Cựu Chủ tịch AIC cùng nhiều thuộc cấp bị đề nghị truy tố dù đang bỏ trốn

12/11/2022 16:18 GMT+7

Dù đang bỏ trốn, cựu Chủ tịch Công ty AIC cùng 7 đồng phạm vẫn bị đề nghị truy tố. Cơ quan điều tra yêu cầu các bị can ra đầu thú để hưởng khoan hồng, nếu không coi như từ bỏ quyền tự bào chữa.

Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) Bộ Công an vừa ban hành kết luận điều tra, đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố 36 bị can trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Công ty cổ phần Tiến Bộ Quốc Tế (Công ty AIC) và một số đơn vị liên quan.

36 bị can bị đề nghị truy tố về 5 tội danh khác nhau, trong đó ông Trần Đình Thành, cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai và ông Đinh Quốc Thái, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, bị đề nghị truy tố về tội “nhận hối lộ”; Phan Huy Anh Vũ, cựu Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai, bị đề nghị truy tố tội “nhận hối lộ” và “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”; Bồ Ngọc Thu, cựu Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Đồng Nai, bị đề nghị truy tố về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cựu chủ tịch Đồng Nai 14 lần nhận hối lộ: Lúc nghỉ hưu vẫn được "tặng quà"

Bỏ trốn coi như từ bỏ quyền tự bào chữa

Trong vụ án có 8 bị can đang bỏ trốn, tuy nhiên C03 vẫn đề nghị truy tố, gồm: Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch Công ty AIC; Trần Mạnh Hà, cựu Phó chủ tịch Công ty AIC; Đỗ Văn Sơn, cựu Kế toán trưởng Công ty AIC; Nguyễn Thị Sen, cựu Giám đốc Công ty CP thiết bị Y tế và môi trường; Nguyễn Thị Tích, Tổng giám đốc Công ty MOPHA; Ngô Thế Vinh, Giám đốc Công ty nha khoa Việt Tiên; Nguyễn Đăng Thuyến, cựu Giám đốc Công ty Thành An Hà Nội và Đỗ Mỹ Hạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cát Vân Sa.

Bị can Nguyễn Thị Thanh Nhàn

bộ công an

8 bị can cùng bị đề nghị truy tố tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, riêng bà Nhàn và ông Hà bị đề nghị truy tố thêm tội “đưa hối lộ”.

C03 đã phát lệnh truy nã nhóm bị can kể trên, đồng thời kêu gọi ra đầu thú để hưởng khoan hồng của pháp luật và hợp tác điều tra để đảm bảo quyền lợi tự bào chữa theo luật. Trường hợp các bị can không ra đầu thú sẽ coi như từ bỏ quyền tự bào chữa của mình và sẽ bị điều tra, truy tố, xét xử.

Các bị can Trần Mạnh Hà, Đỗ Văn Sơn và Nguyễn Thị Sen (từ trái qua)

bộ công an

Cơ quan điều tra cáo buộc, Công ty CP thiết bị Y tế và môi trường và Công ty MOPHA là công ty thuộc sở hữu, “hệ sinh thái” của bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn. Công ty nha khoa Việt Tiên và Công ty Thành An Hà Nội là 2 doanh nghiệp “quân xanh” mà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bố trí tham gia đấu thầu. Còn Công ty Cát Vân Sa là đơn vị tham gia báo giá thiết bị y tế theo yêu cầu của Công ty AIC.

Theo cáo buộc, biết rõ Công ty AIC không đủ năng lực nhưng để công ty trúng 16 gói thầu với tổng giá trị gần 666 tỉ đồng tại dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, bà Nhàn đã thiết lập quan hệ với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở KH-ĐT và các sở, ngành khác của tỉnh Đồng Nai rồi câu kết, thông đồng với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn thiết kế… thiết lập “quân xanh” tham gia đấu thầu… để hưởng lợi bất chính hơn 150 tỉ đồng.

Các bị can Nguyễn Thị Tích, Ngô Thế Vinh, Nguyễn Đăng Thuyết và Đỗ Mỹ Hạnh (từ trái qua)

bộ công an

Để được sự giúp đỡ và hậu thuẫn, bà Nhàn đã trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho ông Thành 14,5 tỉ đồng, ông Thái 14,5 tỉ đồng và Phan Huy Anh Vũ 14,8 tỉ đồng. Ngoài ra, bà Nhàn còn nhiều lần biếu quà, tặng tiền trong các dịp lễ, tết cho bà Bồ Ngọc Thu với tổng số tiền 1 tỉ đồng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn giàu cỡ nào: Điểm mặt khối tài sản "khủng" đang bị kê biên

Điều tra việc sử dụng vốn ngân sách T.Ư

Ngoài 36 bị can trong vụ án, cơ quan điều tra còn xác định còn một số cá nhân có hành vi vi phạm liên quan ở các mức độ khác nhau. Có cá nhân hoặc hành vi chưa đủ căn cứ xem xét hoặc chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, căn cứ tính chất, mức độ và các yếu tố khác, cơ quan điều tra kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật.

Ngoài ra, dự án Bệnh viện đa khoa Đồng Nai được T.Ư bố trí vốn với số tiền lớn, trong đó có việc bố trí nguồn vốn ngân sách ngoài kế hoạch vượt mức quy định. Tuy nhiên, do Công ty AIC trúng thầu nhiều dự án có liên quan đến việc phân bổ nguồn vốn ngân sách T.Ư, nên để đảm bảo việc điều tra, kết luận tổng thể các dự án có liên quan, C03 đã tách phần điều tra xác minh liên quan đến phân bổ, sử dụng, quyết toán nguồn vốn này để điều tra và xử lý sau.

Toàn cảnh cựu bí thư Đồng Nai nhận hối lộ: Những chuyến thăm, bữa cơm bạc tỉ

Cơ quan điều tra kiến nghị nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc phân bổ nguồn vốn ngân sách T.Ư cho các địa phương tại các dự án để đảm bảo công bằng, minh bạch, đúng quy định của pháp luật, đặc biệt đối với nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch. Đồng thời, cần có các chế tài xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người có thẩm quyền phân bổ nguồn vốn trái quy định của pháp luật.

Kiến nghị nhà nước quản lý, giám sát chặt, công khai giá thiết bị, hàng hóa trên thị trường để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể kiểm tra, giám sát và phát hiện việc nâng giá bất hợp lý. Yêu cầu các doanh nghiệp công bố và chịu trách nhiệm về việc công khai chi phí đầu vào để hạn chế việc doanh nghiệp nâng giá thông qua việc mua bán lòng vòng trước khi tham dự đấu thầu, bán hàng.

Đồng thời, cần sửa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về đấu thầu theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ về năng lực tài chính (sử dụng báo cáo tài chính doanh nghiệp gửi cơ quan thuế), năng lực kinh nghiệm để đảm bảo các đơn vị tham dự thầu là những đơn vị có đủ điều kiện tham gia gói thầu, hạn chế việc sắp đặt “quân xanh” dự thầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.