trận bắt tàu Công Biên D-4460 của Trung Quốc” và nhớ lại: Ngày 11.3.1996, Biên đội 2/96 đang tuần tra thì phát hiện 1 tàu lạ đang lủi sâu vào hải phận ta, cách phía Tây nam đảo Thổ Chu 5 hải lý. Thấy nghi ngờ, chỉ huy Biên đội ra lệnh dàn đội hình vây bắt và sau 2 tiếng thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, tàu lạ này buộc phải dừng lại. Quan sát từ xa, thuyền trưởng Nguyễn Xuân Quý thấp bóng người mặc quân phục trong khoang lái nên cảnh giác, triển khai theo phương án chiến đấu.
Khi Tổ kiểm soát BP sang kiểm tra, phát hiện đây là tàu quân sự vũ trang của BP Trung Quốc. Trên tàu có 29 người, bao gồm: 10 sĩ quan, binh sĩ BP Trung Quốc, 10 người dân và 1 thủy thủ người Indonesia. Trên tàu, có nhiều vũ khí - khí tài quân sự và nhất là hệ thống thông tin liên lạc hiện đại, các máy rađa, định vị, đo sâu cùng các dụng cụ hỗ trợ khác.
Theo số liệu chưa đầy đủ, từ 1979 - 1982, phía Trung Quốc đã bắt cóc 25 vụ/28 tàu thuyền/266 người..., giam giữ ít nhất là 5 tiếng đồng hồ, dài nhất là 10 tháng. Những người bị bắt (nhất là số dài ngày) đều bị giam giữ riêng để khai thác, tìm hiểu quan điểm đối với Trung Quốc và bị dùng thủ đoạn tuyên truyền, xuyên tạc, kích động, gây chia rẽ, nghi ngờ để từ đó tung về hoạt động phá hoại.
(Nguồn: Bộ tư lệnh BĐBP)
“Riêng hệ thống thông tin có đến 3 chủng loại, từ liên lạc tầm ngắn cho đến kết nối vệ tinh. Trong tủ thuyền trưởng có cờ của các quốc gia, nhưng nhiều nhất là cờ Việt Nam!” - thượng tá Nguyễn Xuân Quý kể vậy và lắc đầu: “Họ khai lung tung, lúc thì bị hết dầu trôi dạt, lúc thì lại bảo là tàu BP chống cướp biển. Chúng tôi phải áp giải ngay về bờ, giao Ban chỉ huy quân sự Kiên Giang, Bộ Tư lệnh BĐBP và Bộ Ngoại giao giải quyết!”.
Tại Hội nghị rút kinh nghiệm các Hải đoàn cuối tháng 5.1996, thiếu tướng Nguyễn Hữu Bồng, Tư lệnh BĐBP lưu ý: “Từ năm 1993 đến nay (1996), diễn biến trên vùng biển rất phức tạp, hoạt động của đối tượng có nhiều âm mưu thủ đoạn xảo quyệt hơn!” và nhấn mạnh: “Vụ bắt giữ tàu D-4460 hoạt động tình báo, cướp vũ trang cho thấy, bên cạnh Vịnh Bắc Bộ, Hoàng Sa - Trường Sa, Trung Quốc đã để ý đến vùng biển Tây Nam!”…
Cần sa xếp như… thuốc lào
Trên bàn làm việc của đại tá Nguyễn Hữu Nhịp, Hải đoàn trưởng BP 28, có 1 chiếc compa sáng trắng rất độc đáo, khác hẳn các compa chuyên dụng kẻ vẽ hải đồ đi biển. Hỏi ra mới biết đó là vật thu giữ và đại tá Nhịp lưu lại làm kỷ niệm, sau khi chỉ huy Biên đội 1/94 bắt giữ tàu XERIMANET (chủ hàng là TomJonJeo, quốc tịch Mỹ) vận chuyển 1.904 kg cần sa, trên vùng biển Kiên Giang.
Đại tá Nhịp kể: 4 giờ sáng ngày 4.4.1994, Biên đội tàu tuần tiễu xuất kích từ đảo Thổ Châu vây bắt đoàn hơn 20 tàu Thái Lan vào sâu vùng biển nước ta. Trong quá trình bao vây, chúng ta chú ý đến 1 chiếc tàu trong đoàn đánh cá nhưng sơn trắng toát, sạch bong và không mang trang bị đánh bắt.
