Cựu Chủ tịch Bình Dương cùng đồng phạm nộp thêm tiền khắc phục hậu quả

27/12/2022 12:52 GMT+7

Thừa nhận hành vi của mình nhưng cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho rằng mức án sơ thẩm là quá cao và có đơn kháng cáo, cung cấp nhiều tình tiết giảm nhẹ và nộp thêm tiền khắc phục hậu quả.

Sáng 27.12, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm, xét đơn kháng cáo của 4 bị cáo trong đại án xảy ra tại Bình Dương, gây thiệt hại hơn 5.700 tỉ đồng tài sản Nhà nước.

Bị cáo Trần Thanh Liêm

kiến trần

Các bị cáo gồm Trần Thanh Liêm, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương; Trần Nguyên Vũ, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty Bình Dương); Lý Thanh Châu, cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương, và Đỗ Thị Thanh Thúy, cựu Kế toán trưởng Tổng công ty Bình Dương.

Sau khi nhận án sơ thẩm, 4 bị cáo đã có đơn kháng cáo, đề nghị tòa cấp phúc thẩm xem xét lại hành vi phạm tội của mình trong bối cảnh các quy định của pháp luật chưa hoàn thiện, mức độ và hậu quả gây ra đã được khắc phục. Từ đó đề nghị tòa cân nhắc các tình tiết giảm nhẹ như lần đầu phạm tội, có nhiều thành tích trong công tác, không có động cơ vụ lợi, khai báo thành khẩn…

Bị cáo Trần Nguyên Vũ, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương

kiến trần

Tại tòa, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thừa nhận cáo trạng truy tố và nhận thức sai phạm. Tuy nhiên ông Liêm cho rằng dù là Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa của Tổng công ty Bình Dương nhưng bản thân không biết tới những văn bản liên quan trực tiếp tới việc cổ phần hóa. Với chức trách nhiệm vụ được giao, ông Liêm thừa nhận chưa làm hết nhiệm vụ của bản thân.

Bị cáo Lý Thanh Châu, cựu Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bình Dương

kiến trần

Ngoài ra, ông Liêm khai biết việc Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng khu đất 43 ha cho Công ty Tân Phú vào năm 2019 khi báo chí phản ánh. Đồng thời, bị cáo này cũng thừa nhận việc tòa sơ thẩm kết luận bị cáo phạm tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” là đúng, nhưng cho rằng mức hình phạt 7 năm tù là cao nên đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ.

Tại tòa, HĐXX thông báo việc ông Liêm và luật sư đã nộp thêm tài liệu, chứng cứ mới thể hiện việc ông Liêm đang điều trị bệnh và có nhiều thành tích trong công tác. Ngoài ra, gia đình ông Liêm cũng tự nguyện nộp thêm hơn 1 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án, việc này đã có biên lai thể hiện.

Bị cáo Đỗ Thị Thanh Thúy, cựu Kế toán trưởng Tổng công ty Bình Dương

kiến trần

Theo HĐXX, ngoài bị cáo Liêm, tòa cũng nhận được thêm tài liệu của bị cáo Vũ thể hiện việc sức khỏe giảm sút nghiêm trọng; ông Vũ cũng nộp thêm 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả vụ án, đã có biên lai. Hai bị cáo còn lại cũng nộp thêm chứng cứ mới liên quan đến việc khắc phục hậu quả.

Trong vụ án, với vai trò Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, bị cáo Trần Thanh Liêm đã đồng ý để Tổng công ty Bình Dương chuyển nhượng vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, thực chất là chuyển nhượng khu đất 43 ha trái quy định. Việc này gây thất thoát hơn 984 tỉ đồng tài sản Nhà nước.

Bị cáo Liêm còn ký quyết định đồng ý cho Tổng công ty Bình Dương đưa 145 ha đất từ danh mục tài sản đang dùng thành tài sản chờ thanh lý. Khu đất do đó không được đưa vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa gây thất thoát hơn 4.030 tỉ đồng.

Với những hành vi này, bị cáo Liêm liên đới cùng các bị cáo trong vụ án gây thất thoát tổng số tiền hơn 5.000 tỉ đồng.

Ngày 30.8, TAND TP.Hà Nội tuyên án sơ thẩm bị cáo Liêm 7 năm tù, bị cáo Châu 4 năm 6 tháng tù, bị cáo Thúy 2 năm 6 tháng tù, cùng về tội “vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Bị cáo Vũ bị tuyên 12 năm tù về tội “vi phạm quy định quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và 11 năm tù về tội “tham ô tài sản”, tổng hợp hình phạt là 23 năm tù.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.