Cứu bệnh nhân Campuchia bị khối u máu chiếm toàn bộ thanh quản hiếm gặp

Lê Cầm
Lê Cầm
31/07/2022 13:43 GMT+7

Cách đây khoảng 2 tháng, bệnh nhân A. (40 tuổi, quốc tịch Campuchia ) có cảm giác nuốt nghẹn ở cổ họng, ban đầu nhẹ sau tăng dần.

Chủ quan cho rằng đó chỉ là dấu hiệu khó tiêu và đau dạ dày gây nên, người bệnh chần chờ việc thăm khám mà tự mua thuốc về uống. Cho đến một ngày khi triệu chứng nuốt vướng xuất hiện rõ ràng hơn, người bệnh đi thăm khám ở một số bệnh viện tại Campuchia và được phát hiện một khối u máu ở thanh quản chèn ép gần hoàn toàn thanh quản.

Cả gia đình lo lắng, hốt hoảng đưa người bệnh đi thăm khám tại nhiều bệnh viện lớn tại Campuchia nhưng bị từ chối. Được các bác sĩ tại Campuchia giới thiệu, người bệnh cùng gia đình tìm đến Việt Nam thăm khám tại Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn.

Khối u máu chiếm toàn bộ thanh quản

bscc

Ngày 31.7, ThS.BSCKII Nguyễn Trương Khương, Giám đốc Chuyên môn, Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn, cho biết qua thăm khám nội soi và đánh giá trên hình ảnh MRI, các bác sĩ phát hiện một khối u máu lớn chiếm gần toàn bộ thanh quản, u không có cuống và không quan sát được hai dây thanh quản.

Được biết, trước đó người bệnh đã thay van tim cách đây 2 năm và đang sử dụng thuốc kháng đông máu thường xuyên. Sau khi hội chẩn kỹ lưỡng, các bác sĩ quyết định tiến hành phẫu thuật sớm lấy bỏ khối u để tránh nguy cơ khối u máu vỡ khiến tình trạnh người bệnh nguy kịch, không thể điều trị được.

"Đây là một trường hợp hiếm gặp và tiên lượng cuộc phẫu thuật rất phức tạp, người bệnh có thể tử vong trong lúc mổ nếu có bất kỳ một sai sót nào", bác sĩ Khương chia sẻ.

Theo bác sĩ Khương, có 3 vấn đề đặc biệt đặt ra cho ca phẫu thuật này. Thứ nhất, cần mở khí quản khéo léo, không gây co thắt thanh khí quản vì nếu xảy ra cũng không đặt nội khí quản được. Thứ 2, cần những dụng cụ phù hợp giúp bóc lộ và thao tác chính xác trong quá trình phẫu thuật. Thứ 3, tuyệt đối không làm chảy máu vì khi chảy máu sẽ không phẫu thuật được và người bệnh sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch do sẽ cực kỳ khó cầm máu.

Sau hơn 1 giờ phẫu thuật, bác sĩ Khương và ê kíp đã nhanh chóng bóc lộ khối u, thực hiện đốt, cắt và lấy trọn khối u thành công qua nội soi. Người bệnh hồi phục sau mổ tốt, nuốt được, hết đau họng, nói được, không gặp biến chứng gì và xuất viện sau 5 ngày phẫu thuật.

Bác sĩ Khương nhận định, đây một trường hợp hiếm gặp, có nhiều khó khăn trong quá trình phẫu thuật. Do đó bệnh viện chuẩn bị một cách kỹ lưỡng cho các phương án có thể xảy ra. Trong đó, các vấn đề được đặt ra là đổi thuốc chống đông máu, dự trù máu trong phẫu thuật, dự trù mở màng giáp nhẫn cấp cứu nếu mở khí quản làm co thắt thanh khí quản. Đặc biệt hạn chế tối đa chảy máu trong lúc mổ, nếu có chảy máu, cần sử dụng các dụng cụ vừa hút, cũng như sẵn sàng phương án cột thắt các mạch máu chính ở vùng cổ. .

"Với khối u nằm sâu trong cơ thể thì việc phát hiện sớm rất khó khăn. Ví dụ như khối u trong thanh quản của người bệnh nói trên, khi xuất hiện triệu chứng ban đầu còn dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Khi khối u gây những biến chứng rõ ràng thì tình trạng bệnh đã nặng. Vì vậy, nội soi tai mũi họng định kỳ là rất cần thiết giúp tầm soát bệnh và điều trị sớm", bác sĩ khuyến cáo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.