Đại tá Nguyễn Hữu Nhịp, Hải đoàn trưởng 28 với chiếc compa kỷ niệm, thu được từ tàu chở gần 2 tấn cần sa
Phải mấy tiếng đồng hồ truy đuổi, chiếc tàu này mới chịu dừng lại. Sĩ quan phiên dịch cùng tổ kiểm soát sang làm việc, ban đầu các đối tượng lắc đầu không trả lời, sau khi kiểm tra mới biết họ đến từ nhiều quốc gia (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Mỹ, Campuchia), nên tập trung khám xét.
Mất cả tiếng đồng hồ, khắp tàu chỉ thấy những bánh vuông vức, bên trong là những sợi lá như lá thuốc lào, hỏi thì thuyền trưởng lắc đầu quầy quậy: “Không biết!”. Ngay lập tức, các đối tượng được tách riêng tra hỏi, đến trưa mới ngã ngửa: “Tàu chở cần sa!”. Đến lúc ấy, chỉ huy biên đội mới khẩn cấp xin lực lượng ra khai thác, điều tra, thậm chí đi vớt lại các gói cần sa do đối tượng vứt xuống biển tiêu hủy…
Các binh lính, thuyền viên Trung Quốc trên tàu Công Biên D-4460 của Trung Quốc bị bắt giữ khi xâm phạm sâu vào vùng biển Thổ Chu, Kiên Giang ngày 11.3.1996. Hình: Tư liệu BĐBP
Đạn nổ giữa thời bình
Lịch sử Hải đoàn BP 28 ghi rành mạch các sự kiện: Ngày 17.2.1992, Biên đội 1/92 mà nóng cốt là Hải đội 2, đang tuần tra (ở tọa độ 08°41'25"N - 103°21'00"E) trên vùng biển Việt Nam, đã phát hiện nhiều tốp tàu lạ xâm phạm trái phép chủ quyền Việt Nam. Biên đội phát lệnh xuất kích kiểm tra, kiểm soát, phát tín hiệu quốc tế yêu cầu các tốp tàu lạ dừng lại để tàu tuần tiễu BP kiểm tra. Tuy nhiên các tàu trên cố tình bỏ chạy, buộc tàu ta phải truy đuổi, vây bắt được 9 tàu nước ngoài xâm phạm. Trong khi đang tiến hành các thủ tục kiểm tra hồ sơ vụ việc, buộc thuyền trưởng tàu vi phạm ký vào văn bản vi phạm chủ quyền, bất ngờ 1 tốp máy bay của đối phương đã tập kích, nhằm tàu BP ta để bắn rốc két, tên lửa hòng giải vây cho số tàu thuyền của họ bị ta bắt giữ.
Song với lòng dũng cảm, kiên cường và sự cảnh giác cao, cán bộ chiến sĩ Biên đội 1/92 vừa kiên quyết đánh trả máy bay vừa yểm hộ nhau rút vào khu vực nội thủy, bảo toàn lực lượng.
Trận này, Biên đội đã bắt giữ 9 tàu/136 ngư dân nước ngoài, bàn giao cho UBND tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau) đúng thủ tục pháp lý. Năm 1993, Biên đội 2/93 đang tuần tra cũng bị 1 tốp máy bay đối phương đến đe dọa, song nhờ sự dũng cảm bình tĩnh của chỉ huy biên đội nên không mắc mưu của chúng và sau 30 phút kiêu khích thăm dò, máy bay đối phương phải rút về căn cứ; ngày 24.7.1993, tàu chiến đấu Hải quân Hoàng gia Thái Lan tấn công tàu của Hải đoàn 24 Kiên Giang, bắt 12 cán bộ thuyền viên trên tàu…
Chiến đấu đến hơi thở cuối
Liệt sĩ Trần Công Thắng (sinh năm 1974, quê Hưng Hà, Thái Bình) hy sinh ngày 13.4.1996 trong lúc làm nhiệm vụ đánh trả tàu chiến nước ngoài tấn công đội hình biên đội tuần tiễu của Hải đoàn 28.
Đặc biệt, hồi 15 giờ 30 ngày 31.5.1995, trong lúc tuần tra bảo vệ vùng biển Tây Nam, Biên đội 4/95 phát hiện nhiều tốp tàu lạ với hàng chục chiếc đang khai thác đánh bắt trộm hải sản của ta ở tọa độ 08°44'00"N-103°25'30"E, ngay lập tức biên đội đã triển khai đội hình vây bắt truy đuổi, đến 17 giờ 30 cùng ngày, bắt được 6 thuyền nước ngoài và 62 ngư dân vi phạm. Sau khi lập biên bản và hoàn tất các thủ tục pháp lý, Biên đội tổ chức dẫn giải phương tiện về vị trí tập kết để bàn giao cho UBND tỉnh Minh Hải xử lý.
Tuy nhiên, trên hành trình dẫn giải, 2 tàu chiến của Thái Lan đã tập kích tấn công các tàu tuần tiễu, hòng giải thoát các tàu vi phạm. Cán bộ chiến sĩ trong biên đội đã bình tĩnh, ngoan cường chiến đấu, vừa đánh trả tàu chiến đối phương vừa bảo toàn lực lượng của ta và bảo toàn nhân chứng, vật chứng.
Trong trận đánh đêm 31.5.1995 này, 2 cán bộ là trung úy Vũ Văn Phóng (sinh ngày 9.3.1968, quê quán Liên Hải, Nam Ninh, Nam Định) và trung úy Trần Văn Dũng (sinh ngày 15.6.1972, quê quán Thận Lộc, Cann Lộc, Hà Tĩnh) đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng và anh dũng hy sinh. Trận chiến đấu này, Chính phủ đã tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng nhất, hạng ba cho tập thể Biên đội 4/95 và 2 liệt sĩ.
Cán bộ chiến sĩ Hải đoàn 28 lập biên bản các đối tượng vi phạm vùng biển Việt Nam
Vào lúc 13 giờ ngày 13.4.1996, trên đường tuần tra, Biên đội 2/96 phát hiện hơn 10 tàu lạ của nước ngoài xâm phạm vùng biển Tây Nam tại tọa độ 09°17'00"N-103°03'00"E và đã truy đuổi, vây bắt 4 tàu vi phạm cùng 29 ngư phủ trên tàu. Trong khi đang lập biên bản, đối phương đã cho 1 tốp tàu chiến có hỏa lực mạnh tấn công tàu tuần tiễu của ta hòng giải thoát các tàu cá. Biên đội đánh trả quyết liệt để bảo vệ nhân chứng, vật chứng.
Trong trận này, 3 cán bộ Hải đoàn BP 28 đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường và hy sinh trên vùng biển Tây Nam, đó là trung úy Đặng Đức Thanh (sinh 1969, quê quán Tư Mạc, Yên Dũng, Bắc Ninh), chuẩn úy Nguyễn Văn Ngọc (1972, quê Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng) và chuẩn úy Trần Công Thắng (sinh ngày 23.4.1974, quê Văn Lang, Hưng Hà, Thái Bình). 3 liệt sĩ đã được tặng Huân chương Chiến công hạng ba…
Thủ trưởng BTL BĐBP kiểm tra công tác sẵn sàng chiến đấu của Hải đoàn 28 trên vùng biển Tây Nam
 
Trong những năm 90, tàu chiến nước ngoài không chỉ nổ súng vào các tàu BĐBP Việt Nam đang làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Tây Nam mà còn tấn công, bắt giữ cán bộ chiến sĩ. Đơn cử, ngày 18.21996, tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Thái Lan tấn công vào tàu BP-28-01-61 (Biên đội 2/96, Hải đoàn BP 28, BTL BĐBP), giải thoát 2 tàu cá bị ta bắt - dẫn giải về bờ và ngang nhiên bắt giam 5 cán bộ chiến sĩ BP đang làm nhiệm vụ dẫn giải…

(Lịch sử Hải đoàn 28, Bộ Tư lệnh BĐBP)

(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.